Sáng 26/3, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Thuận đã tổ chức Chương trình “Hành trình du lịch xanh” cho các đại biểu tham dự Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 - “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.
Bảo tàng Nước Mắm
Đây còn là dịp để tỉnh Bình Thuận giới thiệu những nét độc đáo trong du lịch và con người Bình Thuận. Từ đó quảng bá hình ảnh Bình Thuận - một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện đến du khách, bạn bè trong và ngoài nước.
Trải nghiệm vượt nắng, gió trên tiểu sa mạc Bàu Trắng
Với những tiềm năng và lợi thế, Bình Thuận đang từng bước trở thành một điểm đến hấp dẫn với những trải nghiệm thú vị đang đón chờ du khách khám phá. Tại chương trình, các đại biểu đã đến tham quan làng chài Mũi Né; tham quan điểm du lịch sinh thái Bàu Trắng và trải nghiệm các hoạt động đặc sắc trên đồi cát; tham quan Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa.
Đến với làng chài Mũi Né, du khách sẽ không tìm thấy những tòa nhà cao tầng, những khách sạn cao sang, những dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp. Chờ đón du khách ở đây là một khung cảnh thiên nhiên bình yên, ngập tràn hơi thở cuộc sống của những ngư dân. Đó là khung cảnh bờ biển với những đoàn thuyền ra khơi trở về, là những nếp nhà nhỏ nép mình dưới bóng dừa xanh. Đặc biệt, đây còn là nơi có phong cảnh tuyệt đẹp khi hoàng hôn buông xuống.
Bàu Trắng, hay còn gọi là Bàu Sen được hình thành từ khá lâu đời. Bàu trong tiếng địa phương nghĩa là “hồ”. Vào mùa hè, sen nở phủ kín vùng hồ, tạo nên một khung cảnh đặc sắc giữa một hồ sen nở rộ, xanh mát và những đồi cát vàng dưới ánh nắng ở phía xa xa. Đến với Bàu Trắng, du khách có thể thỏa thích chụp cho mình những bức ảnh cực đẹp, cũng như tham gia các hoạt động kỳ thú như trượt cát, câu cá, đi mô tô địa hình.
Làng chài Mũi Né
Tọa lạc tại 360 Nguyễn Thông, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, Bảo tàng nước mắm Phan Thiết là bảo tàng nước mắm đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Bảo tàng có tổng diện tích 1.600m2, được chia thành 14 không gian nhỏ với từng chủ đề riêng biệt, tái hiện sống động 300 năm làng chài Phan Thiết xưa từ thời Chăm Pa, triều Nguyễn đến thời Pháp thuộc và những thập niên 40 - 60 của thế kỷ trước. Tại đây, du khách sẽ được khám phá cách người dân làng chài tạo ra mắm nước từ việc ướp giữ cá, tên gọi nước mắm ngày xưa và lý do tại sao có tên gọi này.
Du khách tham quan và dùng thử nước mắm tĩn
Đặc biệt, đến với bảo tàng, du khách còn được nếm thử nước mắm tĩn, loại nước mắm đặc biệt kế thừa từ công thức của ông tổ nghề Trần Gia Hòa - người được vua nhà Nguyễn ban cho tước quan Bát phẩm vì có công khai sinh ra ngành nước mắm.
Quang Nhân