Nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm du lịch (DL) trong tỉnh Long An ngày càng phong phú, nhiều nơi hấp dẫn không kém các địa phương khác nhưng vẫn chưa nhận được nhiều sự chú ý. Do đó, các điểm DL cần “nắm tay” thiết kế tour để đủ sức "níu chân" du khách.
Nhiều tín hiệu lạc quan
Thông tin từ Trung tâm Thông tin Xúc tiến DL tỉnh, lượng du khách đến Long An ghi nhận trong tháng 02/2023 khoảng 85.000 lượt người, tăng 41% so cùng kỳ, trong đó, có khoảng 2.500 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ ngành DL trong tháng đạt khoảng 42 tỉ đồng, tăng 40% so cùng kỳ. Đặc biệt, sau “âm vang” của Tuần Văn hóa - DL tỉnh Long An năm 2022, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các khu, điểm DL trong tỉnh thu hút đông đảo du khách với trên 50.000 lượt người, trong đó, có khoảng 1.000 lượt khách quốc tế, doanh thu khoảng 25 tỉ đồng.
Các điểm du lịch trong tỉnh Long An thu hút các bạn trẻ từ nhiều nơi đến tham quan, trải nghiệm vào những ngày nghỉ
Các số liệu này cho thấy, DL Long An đã dần được biết đến. Hiện nay, những điểm thu hút du khách nhiều nhất trên địa bàn tỉnh là Khu DL Happyland, Vườn thú Mỹ Quỳnh, Chavi Garden,... Theo đại diện Khu DL Happyland, thời gian qua, đơn vị được sự hỗ trợ từ Trung tâm Thông tin Xúc tiến DL tỉnh trong quảng bá, kết nối các điểm đến giữa các địa phương trong vùng, Happyland trở thành sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ, nhất là học sinh (HS), sinh viên vào dịp cuối tuần. Bình quân vào 2 ngày cuối tuần, Happyland đón từ 2.000-3.000 lượt khách.
Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến DL tỉnh - Đỗ Thị Kim Dung, thời gian qua, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Long An tập trung nhiều hoạt động xúc tiến DL như tuyên truyền, quảng bá điểm đến, sản phẩm DL, lịch sử, văn hóa, con người. Từ đó, hình ảnh về các sản phẩm DL của tỉnh ngày càng trở nên quen thuộc và được nhiều du khách tìm đến, trải nghiệm.
Dân Long An nên biết về du lịch Long An
Những năm qua, cùng với sự phát triển KT-XH của tỉnh thì ngành DL tỉnh cũng có những bước phát triển đáng ghi nhận với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 20%/năm. Đặc biệt, Hiệp hội DL tỉnh được thành lập là sự kiện quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN), các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực DL trên địa bàn. Qua đó, thúc đẩy, tạo động lực mạnh mẽ trong việc phục hồi và phát triển DL của tỉnh.
Trong dịp họp mặt giữa lãnh đạo tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội DL, Hội DN Bến Lức và ban giám hiệu một số trường THPT trong tỉnh, có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, không ít trường ở cả 3 cấp học trên địa bàn tổ chức cho học sinh (HS) đến nhiều điểm DL ngoài tỉnh; dù vẫn có trường học tổ chức cho HS các chuyến đi đến những địa điểm trong tỉnh nhưng chiếm tỷ lệ thấp. Trong khi đó, tỉnh có rất nhiều điểm đến như di tích lịch sử, điểm tham quan, DL nổi tiếng không thua kém nhiều tỉnh, thành khác như Vàm Nhựt Tảo - nơi ghi dấu chiến công của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Công viên tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc",...
Bí thư Huyện ủy Bến Lức - Trần Hoàng Nhân cho rằng, công ty DL, nhà trường cần xem HS là chủ thể DL. Theo đó, nhà trường cần xây dựng môn học Giáo dục địa phương có tính chặt chẽ, nên ủng hộ việc tổ chức cho HS trải nghiệm thực tế trong tỉnh. Đây là một môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều ưu điểm và có thể tích hợp giúp HS có thêm kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý cũng như cập nhật thông tin về tình hình KT-XH của địa phương mình đang sinh sống và học tập. Để làm được điều này, các điểm DL cần tạo điều kiện để giáo viên trải nghiệm thực tế từ các chuyến DL. Từ các chuyến đi trở thành bài dạy thực tế, phổ biến, quảng bá, dẫn dắt HS DL. HS là lứa tuổi thích khám phá, tìm hiểu những điều mới mẻ, nhất là sản phẩm DL. Để có thể thu hút HS vào những chuyến tham quan, công ty DL cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, giáo viên thiết kế tour có tính hấp dẫn ở từng điểm đến. Chính sự phối hợp nhịp nhàng này sẽ giúp giáo viên, HS thỏa mãn về tìm hiểu lịch sử, nhu cầu vui chơi, giải trí ở điểm đến. Khi làm được điều này, chắc chắn các điểm đến DL Long An sẽ thu hút hơn.
Đại diện Hiệp hội DL tỉnh Bình Dương cho rằng, Long An và Bình Dương đều có thế mạnh phát triển công nghiệp, tập trung nhiều dân cư, nhất là lứa tuổi HS. Đặc biệt, Long An có lợi thế về phát triển DL ở các di tích lịch sử lẫn DL sinh thái. Nếu biết kết hợp và khai thác, chắc chắn sự lan tỏa về các điểm DL trong tỉnh từ HS rất lớn.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được nhận định, việc tổ chức cho HS tìm hiểu các di tích lịch sử, trải nghiệm các khu vui chơi, giải trí trong tỉnh là điều cần thiết, tránh tình trạng HS không biết nhiều về lịch sử tỉnh nhà. Vì vậy, Trung tâm Thông tin Xúc tiến DL tỉnh, Hiệp hội DL, DN DL và các trường học trên địa bàn tỉnh cần phát huy vai trò, tăng cường sự phối hợp để thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc của nhau trong phát triển DL.
DL được ví như ngành "công nghiệp không khói". Một khi DL trong tỉnh phát triển mạnh sẽ kéo theo nhiều mặt tích cực khác như các dịch vụ đi kèm trong quá trình tổ chức DL, nguồn thu của DN tăng, đóng góp vào ngân sách tỉnh. Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Được, Hiệp hội DL tỉnh cần chủ động đề xuất với chính quyền địa phương trong ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích DN đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm DL; chính sách hỗ trợ cộng đồng phát triển DL, nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng DL văn minh, thân thiện trong ứng xử với du khách.
Kỳ vọng rằng, với sự bắt tay chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan trong ngành DL sẽ là lực đẩy cho các đơn vị làm DL phát huy sức mạnh nội tại để khai thác đối tượng khách hàng mới là HS. Qua đó, mỗi DN, doanh nhân phát huy vai trò là đầu mối kết nối, thu hút các nhà đầu tư, các đối tác đến đầu tư, mua sản phẩm dịch vụ để cùng phát triển DL trên địa bàn tỉnh./.
Mai Hương