Vấn đề được quan tâm nhất trong các dự án vốn vay ODA tại Việt Nam là môi trường

Cập nhật: 05/08/2009
Vấn đề môi trường được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) dành nhiều quan tâm nhất trong các dự án vốn vay ODA tại Việt Nam. Một trong bốn dự án vốn vay ODA được thực hiện sau quyết định nối lại viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam là dự án thoát nước cải thiện môi trường thành phố Hà Nội giai đoạn 2.

Dự án cải thiện môi trường ở Hà Nội giai đoạn 2 là dự án tiếp theo của dự án giai đoạn 1, đã kết thúc vào năm 2005. Giai đoạn 1 với mục tiêu kiểm soát được tình trạng tiêu thoát nước với lượng mưa 172 mm trong hai ngày. Giai đoạn này đã tiến hành cải tạo một số sông hồ lớn trong thành phố, xây dựng trạm bơm (hồ điều tiết Yên Sở, trạm bơm Yên Sở).

Nhìn lại trận lụt lịch sử cuối tháng 10-2008, khi đó trạm bơm Yên Sở được hoàn thành xây dựng trong giai đoạn 1 với công suất thiết kế 45 m3/giây, đã vận hành 24 giờ một ngày, bơm 3.888.000 khối nước ra sông Hồng mỗi ngày. Nếu chưa hoàn thành trạm bơm, thì quy mô và hậu quả của trận lụt lịch sử này còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Ngoài việc cải thiện khả năng tiêu thoát nước, giai đoạn 1 của dự án cũng đã góp phần cải thiện cảnh quan môi trường của thành phố qua việc cải tạo các hồ lớn như Thiền Quang, Thành Công, Giảng Võ….

Ông Tsuno Motonori đánh giá: “Do thiếu hệ thống thoát nước nên mỗi lần mưa lớn là Hà Nội thường xuyên bị thiệt hại do ngập nước. Điều đó là nguyên nhân chính làm cho môi trường sinh hoạt ngày càng xấu đi. Sau khi JICA nghiên cứu tổng thể và tiền khả thi, chúng tôi quyết định hỗ trợ vốn vay để giúp Hà Nội cải tạo hệ thống thoát nước trong thành phố giai đoạn 2”.

Dự án thoát nước cải thiện môi trường thành phố Hà Nội giai đoạn 2 bắt đầu thời gian xây dựng từ năm 2008 đến năm 2012, với số vốn là hơn 32.333 triệu Yên Nhật.

Giai đoạn 2 của dự án thoát nước cải thiện môi trường thành phố Hà Nội tiếp tục xây dựng trạm bơm Yên Sở với công suất thoát nước gấp đôi hiện nay, tức là 90m3/giây, đồng thời mua sắm và lắp đặt thiết bị cho trạm bơm Yên Sở và các phụ tùng thay thế. Giai đoạn 2 với mục tiêu hoàn thiện hệ thống thoát nước lưu vực sông Tô Lịch, đồng thời nhằm kiểm soát được tình trạng tiêu thoát nước với lượng mưa 310mm trong hai ngày.

Ngoài ra, giai đoạn 2 cũng sẽ cải thiện hệ thống thoát nước ở các lưu vực sông Hoàng Liệt, sông Lừ và sông Sét, sông Kim Ngưu; thay thế các cầu và đường ven sông Tô Lịch, sông Lừ và sông Sét; cải tạo 12 hồ phục vụ thoát nước cho thành phố.

Đó là các hồ Hố Mẻ, Hào Nam, hồ Đống Đa, hồ Bảy Mẫu, hồ Phương Liệt, hồ Khương Trung 1 và 2, hồ Tân Mai, hồ Hạ Đình, hồ Đầm Chuối, hồ Định Công , hồ Linh Đàm; Dự án cũng có gói thầu xây dựng nhà máy xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu; xây dựng và cải tạo hệ thống cống….

Vì thế, hiện nay, vấn đề giải phóng mặt bằng đang được xúc tiến để nhanh chóng thực hiện triển khai thi công các hồ ở Hà Nội. Theo tính toán, đến năm 2013 hoàn thành giai đoạn 2, Hà Nội sẽ không còn bị ngập nữa nếu gặp phải trận mưa ở mức độ xác suất 10 năm một lần như thế.

Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường cho Hà Nội giai đoạn 2 cũng phục vụ cho việc thực hiện “Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia 10 năm, giai đoạn 2001-2010”. Dựa trên mô hình ở Hà Nội, JICA đang tiến hành nghiên cứu thực hiện tại Hải Phòng, Huế và thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các vấn đề về môi trường ở Nhật Bản, ông Tsuno Motonori nói: “Trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, vấn đề môi trường là nổi cộm nhất hiện nay. Tại Nhật Bản, trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, chúng tôi quá chú trọng đến phát triển kinh tế, trong khi đó môi trường đang “nóng” lên trong thời gian đó mà ít được quan tâm. Trước vấn nạn về môi trường, không chỉ Chính phủ, các cơ quan, các công ty tư nhân mà cả người dân đều bắt tay và nỗ lực cải thiện môi trường. Thông qua các dự án ODA của Nhật Bản ở Việt Nam, tôi hy vọng những dự án này mang đến những kinh nghiệm bảo vệ môi trường”.

Song song với việc cải thiện hệ thống thoát nước, JICA hỗ trợ thực hiện dự án 3R ở Hà Nội. Dự án 3R (giảm thiếu, tái sử dụng, tái chế) có tổng vốn đầu tư khoảng ba triệu USD, từ vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Dự án này đang triển khai thí điểm thành công tại bốn phường ở Hà Nội với việc phân loại rác tại nguồn. Rác được phân thành ba loại rác hữu cơ (rác thực phẩm, hoa quả, v.v…), rác tái chế (rác từ các sản phẩm giấy, kim loại, nhựa, thủy tinh, v.v…) và rác vô cơ (đất, cát, sỉ than, sành sứ, gạch vỡ, v.v…).

Bước đầu dự án đã góp phần giảm lượng rác chôn lấp, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trên địa bàn thực hiện dự án, nhất là nâng cao ý thức cộng đồng về quá trình phân loại chất thải tại nguồn. Phân loại rác tại nguồn là một trong những hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động tái chế, trong đó bao gồm việc chế biến chất thải hữu cơ thành phân hữu cơ.

Dự án 3R ở Hà Nội phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm 30% lượng rác thải chôn lấp vào năm 2015, tiến tới năm 2020 sẽ giảm được khoảng 70% lượng chất thải phải chôn lấp và phân loại rác tại nguồn trở thành ý thức chung của người dân Hà Nội.

Theo ông Tsuno Motonori, sau mô hình 3R thí điểm ở Hà Nội, JICA sẽ  tiếp tục hỗ trợ thực hiện mô hình như vậy tại Huế và Hội An. Bộ Xây dựng cũng đã quyết định cùng với JICA để mở rộng mô hình này trên cả nước.

Nguồn: ND