Festival “Về miền quan họ-2023” là ngày hội văn hóa đặc sắc, kết nối, lan tỏa giá trị di sản văn hóa trên tinh thần đoàn kết, phát triển qua phần trình diễn của các đoàn nghệ thuật đến từ 7 tỉnh, thành phố vinh dự sở hữu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Dân ca quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2009.
Được chọn là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch do tỉnh Bắc Ninh tổ chức từ ngày 24 đến 28/2, Chương trình khai mạc festival vào tối 25/2 với chủ đề “Miền di sản - Tinh hoa và bản sắc” sẽ là món quà quý mà xứ Kinh Bắc muốn trao tặng bè bạn gần xa, sau 14 năm quan họ được UNESCO chính thức vinh danh.
“Miền di sản - Tinh hoa và bản sắc” là một chương trình nghệ thuật phong phú, hấp dẫn được xây dựng công phu, với nội dung bao gồm ba chương. Sau màn Mời nước mời trầu, du khách bốn phương bước vào Không gian văn hóa quan họ của mảnh đất Bắc Ninh đặc sắc đậm màu văn hóa bằng những làn điệu rất đỗi thân quen như Tứ hải giao tình, Liện sai, Ngồi tựa mạn thuyền hay những ca khúc đã gắn bó mật thiết với đất và người Kinh Bắc như Gửi về quan họ, Những cô gái quan họ…
Để rồi “Bốn phương tụ hội”, với sự góp mặt của nhiều loại hình văn nghệ dân gian - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ khắp các vùng, miền Tổ quốc ngay tại Bắc Ninh, quê hương của những làn điệu dân ca Quan họ say đắm lòng người.
Một tiết mục biểu diễn trong Chương trình nghệ thuật “Rạng rỡ miền quan họ” tổ chức năm 2019 để kỷ niệm 10 năm Dân ca quan họ Bắc Ninh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nếu Ví Giặm gợi nhớ đất và người Nghệ Tĩnh thảo thơm tình nghĩa thì mảnh đất cực Nam Tổ quốc sở hữu đờn ca tài tử - chuyên chở những phóng khoáng, hào sảng của những con người một thời mang gươm đi mở đất. Nếu cồng chiêng là đặc sản văn hóa của đồng bào dân tộc sinh sống trên vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên thì hát xoan gắn bó máu thịt với vùng đất Tổ Phú Thọ, với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Nếu nhã nhạc cung đình là biểu tượng của vương quyền cùng sự trường tồn, hưng thịnh của các triều đại phong kiến với âm hưởng tao nhã cùng điệu thức cao sang, quý phái thì nghệ thuật bài chòi lại mộc mạc, in đậm hơi thở cuộc sống của cộng đồng cư dân bản địa Trung Bộ.
Sánh bước cùng những lúng liếng “vang, rền, nền, nảy” của những liền anh, liền chị thuộc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, đông đảo các nghệ sĩ thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, Đoàn ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, Đoàn ca kịch Quảng Nam, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã cùng tụ hội, cùng bắc nhịp cầu gửi gắm những hạt vàng tinh hoa tới khán giả truyền hình cả nước, để những di sản phi vật thể đại diện của nhân loại có cơ hội quy tụ “tứ hải giao tình”. Như lời hát quan họ, “Hôm nay tứ hải giao tình/ Tuy rằng bốn bể như sinh một nhà/ Hôm nay gặp mặt giao hòa/ Nguyện xin nguyệt lão, giăng già se duyên”.
Kết lại đêm biểu diễn nghệ thuật đong đầy cảm xúc là chương cuối, “Bắc Ninh tỏa sáng miền văn hiến”. Miền đất học hành, khoa bảng với nhiều danh nhân tiêu biểu đã đóng góp rất lớn cho đất nước trên suốt dặm dài lịch sử hào hùng của dân tộc.
Miền đất đi cả vào những bài đồng dao con trẻ, nôm na nhưng rất đỗi tự hào, “Một giỏ ông đồ/ Một bồ ông Cống/ Một đống ông Nghè/ Một bè Tiến sĩ/ Một bị Trạng Nguyên/ Một thuyền Bảng Nhãn…”. Miền đất nền nã uốn theo con “sông Cầu nước chảy lơ thơ”, mềm mại mà mê hoặc lòng người với những làn điệu Chuông vàng gác cửa Tam quan, Con nhện giăng mùng đã để lại những nốt lặng xao xuyến, khi câu hát “người ơi người ở đừng về” khép lại chương trình, bịn rịn, nhớ nhung khắc khoải.
Cùng với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị nghệ thuật chất lượng cao (như Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Học viện múa Việt Nam), chương trình cũng có nhiều giọng ca tên tuổi tham dự như Tùng Dương, Tân Nhàn, Bùi Lê Mận, Ygaria…
Đêm khai mạc Festival sẽ phô bày vẻ lộng lẫy trên một sân khấu hoành tráng có diện tích hơn 2.800m2, với màn hình LED ngoài trời cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng kết hợp với pháo hoa kỹ thuật tạo nên những điểm nhấn thị giác ấn tượng.
Công nghệ thực tế ảo tăng cường AR cùng hệ thống ánh sáng lazer công nghệ cao trình chiếu ánh sáng sẽ giúp hơn 6.000 khán giả có mặt trực tiếp và đông đảo người xem truyền hình có được một bữa tiệc nghe - nhìn mang lại xúc cảm đẹp. Và thật sự tự hào, về những hạt ngọc - di sản mà cha ông đã dày công bồi đắp, trao truyền cho muôn đời hậu thế.
“Hiện tại, công tác chuẩn bị đã được Ban tổ chức, cơ quan Thường trực Ban Tổ chức chỉ đạo, triển khai bảo đảm đúng tiến độ. Những điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị, công tác tổ chức và nội dung các chương trình nghệ thuật diễn ra tại Festival đều có sự chuẩn bị chu đáo, đúng theo kế hoạch” - ông Trịnh Hữu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh vui mừng cho biết.
Cũng theo ông Trịnh Hữu Hùng, điểm sáng của Festival “Về miền Quan họ - 2023” là kết nối tinh hoa các di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận, trọng tâm là Chương trình khai mạc với chủ đề “Miền di sản - Tinh hoa và bản sắc” và các hoạt động chủ đạo: Chương trình Dân ca Quan họ Bắc Ninh trên thuyền, chủ đề “Sum họp trúc mai”; Không gian trưng bày “Hành trình sắc màu di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng, miền”… nhằm thắt chặt mối liên kết, hợp tác cùng phát triển trên nền tảng chiều sâu văn hóa giữa tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh, thành phố hiện đang sở hữu di sản văn hóa tiêu biểu trong cả nước.
Thông qua Festival “Về miền Quan họ-2023” nhằm kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi nhận, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thực hiện tốt cam kết với tổ chức uy tín này về trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Quan họ Bắc Ninh đồng thời mong muốn đưa sự kiện này trở thành hoạt động quy mô lớn, có tính chất thường niên, hướng tới xây dựng sản phẩm, thương hiệu văn hóa - du lịch Bắc Ninh dựa trên nền tảng các giá trị căn cốt.
Đây cũng là cơ hội đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tạo cơ hội kết nối di sản văn hóa với các địa phương, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó và hợp tác phát triển, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương - khu vực, để Bắc Ninh trở thành “Miền di sản - Tinh hoa và bản sắc”, như cái đích mà chương trình hướng tới!
Huyền Nga