Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở Ðà Nẵng

Cập nhật: 07/08/2009
Thời gian qua, môi trường biển gần bờ và sông - biển nói chung ở Ðà Nẵng đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, với tốc độ CNH, HÐH ngày càng nhanh, Ðà Nẵng vẫn phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường biển. Chính vì vậy, Ðà Nẵng vẫn cần có giải pháp lâu dài cho vấn đề này.

Tuyến biển của Ðà Nẵng dài khoảng 74 km, kéo dài từ phía nam chân đèo Hải Vân, ôm lấy vịnh Vũng Thùng, vắt qua bán đảo Sơn Trà và nối dài đến gần sát Cửa Ðại (Hội An, Quảng Nam). Ba dòng sông Hàn, sông Phú Lộc, sông Cu Ðê cùng lúc đổ nước ra biển Ðà Nẵng, nhưng khu trú và trung hòa chất thải bẩn chủ yếu ở phía vịnh Vũng Thùng. Phó Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Ðà Nẵng)  Nguyễn Anh Hoàng cho rằng, biển Ðà Nẵng ô nhiễm gồm nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do bốn nguyên nhân cơ bản: Một là, ô nhiễm bởi các con sông, dòng chảy (tập trung ở các sông Phú Lộc, Cu Ðê); Hai là, ô nhiễm bởi các hộp cống lớn  (tuyến biển của Ðà Nẵng có khoảng 19 - 21 cống như vậy), vốn là những nơi tập trung các nguồn nước nhiễm bẩn của thành phố để xử lý, trước khi đổ ra biển; Ba là, sự ô nhiễm có xu hướng tăng nhanh của Âu thuyền Thọ Quang (phía bờ đông sông Hàn, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà); Bốn là, các sự cố tràn dầu bất thường trên biển Ðà Nẵng. Việc xử lý ô nhiễm biển Ðà Nẵng không đơn giản. Theo thiết kế, lúc đầu, Âu thuyền Thọ Quang được xây dựng với mục đích làm nơi tránh, trú bão cho khoảng năm nghìn tàu, thuyền của Ðà Nẵng và các tỉnh lân cận. Nhưng sau đó, khi Khu công nghiệp chế biến thủy - hải sản Thọ Quang định hình, đã gom về đây gần 30 doanh nghiệp cùng loại, hình thành chợ cá, cảng cá Thọ Quang liền kề, thì vấn đề ô nhiễm tăng lên và khó giải quyết. Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường Ðà Nẵng đang phải chi từ ngân sách khoảng 4 triệu đồng/ngày, cử bốn người thay nhau phun các chế phẩm sinh học khử mùi vào vùng cảng cá - Âu thuyền Thọ Quang, nhằm giảm mùi hôi, mùi tanh.

Là thành phố lớn ở miền trung, xem biển là hướng chủ lực để phát triển kinh tế từ năm 1995, Ðà Nẵng đã quan tâm đến việc xử lý ô nhiễm biển. Nhờ vậy, đến nay, thành phố Ðà Nẵng làm được khá nhiều việc. Trong 11 năm gần đây, thông qua quy hoạch, Ðà Nẵng chuyển hướng các dòng chảy vào vịnh Vũng Thùng để dễ xử lý; gom các nguồn nước thải bẩn vào các cống hộp lớn, rồi xử lý ở cấp độ 1 trước khi thải ra vịnh biển. Ðã lấp bớt một số hồ, ao ô nhiễm, không có hướng thoát nước bẩn. Trong Khu công nghiệp Hòa Khánh, nơi tập trung gần 190 doanh nghiệp đã có Trạm xử lý, gom nước thải công nghiệp của gần 52% số doanh nghiệp. Ðà Nẵng cũng vừa thông qua Dự án thành phố môi trường có tổng dự toán khoảng 36 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đặt ra những yêu cầu cao về lối sống văn minh đô thị; quy định các chế tài để giữ gìn môi trường sống nói chung và chú trọng bảo vệ môi trường biển

Tuy vậy, một mặt do cách làm chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết, mặt khác do thiếu kinh phí và chưa nâng cao ý thức của cộng đồng, cho nên vấn đề ô nhiễm môi trường biển của Ðà Nẵng vẫn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc. Với nguồn nước thải bẩn, thu gom, xử lý vào mùa khô là tương đối ổn; nhưng với mùa mưa do lượng nước quá nhiều, lưu tốc lớn, nước bẩn thường tràn qua các cống hộp đổ ra biển, làm cho việc xử lý nước bẩn gần như bất lực. Tại các khu công nghiệp, việc xử lý nước thải tuy được các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Ðiểm yếu là do thu hút đầu tư gấp gáp, cho nên quy hoạch trong các khu công nghiệp không đồng bộ; thậm chí không còn khả năng xử lý nước thải công nghiệp.

Nhằm bảo vệ môi trường biển ngày càng tốt hơn, trước hết, Ðà Nẵng cần có phương án xử lý nước thải riêng vào mùa mưa, theo hướng tách nước mưa ra khỏi hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Về nước thải công nghiệp, cần buộc các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp phải thông qua được báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cho xây dựng. Việc xử lý sơ bộ, cấp độ 1 hoặc tuồn thẳng ra sông Cu Ðê và cho chảy ra biển như hiện nay là chưa ổn. Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng kè sông Phú Lộc nhất là đoạn phía nam đường Ðiện Biên Phủ, để nước bẩn các loại của Ðà Nẵng được xử lý lên cấp độ 2 trước khi cho ra biển.

Ở Ðà Nẵng, sự cố tràn dầu trên biển càng không thể xem thường. Hai năm qua, đã ba lần xảy ra sự cố loại này. Ðể biển Ðà Nẵng mãi xanh trong, vì tương lai phát triển, Ðà Nẵng cần làm quyết liệt, bài bản, đồng bộ hơn trong vấn đề xử lý và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển như sớm chủ động phối hợp Cục Hàng không Việt Nam, Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) cùng soạn thảo, thông qua quy chế phòng ngừa, xác định trách nhiệm, khả năng phối hợp, mức độ đền bù thiệt hại khi có sự cố tràn dầu. Với các doanh nghiệp chế biến thủy - hải sản trong Khu công nghiệp Thọ Quang, cần tăng mức thu phí bảo vệ môi trường. Ðã đến lúc nên "ngầm hóa" kênh Thuận Phước ở bán đảo cùng tên. Ðặc biệt, cần nâng cao nhận thức lối sống đô thị cho các cộng đồng dân cư, nhất là với các nhóm dân cư có thu nhập thấp.

 

Nguồn: ND