Với mục tiêu đến năm 2025, các đô thị trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành được hệ thống cây xanh đô thị theo các loại hình, quy mô bảo đảm chỉ tiêu đô thị mới văn minh và hiện đại, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các cấp, ngành nâng cao trách nhiệm trong quản lý, đầu tư trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và tạo dựng hình ảnh đô thị xanh, phát triển bền vững.
Trong những năm gần đây, công tác quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm thực hiện. Chính quyền đô thị (thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên) đã dành ngân sách để duy trì, phát triển hệ thống cây xanh đô thị (trồng, chăm sóc, ươm cây, cắt tỉa,..). Hệ thống cây xanh cảnh quan đã từng bước hình thành, góp phần tạo dựng bộ mặt đô thị xanh, sạch, đẹp.
Tuy nhiên việc phát triển cây xanh đô thị mới chủ yếu là phát triển hệ thống cây xanh đường phố, cây xanh vườn hoa tại một số dự án khu dân cư, khu nhà ở, số lượng các công trình công viên cây xanh cấp đô thị rất ít, chủ yếu tại thành phố Phủ Lý, tại các đô thị khác chưa hình thành được hệ thống công viên cây xanh tập trung. Đối với cây xanh đường phố, một số loại cây trồng chưa phù hợp gây nguy hiểm trong mùa mưa bảo và ảnh hưởng đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật,…
Việc đầu tư các công viên cây xanh có quy mô lớn chưa được chú trọng để hình thành các lá phổi xanh cho đô thị và tạo ra không gian nghỉ ngơi, cho người dân đô thị, tạo ra sức sống, sức hấp dẫn cho đô thị. Hệ thống cơ sở dữ liệu về cây xanh đô thị chưa được tạo lập làm cơ sở để đánh giá, rà soát và duy trì phát triển. Kế hoạch phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh nói chung và tại các địa phương chưa được ban hành để tạo cơ sở cho các địa phương chủ động phát triển cây xanh.
UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cấp ngành, địa phương, đơn vị nâng cao quản lý, đầu tư trồng cây xanh trong bảo vệ môi trường, cải thiện cảnh quan thiên nhiên.
Thời gian tới, tỉnh Hà Nam tập trung phát triển hệ thống cây xanh tại các khu vực phát triển đô thị và các khu chức năng trên địa bàn tỉnh với định hướng phấn đấu phát triển tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, bao gồm: Hệ thống cây xanh sử dụng công cộng đô thị (Cây xanh công viên; Cây xanh vườn hoa); Hệ thống cây xanh đường phố; Hệ thống cây xanh chuyên dụng: Cây xanh cách ly tại các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy ngoài các khu, cụm công nghiệp. Cây xanh cách ly các nghĩa trang, khu xử lý nước thải, chất thải rắn.
Địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025 các đô thị trên địa bàn tỉnh hình thành hệ thống cây xanh đô thị với đa dạng loại hình, quy mô, đảm bảo các chỉ tiêu cây xanh đô thị; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý, đầu tư phát triển hệ thống cây xanh đô thị góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và góp phần tạo dựng hình ảnh đô thị xanh, bền vững, xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, đảm bảo chỉ tiêu cây xanh đô thị, tăng chỉ tiêu cây xanh bình quân đầu người cụ thể: Thành phố Phủ Lý: 10-15m2 /người (Trong đó đất cây xanh công viên cấp đô thị từ 6-7,5m2 /người; cây xanh công cộng khu vực nội thành nội thị 5- 6m2 /người); Thị xã Duy Tiên, huyện Kim Bảng: 9-11m2 /người (Trong đó đất cây xanh công viên cấp đô thị từ 5-7m2 /người; cây xanh công cộng khu vực nội thành nội thị 4-5m2 /người); Các thị trấn, đô thị loại V: 8-10m2 /người (Trong đó đất cây xanh công viên cấp đô thị từ 4-6m2 /người; cây xanh sử dụng công cộng 3-4m2 /người). Đồng thời, hoàn thành trồng 2 triệu cây xanh tại các đô thị trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch 3604/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu trên, thời gian tới UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phát triển hệ thống cây xanh đường phố thông qua rà soát, đánh giá phân loại hệ thống cây xanh trên các trục đường đô thị, duy trì bảo vệ cây xanh phù hợp và có kế hoạch thay thế các loại cây không phù hợp trên cơ sở Danh mục cây trồng, cây trồng hạn chế, cây cấm trồng tại đô thị và khu chức năng trên địa bàn tỉnh.
Phát triển hệ thống công viên đô thị với nhiệm vụ nâng cấp, cải tạo các công viên hiện có. Phát triển cây xanh gắn với hệ thống mặt nước điều hòa, tạo cảnh quan đô thị, hạn chế tối đa tình trạng lấp kênh nước, ao hồ hiện có, nghiên cứu mô hình công viên ngập nước gắn với khu vực trữ nước chống ngập úng đô thị. Đầu tư các công viên cây xanh gắn với hệ thống quảng trường, các khu trung tâm hành chính, văn hóa đô thị (Trung tâm hành chính thị xã Duy Tiên; Trung tâm hành chính huyện Thanh Liêm,…); hệ thống công viên cây xanh ven sông Châu, sông Đáy, khai thác cảnh quan ven sông, tạo dựng các không gian sinh hoạt công cộng, nghỉ ngơi, thể dục thể thao và gắn với các bến thuyền ven sông.
Phát triển hệ thống xây xanh giữ vai trò quan trọng trong quy hoạch, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, phát triển hệ thống cây xanh khu ở được nhấn mạnh triển khai với mục tiêu đảm bảo chỉ tiêu đất cây xanh đơn vị ở gắn với đầu tư các khu đô thị, khu dân cư. Tại các khu vực dân cư hiện hữu, rà soát quỹ đất chưa sử dụng, giữ lại các khu vực mặt nước để bổ sung hệ thống vườn hoa, sân chơi khu ở. Ngoài ra, với nhiệm vụ phát triển hệ thống cây xanh chuyên dụng sẽ được triển khai đảm bảo quỹ đất quy hoạch cây xanh cách ly, trồng mới hoặc bổ sung hệ thống cây xanh cách ly các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nghĩa trang, khu xử lý nước thải, chất thải rắn, các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài các khu, cụm công nghiệp đã hình thành.
Thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, tác dụng của cây xanh nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa của việc trồng cây xanh, đặc biệt là cây xanh đô thị, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội.
Đối với cộng đồng dân cư, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường để mỗi người dân đóng góp tích cực vào xây dựng và bảo vệ hệ thống cây xanh đường phố, cây xanh vườn hoa, công viên của nơi mình cư trú. Ngăn chặn các hành vi phá hoại cây xanh, đặc biệt là cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, đô thị. Vận động nhân dân trong các khu dân cư tập trung, tại các khu dân cư, khu đô thị mới: lập các Tổ tự quản thực hiện công tác phát triển, bảo vệ, duy trì hệ thống cây xanh ở các khu vườn hoa khu dân cư để duy trì cảnh quan, tạo nơi thư giãn, nghỉ ngơi kết hợp với sinh hoạt cộng đồng. Hình thành phong trào xây dựng vườn hoa khu ở và nơi làm việc: Tại các khu vực có mặt bằng, phát động phong trào trồng cây xanh công cộng. Vận động trồng cây xanh trong khuôn viên nhà ở, trụ sở cơ quan.
Minh Tâm