Vùng lõi danh thắng vịnh Nha Trang có tổng diện tích tự nhiên khoảng 250km2, gồm toàn bộ các đảo lớn nhỏ và dải bờ biển phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng. Ngoài hệ thống công viên ven biển, phần lớn đường bờ biển, "mặt tiền" của TP.Nha Trang đang trở thành tài sản của nhiều doanh nghiệp, cá nhân.
Có thể kể tên hàng loạt khu du lịch, bar, nhà hàng, quán càphê... được chính quyền địa phương và các ngành chức năng cấp phép xây dựng kiên cố dọc bờ biển: Ana Mandara, Lousian, Club Sailing, Bốn Mùa, Thùy Dương, Thiên Phước, Hoàng Lan, Biển Ngọc, Hải Đăng...
Mỗi cơ sở kinh doanh là một "vương quốc riêng" theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Bởi lẽ, ngoại trừ khách hàng đến đây nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi... không ai được phép ngắm biển - thư giãn tại những địa chỉ nêu trên, nếu như không... trả tiền. Đó là lý do, rất nhiều du khách từ bỡ ngỡ đến bất bình chỉ vì mê cảnh đẹp mà vô tình... quá bước đến "lãnh địa" của các ông chủ, bà chủ...
Chị Hoàng Thị Linh và rất nhiều người dân ở phường Lộc Thọ, TP.Nha Trang, bức xúc kể: Tiếng là dân gốc Nha Trang, thế nhưng dân nghèo như tụi tôi làm gì có cơ hội đến chốn đó. Vài lần đi tắm biển, đánh bạo... bước qua hàng rào, liền bị bảo vệ "mời ra!". Trời cho Nha Trang cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, vậy mà nơi nào đẹp nhất đều bị rào chắn để... kinh doanh". Trong thực tế, các cơ sở kinh doanh dọc tuyến biển đều tận dụng lợi thế phong cảnh thiên nhiên để nâng giá, ép giá...
Rất nhiều quan chức địa phương xót xa thừa nhận "sai lầm" khi cấp phép cho dự án đầu tư du lịch án ngữ bờ biển phía đông đường Trần Phú. Công bằng mà nói, để sửa sai, 10 năm trở lại đây, UBND tỉnh Khánh Hoà đã đầu tư nhiều tỉ đồng tôn tạo cảnh quan trước biển.
Hơn 3 cây số công viên bờ biển tạo nên "con đường vàng Trần Phú" và trở thành "sân" đón khách tứ phương. Rất mừng vì bãi tắm sát Hòn Chồng vẫn đông vui, tấp nập; 2 đầu tiếp giáp khu đô thị mới Vĩnh Hoà đang được thi công bờ kè và trồng cây xanh để hình thành công viên mới.
Nhưng, không ít nhà hàng bề thế đã "toạ lạc" dọc tuyến bờ biển phía bắc thành phố. Nhà hàng Thùy Dương từ đường Trần Phú được phép chuyển sang vị trí đẹp nhất đầu đường Phạm Văn Đồng. Bộ ba nhà hàng Thiên Phước, Hoàng Lan, Hải Đăng chiếm khoảng một cây số bờ biển. Nhà hàng Biển Ngọc hoành tráng nhất nhờ được phép lấn biển và rào dậu rất công phu.
Từ Biển Ngọc đến Rusalka và kéo dài tận QL1A, đường bờ biển lần lượt bị "ai đó" rào chắn tôn để che khuất tầm nhìn. Và, phía bên trong "hàng rào" rất "dụng công" ấy, "ai đó" đã nhanh tay phân lô, đúc móng, trồng tre trúc, tạo cảnh vườn...! Theo ngư dân phường Vĩnh Hoà, "xí phần" xong, thi công vào ban đêm và hoàn thành cực nhanh, nên không biết ai là chủ nhân đích thực. Nói một cách không ngoa, đường bờ biển của danh thắng vịnh Nha Trang đã và đang bị "xẻ thịt" để "cung phụng" cho dịch vụ du lịch.
Chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đã đến lúc tỉnh Khánh Hoà nói riêng và các địa phương ven biển nước ta nói chung cần thay đổi định nghĩa "du lịch là một ngành công nghiệp".
Ông Phạm Từ - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN - đã nhiều lần cảnh báo rằng, biển VN đang bị tàn phá, nguyên do vì phát triển nóng du lịch biển, đảo. Nhiều chuyên gia du lịch quốc tế liên tục khẳng định, du lịch không bao giờ là một loại hàng hóa, mà là sự tương tác giữa người với người và giữa con người với thiên nhiên.