Chiều 15/7/2009, các đại biểu HĐND Thành phố tiếp tục thảo luận về Đề án “Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến 2010”. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đang có xu thế gia tăng và ngày càng trở nên nghiêm trọng, vấn đề ô nhiễm môi trường nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu.
Đại biểu Phạm Thị Loan (Tổ Long Biên) đánh giá Đề án “Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến 2010” là một đề án tốt vì đã nghiên cứu, đề ra biện pháp, chiến lược phù hợp, là điểm mốc đánh dấu sự chuyển đổi nhận thức của thành phố đối với môi trường. Tuy nhiên, nếu Đề án chỉ đề xuất nhiệm vụ và giải pháp xử lý ô nhiễm từ nay đến hết năm 2010 và tập trung giải quyết 3 vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc nhất thì tính khả thi có đảm bảo bởi thời gian thực hiện Dự án đưa ra ngắn, khối lượng công việc nhiều. Trên cơ sở đó, bà kiến nghị kéo dài thời gian và hướng tới mục tiêu trọn vẹn hơn để mọi lĩnh vực liên quan đến môi trường đều phải đạt 100%.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hương (Tổ Sóc Sơn) cũng chia sẻ ý kiến trên. Theo bà, Dự án mang tính chất tình thế nhiều hơn nên lộ trình xử lý ngắn, vì vậy, vênh giữa mục tiêu mong muốn với khoảng thời gian thực hiện. Nên khi đặt chỉ tiêu giải quyết 95% - 100% sẽ không cho phép thực hiện được. Bà cho rằng, người dân mong muốn không chỉ có biện pháp xử lý đến năm 2010, không chỉ tính đến 3 yếu tố ô nhiễm chính mà cần có chiến lược lâu dài theo hướng bảo vệ môi trường, phòng là chính.
Trong Đề án có nêu 7 hồ sẽ được xử lý ô nhiễm năm 2009 gồm: Hồ Quỳnh, Hồ Ngọc Khánh, Hồ Xã Đàn, Hồ Hai Bà Trưng, Hồ Hữu Tiệp, Hồ Kim Liên, Hồ Ao Đình Ngọc Hà. Đại biểu Nguyễn Việt Hưng (Tổ Đông Anh) nêu ý kiến tại sao lại chọn 7 hồ này, cơ sở khoa học cho việc lựa chọn là gì. Ông cũng đề nghị làm rõ Đề án đã được các nhà khoa học góp ý chưa, đã tổ chức hội nghị phản biện trước khi trình UBND Thành phố?. Đề án khuyến khích các thành phần tham gia xử lý ô nhiễm nhưng chưa nhấn mạnh đến việc huy động chất xám ở thủ đô, vấn đề áp dụng những nghiên cứu có sẵn...
Đại biểu Vũ Đức Tân (Tổ Ba Đình) lại đóng góp ý kiến về vấn đề ô nhiễm nước sông. Ông lập luận, do sông chảy qua nhiều vị trí địa lý khác nhau nên nếu quản lý từng đoạn theo địa lý hiện nay thì có giải quyết được ô nhiễm nước sông hay không? Ông gợi ý nên chăng thành lập 1 ban hay tổ chức đứng ra quản lý các con sông để nhất quán trong quản lý, từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước tại các con sông.
Về vấn đề ô nhiễm rác thải y tế, đại biểu Lê Anh Tuấn (Tổ Gia Lâm) cho biết: Trong số 48 bệnh viện và trung tâm y tế do Thành phố quản lý mới chỉ có 8 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải đang hoạt động, một số bệnh viện đang trong giai đoạn xây dựng hệ thống xử lý, còn lại lượng nước thải bệnh viện không được xử lý, thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung. Vì vậy, cần có hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng y tế. Ngay đối với những nơi đã triển khai hệ thống xử lý rác thải y tế cũng kiểm tra giám sát xem có thực hiện xử lý rác thải hay ko?
Đại biểu Nguyễn Khắc Thọ (Tổ Cầu Giấy) bổ sung thêm nguyên nhân gây ô nhiễm từ nguồn nước thải sinh hoạt. Theo Đề án thì Tổng lượng nước thải sinh hoạt của khu vực nội thành, nội thị khoảng 700.000m3/ngày đêm. Nước thải sinh hoạt phần lớn chỉ được xử lý sơ bộ tại các bể tự hoại trước khi xả vào các tuyến cống chung hoặc kênh, mương, ao, hồ.
Hiện tại, trên địa bàn Thành phố có 4 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung với công suất thiết kế đạt 48.500 m3/ngày đêm chiếm 6,9% là: Kim Liên, Trúc Bạch, Bắc Thăng Long - Vân Trì , Khu đô thị mới Mỹ Đình. Theo ông, hiện nay nhiều nhà khoa học đã đầu tư nghiên cứu xử lý vấn đề này nhưng vẫn chưa thành công. Vì vậy, để khắc phục, ông kiến nghị nên có yêu cầu bắt buộc đối với các chung cư, khu đô thị mới, các khu dịch vụ, khách sạn, nhà hàng phải có hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu mới cho đổ vào hệ thống thoát nước của thành phố.
Trả lời những ý kiến của đại biểu HĐND, Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh đã làm rõ hơn những thắc mắc đồng thời khẳng định: Song song với Đề án này, Thành phố đang xúc tiến một Đề án tổng thể về môi trường mà ở Đề án này chưa thể đề cập vì liên quan đến quy hoạch tổng thể chung của cả Hà Nội. Quan điểm của Thành phố là tranh thủ nguồn chất xám và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến cả trong nước và ngoài nước. Hà Nội hoan nghênh mọi sáng kiến bảo vệ môi trường, riêng ý tưởng thành lập Ban quản lý sông Trung ương đang nghiên cứu.
Trên cơ sở điều chỉnh, tiếp thu các ý kiến tại buổi thảo luận, Đề án “Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến 2010” đã được các đại biểu nhất trí thông qua.
Đề án Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội đến 2010 có 10 dự án với tổng nguồn vốn huy động hơn 2.600 tỷ đồng. Một nửa trong số này dành cho dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt với nguồn vốn đầu tư theo hình thức BOT.
Trong số 9 đề án lấy vốn từ ngân sách thành phố, dự án thu gom và xử lý nước thải cho một đoạn sông Tô Lịch chiếm kinh phí lớn nhất, 600 tỷ đồng; khu xử lý chất thải rắn quy mô cấp huyện 310 tỷ; 100 tỷ dành cho việc nạo vét lòng sông Nhuệ. 31 hồ được xử lý chiếm số vốn khiêm tốn 35 tỷ.