Được biết, Công ty cổ phần Điện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã và đang hoàn thành những bước cuối cùng hồ sơ dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Sê Rê Pôk 4A. Nhưng nhiều chuyên gia về môi trường sinh thái, về du lịch, đặc biệt là lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn, Trung tâm du lịch Bản Đôn tỏ ra không đồng tình, thậm chí họ còn tỏ ra bất bình về việc xây dựng nhà máy thủy điện này.
Đại đa số cho rằng nếu dự án được thực hiện sẽ ảnh hưởng lớn đến Vườn quốc gia Yôk Đôn, đến hệ sinh thái rừng khộp vô cùng quí giá và các hoạt động du lịch ở vùng Bản Đôn, du lịch sinh thái dọc sông Sê Rê Pôk cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì thiết kế của Nhà máy Thủy điện Sê Rê Pôk 4A (công suất 64 MW) sẽ lấy nước xả trực tiếp từ kênh xả của Nhà máy Thủy điện Sê Rê Pôk 4. Sau đó nước sẽ theo kênh dẫn dài khoảng 13km, được đào băng qua 3 xã Ea Wer, Ea Huar, Krông Na (thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia - VQG) tới gần hồ Cư Minh (xã Krông Na) nơi sẽ đặt nhà máy phát điện; từ đó, nước được xả xuống suối Cầu 19 (buôn Ea Ma, xã Krông Na) chảy xuống sông Sê Rê Pôk, cách nơi nhận nước khoảng 20km đường sông.
Lượng nước từ Nhà máy Thủy điện Sê Rê Pôk 4 xả trực tiếp xuống sông Sê Rê Pôk chỉ còn lại 8,23 m3/s, trong khi dòng chảy tự nhiên của sông là 220 m3/s (tức là chỉ bằng 1 phần 26 so với dòng chảy tự nhiên). Điều này khiến cả một đoạn sông Sê Rê Pôk dài khoảng 20km vào mùa khô sẽ kiệt nước. Người dân sẽ lội bộ qua sông một cách dễ dàng.
Và như vậy, theo lãnh đạo VQG Yok Đôn, VQG giàu có về tài nguyên, có tính đa dạng sinh học cao, mang tính đặc trưng của rừng nhiệt đới Đông Nam Á - sẽ bị ảnh hưởng lớn. Vì đoạn sông bị cạn kiệt này chủ yếu nằm trong lãnh thổ của vườn. Không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên của vườn (do thay đổi khí hậu, thủy văn) mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho lâm tặc qua sông chặt trộm gỗ và săn bắt thú rừng.
Hiện dòng sông Sê Rê Pôk rộng (khoảng 70m) với nước chảy xiết đang là rào cản tự nhiên, góp phần giúp CBCNV của vườn ngăn chặn lâm tặc bảo vệ vườn. Dù vậy, cuộc chiến giữ rừng ở đây lâu nay vốn đã rất căng thẳng. Khi đoạn sông này bị cạn kiệt, rào cản tự nhiên chống lâm tặc không còn, lâm tặc đi bộ qua sông dễ dàng, thì việc bảo vệ VQG Yok Đôn sẽ càng khó khăn gấp bội. Rừng sẽ bị tàn phá là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, dự án về du lịch sinh thái trên sông Sê Rê Pôk của Vườn cũng sẽ phá sản…
Lãnh đạo Trung tâm du lịch Bản Đôn (thuộc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk) cũng cho biết: "Điểm du lịch Bản Đôn của chúng tôi là một điểm du lịch nổi tiếng nhất Đắk Lắk (năm 2008 đón 150.000 lượt khách, chiếm 55% lượt khách của cả tỉnh). Ngoài sản phẩm du lịch độc đáo cưỡi voi thăm buôn làng, thì việc du khách được đi trên cầu treo chòng chành như cưỡi sóng, ở dưới là dòng sông chảy xiết để ra thăm làng đảo rợp mát bóng cây cũng là một sản phẩm du lịch hấp dẫn với những ai vừa yêu thích thiên nhiên, vừa thích một chút cảm giác mạo hiểm… Hiện chúng tôi đang chuẩn bị đầu tư lớn vào khu du lịch này để tạo thêm các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao phục vụ du khách. Nhưng nếu đoạn sông này bị cạn vào mùa khô thì hoạt động du lịch của chúng tôi cũng sẽ bị ảnh hưởng và dĩ nhiên chúng tôi sẽ phải xem xét lại dự án đầu tư của mình…".
Một cán bộ của Trạm thủy văn Bản Đôn cũng cho biết: "Nếu người ta cho làm nhà máy thủy điện này, dòng chảy tự nhiên của sông Sê Rê Pôk đoạn qua trạm cũng không còn nữa. Như vậy là trạm của chúng tôi sẽ trở nên vô nghĩa… Có lẽ đây là những vấn đề không thể bị xem là "nhỏ" để tỉnh Đắk Lắk và các ngành chức năng của Trung ương cần phải cân nhắc trước khi phê duyệt chính thức dự án thủy điện này để làm sao cân bằng được hệ sinh thái của vùng VQG Yok Đôn vô cùng quí giá này…