Trong 2 ngày 9-10/1, tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã phối hợp với Viện Sinh thái và Tài Nguyên sinh vật (IEBR) tổ chức cuộc họp kỹ thuật rà soát thông tin về các loài thú để cập nhật tình trạng bảo tồn trong Sách đỏ Việt Nam sẽ được xuất bản trong năm 2023.
Các nhà khoa học rà soát các loài để cập nhật lại trong Sách đỏ Việt Nam vào cuối năm 2023.
Cuộc họp tập hợp được hơn 30 chuyên gia bảo tồn của Việt Nam tham gia rà soát, đề xuất mức độ bảo tồn phù hợp cho các loài.
Trong bối cảnh các vùng sinh cảnh tự nhiên bị suy giảm và suy thoái, các loài động vật hoang dã đang chịu các áp lực rất lớn từ các hoạt động săn, bẫy, buôn bán trái pháp luật. Do đó rất nhiều loài đã bị suy giảm và có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Chính vì vậy, việc rà soát, cập nhật hiện trạng phân bố, quần thể của các loài nhằm xếp mức độ đe dọa trong Sách đỏ có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đưa ra các cảnh báo, từ đó có các hành động bảo tồn và các quy định quản lý phù hợp. Hoạt động rà soát đã nhận được sự quan tâm và tham gia của các nhà khoa học trong nước, đặc biệt là các tổ chức bảo tồn và cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trong nước.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển, trong lần rà soát này, có rất nhiều loài thú đã được nâng mức độ bảo vệ do quần thể nhỏ và vùng sống bị thu hẹp. Đây là các loài đang chịu áp lực từ vấn nạn săn bắt và mất sinh cảnh hiện nay.
Cụ thể, trong gần 100 loài thú được rà soát, có đến hơn 50 loài được nâng hạng bảo tồn so với Sách đỏ 2007; trong đó có hơn 20 loài được xếp vào mức cảnh báo bảo tồn cao nhất CR (Cực kỳ nguy cấp) như các loài vượn, một số loài voọc, nhiều loài trong họ Mèo, một số loài rái cá, các loài tê tê. Ngoài ra, cũng cần kể đến một số loài được đánh giá là chưa ghi nhận được ở ngoài tự nhiên trong khoảng 10-20 năm gần đây như hổ, báo hoa mai, mèo cá, trâu rừng,…
Qua rà soát kỹ thuật, rất nhiều loài thú đã được nâng hạng bảo tồn. Trong ảnh là một cá thể voọc quần đùi trắng tại Kim Bảng, Hà Nam. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)
“Việc cập nhật Sách đỏ là một hoạt động quan trọng giúp cập nhật hiện trạng phân bố, quần thể của các loài, qua đó xếp mức bảo vệ cho phù hợp. Các thông tin từ Sách đỏ cũng sẽ là căn cứ khoa học quan trọng cho các cơ quan quản lý cập nhật danh mục các loài được bảo vệ và bố trí nguồn lực cho các hoạt động bảo tồn, phục hồi quần thể”, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà cho hay.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Quảng Trường, Chủ nhiệm đề tài "Cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu Danh lục đỏ và Sách đỏ Việt Nam" thông tin: Dự án cập nhật Danh lục đỏ và Sách đỏ Việt Nam là dự án do Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam chủ trì.
“Việc cập nhật cơ sở dữ liệu Danh lục đỏ và Sách đỏ Việt Nam sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, huy động nguồn lực, thu hút các nguồn đầu tư cũng như chương trình hợp tác quốc tế; thực thi pháp luật trong bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn loài nói riêng”, GS.TS Nguyễn Quảng Trường nhấn mạnh.
Đánh giá về phiên họp kỹ thuật, Giáo sư cho hay: Thông qua 2 ngày làm việc, cuộc họp đã huy động được nguồn lực tri thức của các chuyên gia; qua đó giúp cập nhật thông tin về các loài; đồng thời đưa ra nhiều đề xuất với công tác bảo tồn trong tương lai.
Sách đỏ Việt Nam cung cấp những thông tin về vị trí phân loại, tình trạng bảo tồn, sự phân bố và đặc điểm sinh học, sinh thái của các động vật và thực vật ở Việt Nam đã bị tuyệt chủng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng trong thiên nhiên. Dự án Sách đỏ Việt Nam được công bố lần đầu tiên vào năm 1992, do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thực hiện. Lần gần đây nhất, Sách đỏ Việt Nam được tu chỉnh lại là vào năm 2007. Dự kiến, Sách đỏ Việt Nam 2023 sẽ được ra mắt vào cuối năm nay.
Phan Bách