Ngày 9/2, đại diện Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk), đơn vị đang kinh doanh hoạt động du lịch tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn ra thông báo cho biết về việc dừng hoạt động cưỡi voi tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn kể từ ngày 10/2/2023.
Từ ngày 10/2/2023 sẽ dừng hoạt động cưỡi voi tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn.
Theo đại diện Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện, trong thời gian qua, tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn có sử dụng dịch vụ cưỡi voi. Tại đây, hiện có 6 con voi phục vụ du lịch, trong đó 2 con là của đơn vị quản lý và 4 con voi hợp đồng thêm của người dân. Hiện, 6 con voi này chưa nhận kinh phí hỗ trợ theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn.
Mặc dù vậy, thực hiện chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về lộ trình dừng dịch vụ cưỡi voi trong hoạt động kinh doanh du lịch để bảo tồn đàn voi nhà của tỉnh, chuyển dần sang mô hình du lịch voi thân thiện, lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk quyết định dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ cưỡi voi tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn nằm tại buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn từ ngày 10/2/2023.
Lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk giao lãnh đạo, quản lý Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn triển khai thực hiện nghiêm túc, triệt để và tư vấn cho khách tham quan chuyển sang sử dụng sản phẩm du lịch thân thiện với voi và các sản phẩm khác.
Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh, do Tổ chức động vật châu Á tài trợ. Tổng giá trị khoản viện trợ là 55 tỷ 452 triệu đồng, tương đương 2,43 triệu USD, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại là 50 tỷ 888 triệu đồng, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách sự nghiệp được bố trí cho Trung tâm Bảo tồn voi, cứu trợ động vật và quản lý bảo vệ rừng hằng năm là 4 tỷ 564 triệu đồng.
Mục tiêu của dự án nhằm triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà và duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Dự án hướng đến kết quả chủ yếu là Mô hình du lịch thân thiện với voi được thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn và huyện Lắk, thay thế hoàn toàn cho hình thức du lịch cưỡi voi. Đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ. Chủ và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi. Các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi; thành lập hợp tác xã du lịch nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi tại huyện Lắk; hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn loài voi được phổ biến lan tỏa hiệu quả cao tới các tầng lớp xã hội, cộng đồng…
Thời gian thực hiện dự án từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2026. Địa điểm thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn gồm: Vườn quốc gia Yok Đôn; Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng; các công ty du lịch đang hoạt động trên địa bàn huyện; trên địa bàn huyện Lắk gồm: Ban Quản lý rừng lịch sử-văn hóa-môi trường Hồ Lắk.
Năm 2018, Tổ chức Động vật châu Á cũng đã tài trợ 65.000 USD trong vòng 5 năm để Vườn Quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk chuyển đổi mô hình từ cưỡi voi sang du lịch thân thiện đối với 3 con voi. Từ đó, 3 con voi của vườn được chăn thả tự nhiên. Hằng ngày, nài voi theo dõi sát sao quá trình di chuyển, kiếm ăn của chúng trong rừng. Khách du lịch được vào rừng tham quan, tìm hiểu các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày của voi. Du khách được ngắm voi từ xa, theo dõi chúng ăn, tắm, ngủ và đi dạo với chúng trong rừng... thay vì cưỡi như trước đây.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 37 con voi nhà và khoảng 80 đến 100 con voi rừng. Để bảo tồn đàn voi nhà, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều về chính sách bảo tồn voi. Cụ thể, hỗ trợ 500.000 đồng/chủ voi cái/ngày và 600.000 đồng/chủ voi đực/ngày trong thời gian 30 ngày chúng gặp gỡ, giao phối. Thời gian voi mang thai và sinh sản, hỗ trợ 300.000 đồng/ngày trong 10 tháng đầu thai kỳ; 600.000 đồng/ngày từ tháng 11 thai kỳ đến tháng thứ 6 sau khi chúng sinh con. Ngoài ra, nài chăm sóc voi trong thời gian chúng giao phối, sinh sản, nuôi con được hỗ trợ 200.000 đồng/ngày trong 29 tháng đối với nài voi cái và 30 ngày đối với nài voi đực…
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, đàn voi nhà trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có voi cái nào sinh nở thành công và đàn voi nhà đang ngày càng bị giảm dần.
Vì vậy, thông tin dừng hoạt động cưỡi voi tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn được đưa ra ngay trước thềm Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 diễn ra từ ngày 10 đến 14/3/2023 được dư luận hết sức quan tâm và hầu hết đều đồng tình ủng hộ với quyết định này của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk và Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện.
Tuy nhiên, những người yêu quý đàn voi nhà ở Đắk Lắk cho rằng, không chỉ dừng hoạt động cưỡi voi tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn mà cần dừng toàn bộ hoạt động cưỡi voi tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đồng thời tỉnh cần nhanh chóng thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả các chính sách bảo tồn đàn voi nhà, nhằm bảo tồn, kéo dài tuổi thọ của đàn voi nhà hiện có, còn nếu không thì không bao lâu nữa Tây Nguyên sẽ vắng bóng đàn voi.
Nguyễn Công Lý