Quy hoạch chung xây dựng vùng liên tỉnh khu vực hồ Ba Bể đã được Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng) hoàn thành và báo cáo các ban ngành sáng 30/7/2009 nhằm hoàn thiện đồ án và trình Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Phạm Văn Bóng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tuyên Quang, vùng liên tỉnh khu vực Hồ Ba Bể (thuộc địa bàn 4 huyện miền núi Ba Bể, Chợ Đồn, Na Hang, Chiêm Hóa của 2 tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn) có điều kiện tự nhiên, môi trường và văn hóa lịch sử liên quan trực tiếp như cùng sở hữu rừng nguyên sinh (trải rộng từ huyện Ba Bể sang đến Na Hang) với nhiều loại động thực vật quý, là đầu nguồn của một số dòng sông chính như sông Gâm, sông Cầu, sông Năng, sông Chợ Lèng, có hồ thủy điện Tuyên Quang (rộng 8000ha) và hồ Ba Bể (diện tích mặt hồ hơn 500ha), có hệ thống núi Kart trải qua hàng triệu năm kiến tạo đã hình thành nên nhiều hang động kỳ thú, tài nguyên khoáng sản phong phú, nổi bật là chì, kẽm, angtinmon, vàng sa khoáng, đá xây dựng…. Đặc biệt có di tích lịch sử ATK.
Mặc dù được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế nhưng đến nay đây vẫn là khu vực chậm phát triển, hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao (huyện Ba Bể và Chợ Đồn gần 100% xã thuộc diện đặc biệt khó khăn), nhiều tiềm năng lợi thế chưa được khai thác và phát huy.
Vì vậy, việc lập quy hoạch chung xây dựng vùng liên tỉnh khu vực hồ Ba Bể là hết sức cần thiết, nhằm từng bước giải quyết những khó khăn, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài, bảo tồn các giá trị thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, xây dựng vùng trở thành trung tâm du lịch sinh thái – lịch sử văn hóa lớn của cả nước.
Theo Ths. KTS Phan Thanh Mai, chủ nhiệm đồ án quy hoạch, dựa trên hiên trạng và các tiền đề phát triển vùng, đồ án quy hoạch đã đưa ra định hướng phát triển không gian vùng, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng, xác định chương trình dự án ưu tiên và cơ chế chính sách phối hợp quản lý phát triển vùng.
Khu bảo tồn thiên nhiên và các vùng du lịch (bao gồm Vườn Quốc gia Ba Bể, khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, khu vực ATK và các điểm du lịch khác) sẽ được xác định rõ chức năng cũng như định hướng phát triển, nhằm bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ tài nguyên rừng và di tích lịch sử, đồng thời hướng đến phục hồi hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái đất ngập nước và hệ động vật, xây dựng bản làng văn hóa phục vụ du lịch. Đây sẽ là khu vực được khai thác đầu tư phát triển du lịch sinh thái – lịch sử văn hóa.
Tài nguyên khoáng sản phong phú là lợi thế giúp vùng phát triển công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn vùng. 4 cụm công nghiệp, bao gồm cụm CN Phúc Thịnh (huyện Chiêm Hóa), Na Hang (Na Hang), Chu Hương (huyện Ba Bể), Nam Bằng Lũng (Chợ Đồn) sẽ tập trung khai thác chế biến nông sản, chế biến khoáng sản, sản xuất VLXD và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tại các trung tâm cụm xã sẽ xây dựng các cụm tiểu thủ công nghiệp để giải quyết lao động dôi dư.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển du lịch kết hợp phát triển công nghiệp (trong đó có khai thác chế biến khoáng sản), vùng sẽ phải giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, đảm bảo giữ được cảnh quan thiên nhiên xanh sạch, đẹp.