Thái Bình: Phát triển du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp, nông thôn

Cập nhật: 05/04/2023
Tỉnh Thái Bình khai thác thế mạnh về nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển du lịch nông nghiệp trở thành điểm đến hấp dẫn, là ưu tiên lựa chọn cho du khách trong và ngoài nước; xây dựng và giữ vững thương hiệu nông sản Thái Bình trên thị trường trong nước và quốc tế thông qua hoạt động du lịch.

Là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng về nông nghiệp với các vùng nguyên liệu đang phát triển mạnh, Thái Bình mang nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước vùng Đồng bằng sông Hồng, thuận lợi cho phát triển của ngành nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc thù như: Gạo chợ Gốc, gạo nếp chùa Keo, mít dai vàng, ổi bo, hồng xiêm Lô Giang, gà Tò, rươi, muối, nước mắm Diêm Điền,... Bên cạnh đó, địa phương có 53km bờ biển thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, với nhiều bãi ngang rộng có các cồn nổi như cồn Vành, cồn Đen, rừng ngập mặn Thụy Trường còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, là tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái biển.

Thái Bình hiện có 113 di tích quốc gia, hơn 500 di tích cấp tỉnh, nổi bật là 2 di tích Quốc gia đặc biệt: Chùa Keo và Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần. Tỉnh còn có 483 lễ hội vẫn được duy trì và lưu giữ, trong đó có 8 lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cùng với đó là rất nhiều làng nghề, làng văn hóa như: Làng tổ Chèo (Phong Châu - Đông Hưng), múa rối nước ở Nguyên Xá (Đông Hưng), làng thêu (Minh Lãng - Vũ Thư), làng muối (Tiền Hải, Thái Thụy), làng dệt chiếu Tân Lễ (Hưng Hà), làng chạm bạc (Đồng Xâm - Kiến Xương),...

Rừng ngập mặn Thụy Trường ngày càng thu hút du khách. Ảnh: HT

Những năm gần đây, xu hướng du lịch xanh đang nhận được sự quan tâm tích cực từ du khách cũng như các nhà làm du lịch, đó là một dấu hiệu tốt cho tiềm năng phát triển của du lịch nông nghiệp. Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch canh nông gắn với các sản phẩm nông nghiệp là hướng đi góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa khai thác tốt các giá trị văn hóa truyền thống, vừa bảo tồn, phát triển và mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sản phẩm OCOP không chỉ là sinh kế của người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế đa dạng, phát huy lợi thế, tính đặc sắc và văn hóa của mỗi một địa phương từ xã, đến huyện, đến tỉnh.

Xác định Chương trình OCOP là bước đi mới trong xây dựng nông thôn mới, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định về việc ban hành Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Bình tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng để họ hiểu được về du lịch cộng đồng và chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Từ đó, mỗi thành viên là một sứ giả cho sự phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương. Đồng thời, tỉnh chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới và chương trình OCOP; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng và sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, lễ hội văn hóa gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách. 

Những cánh đồng hoa cúc chi góp phần phát triển kinh tế, đồng thời tạo không gian du lịch tại địa phương.

Việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch canh nông gắn với các sản phẩm nông nghiệp là hướng đi cần thiết và quan trọng trong thời gian tới, vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa khai thác tốt các giá trị văn hóa truyền thống, vừa bảo tồn, phát triển và mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch là một xu thế phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững, có lợi thế đa chiều, vừa phát triển kinh tế, vừa giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền, vừa bảo đảm sinh kế cho người dân tại khu vực nông thôn.

Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ phát triển khoảng 80 - 85 điểm sản xuất nông nghiệp có nét đặc trưng riêng về chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa phục vụ du lịch. Theo đó, mỗi huyện, thành phố có từ 2 điểm trở lên được chứng nhận là điểm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh phấn đấu 50% điểm nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch ứng dụng kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số… đồng thời xây dựng các Trung tâm giới thiệu nông sản và tiếp đón du khách.

Mỗi sản phẩm nông nghiệp, nông thôn sẽ hướng tới phục vụ du lịch với những vùng sản xuất nông nghiệp cao, nông nghiệp sinh thái, gắn với thăm quan làng nghề, du lịch tâm linh, rừng ngập mặn theo tuyến đường bộ từ Đền thờ Bác Hồ đến rừng ngập mặn Thái Thụy, Tiền Hải và Khu du lịch sinh thái cồn Đen.

Theo đó, địa phương sẽ sử dụng hiệu quả giá trị từ gần 5.000 ha rừng ngập mặn và vùng đất ngập nước để bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, sinh kế dưới tán rừng và du lịch; xây dựng ít nhất 03 bến thuyền, 02 chòi canh, 03 km đường tuần tra bảo vệ rừng gắn với du lịch; hỗ trợ phát triển nghề nuôi ong và gia cầm dưới tán rừng tạo sản phẩm nông sản thân thiện với môi trường.

Phát triển cây trồng vật nuôi có lợi thế, mang đặc trưng vùng miền tạo dấu ấn riêng biệt của tỉnh Thái Bình, đồng thời xây dựng các Trung tâm giới thiệu nông sản và tiếp đón du khách. Phát triển sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tạo sản phẩm phục vụ du lịch theo đường sông Trà Lý, theo tuyến đường bộ từ Đền thờ Bác Hồ đến chiếu chèo làng Khuốc, di tích lịch sử Đền Trần (Hưng Hà)…  

Làng vườn Bách Thuận (xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đang được định hướng xây dựng làng vườn du lịch sinh thái cộng đồng đầu tiên của tỉnh.

Đến nay, cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động, trải dài từ miền núi phía Bắc đến Đồng bằng sông Cửu Long… Nhờ phát triển du lịch, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách; giúp làng quê hồi sinh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, cuộc sống văn minh hơn. Nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống tăng thêm giá trị, trở thành đặc sản của địa phương, nhất là sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cánh đồng lúa, ruộng bậc thang, vườn cây, sông, suối, ao, hồ, làng chài... đều được kết nối thành điểm đến đặc sắc trên hành trình trải nghiệm; tri thức, văn hóa bản địa, ẩm thực dân gian, nghi lễ truyền thống… được đánh thức.

Để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, theo Bộ NNPTNT, các địa phương cần chú ý tới quy hoạch. Quy hoạch cần dựa trên tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể, như: Lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công, văn hóa các dân tộc. Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả và phát huy các giá trị truyền thống, tập quán sản xuất, canh tác, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng, gắn với chuyển đổi số...

Trong đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao; tăng cường sự kết nối trong du lịch nông nghiệp, nông thôn, hình thành các tour, tuyến chất lượng, đa dạng và hấp dẫn. Đặc biệt, cần thay đổi cách thức quảng bá, giới thiệu du lịch nông nghiệp, nông thôn ở cả tầm quốc gia và địa phương; mỗi điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn cần có một câu chuyện cảm xúc nhằm thu hút du khách...

Vũ Phương

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 04/04/2023