Đó là một trong những đề xuất tại hội thảo bảo tồn cây xanh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Đại học Nông Lâm và Sở Giao thông Vận tải thành phố phối hợp tổ chức ngày 31/7/2009.
Tiến sĩ Chế Đình Lý, Phó Viện trưởng Viện Môi trường & Tài nguyên – Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng thành phố cần xây dựng một chương trình công nhận “cây di sản đô thị” như nhiều thành phố trên thế giới đang làm.
Để được công nhận là cây di sản, bản thân cây phải có giá trị hay ý nghĩa đặc biệt được xếp vào loại cần bảo tồn, bảo vệ. Cây di sản sẽ là một danh hiệu công nhận cho cây, giúp cho chủ sở hữu công trình có cây mọc trên đó sử dụng sự công nhận đó như là một lợi thế về mặt thương hiệu, từ đó có ý thức giữ gìn, bảo vệ cây.
Qua khảo sát, thống kê của dự án “Lập danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn trên địa bàn TPHCM” do Bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật Hoa viên – Đại học Nông Lâm thực hiện, trên địa bàn thành phố hiện có trên 500 cây có khả năng đưa vào diện cây bảo tồn, đã xây dựng dữ liệu quản lý chi tiết đến từng cây.
Tiến sĩ Đinh Quang Diệp (Đại học Nông Lâm) cho biết, có 4 tiêu chí chính để xác định cây bảo tồn: loài cây, kích thước, chất lượng và vị trí. Tuy nhiên, tiêu chí hàng đầu khi xét cây bảo tồn phải là cây quý hiếm cần bảo tồn nguồn gien (như cây nằm trong Sách Đỏ Việt Nam); cây tiêu biểu đại diện cho các loài thực vật đã tồn tại trên địa bàn TPHCM và các vùng lân cận; cây nhập nội nhưng đã sống lâu và thích hợp với điều kiện tự nhiên ở thành phố; cây tiêu biểu di thực từ miền Bắc, miền Trung hiện đã sống lâu và thích hợp với điều kiện tự nhiên ở thành phố; cây có giá trị văn hoá, lịch sử, gắn liền với những địa danh do quá trình phát triển lập “làng xóm” từ thời di dân lập ấp của ông cha ta; cây do các vị lãnh tụ trồng kỷ niệm.