Chúng tôi đến thăm bản Lao Chải 1 thuộc xã Khun Há và bản Sì Thâu Chải thuộc xã Hồ Thầu của huyện Tam Ðường khi hoa mận, hoa lê rực trắng những sườn đồi. Ðây là hai trong số những bản du lịch cộng đồng tiêu biểu của tỉnh Lai Châu.
Bản du lịch cộng đồng Lao Chải 1 thuộc xã Khun Há, huyện Tam Ðường. (Ảnh Nguyễn Đăng)
Tuy nhiên, việc gắn du lịch với xây dựng nông thôn mới nơi đây đang gặp nhiều khó khăn và trở ngại, khiến việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương còn chậm.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu Vương Ðức Lợi, giai đoạn 2011-2021, tỉnh đã có thành phố Lai Châu và 38 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong số này có hai xã Khun Há và Hồ Thầu của huyện Tam Ðường được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới lần lượt vào các năm 2021 và 2020.
Chính tại bản Lao Chải 1 của xã Khun Há và bản Sì Thâu Chải của xã Hồ Thầu, chúng tôi đã cảm nhận được thế nào là một bản du lịch cộng đồng. Ðiều dễ nhận thấy nhất ở hai bản này là một không gian thoáng đãng, sạch sẽ và đẹp mà nếu không có sự đồng thuận của người dân, thật khó để Lao Chải 1 và Sì Thâu Chải có thể làm được như vậy.
Và chính những tiêu chí đã được hoàn thành như đường, ngõ bản, trục bản được cứng hóa, trồng cây bóng mát hoặc trồng hoa; số hộ có chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường; bản sáng, xanh, sạch đẹp… không chỉ phục vụ cho xây dựng nông thôn mới, cho chính cộng đồng của người dân mà còn hỗ trợ cho những hoạt động du lịch của bản cũng như của huyện Tam Ðường nói chung.
Tuy nhiên, trong đề án xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn mới tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2025 theo Quyết định số 30/QÐ-UBND ngày 14/1/2020, bản Lao Chải 1 lại không có tên trong danh sách 11 bản của 11 xã thuộc bảy huyện và một thành phố (ở huyện Tam Ðường, những bản có tên chỉ gồm Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu; Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng; Chu Va 6, xã Sơn Bình).
Có thể Lao Chải 1 chưa xây dựng cho mình một sản phẩm OCOP đặc trưng, như đồng chí Cứ A Chu, Bí thư Chi bộ bản Lao Chải 1 cho biết, nhưng nhìn chung, các bản trong đề án xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn mới nêu trên đều cần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của riêng mình dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội hóa. Chẳng hạn như bản Sì Thâu Chải đầu tư cơ sở hạ tầng đường lên bản, hỗ trợ chỉnh trang nhà cho các hộ, xây dựng chòi ngắm cảnh, dịch vụ homestay; bản Lao Tỷ Phùng xây dựng cổng chào, lò đốt rác mini; bản Thẩm Phé, bản Phúc Khoa cải tạo nâng cấp đường nội bản, các điểm dừng chân, ngắm cảnh…
Thực tế cho thấy, trong khi nhiều bản và nhiều xã của Lai Châu thực hiện tốt việc xây dựng nông thôn mới, dù xuất phát điểm thấp, nhưng khi gắn xây dựng nông thôn mới với du lịch nông thôn, vấn đề nảy sinh là không phải bản nào hay xã nào cũng có thể phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng nhằm hỗ trợ du lịch. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, tại Lao Chải 1 và Sì Thâu Chải của huyện Tam Ðường, tỉnh đã có kế hoạch xây dựng vùng trồng cây ăn quả tại đây, nhưng nhìn rộng ra thì ở đâu cũng có diện tích cây ăn quả, chưa kể cây ăn quả chỉ được trồng theo mùa, khó tạo ra nét đặc sắc của địa phương.
Cho đến nay, dù có lợi thế về thổ nhưỡng, độ cao, khí hậu phù hợp, Lai Châu cũng chỉ mới phát triển được một số sản phẩm OCOP 3 sao như chè cổ thụ Xà Dề Phìn và cá sấy của Hợp tác xã Thẩm Phé ở xã Mường Kim, huyện Than Uyên; thịt lợn sấy, lạp sườn thịt lợn, thị treo gác bếp của Hợp tác xã Tâm Nhung ở bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ; bản văn hóa Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ…
Trong khi đó, một số sản phẩm tiềm năng tại các bản của một số dân tộc thiểu số chưa được quan tâm phát triển do số người dân duy trì sản xuất không còn nhiều, như nghề rèn tại Sì Thâu Chải, Lao Tỷ Phùng hay một số sản phẩm chưa đủ điều kiện để được công nhận là sản phẩm OCOP như địa lan, rượu men lá Thẩm Phé…
Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Lai Châu cũng nhất quán là ngoài kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ, phần còn lại sẽ do các địa phương kêu gọi xã hội hóa, bởi làm du lịch mà Nhà nước hỗ trợ hết thì người dân sẽ có tâm lý ỷ lại, chờ đợi. Và nếu người dân đã làm du lịch, thu hút khách thì họ cần thu phí để tái đầu tư.
Tuy vậy, khi du lịch nông nghiệp, nông thôn mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, việc khai thác tiềm năng, phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn các nghề truyền thống và hướng đến phát triển mỗi bản một sản phẩm OCOP chưa thể thực hiện đồng bộ, rõ ràng Lai Châu cũng cần có những định hướng nhằm phát triển du lịch hơn nữa, thay vì chỉ tập trung phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.
Du lịch Lai Châu những năm qua có nhiều chuyển biến, trong đó hai sản phẩm được nói đến và biết đến nhiều nhất có lẽ là các bản du lịch cộng đồng và phong trào leo núi tại đây. Việc nở rộ các bản du lịch cộng đồng nhờ vào sự đồng thuận rất lớn của người dân, trong khi nhờ sở hữu địa thế, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Lai Châu có nhiều đỉnh núi trở thành địa chỉ quen thuộc của những du khách đam mê trekking như Putaleng, Tả Liên Sơn, Ky Quan San ở huyện Tam Ðường; Pusilung ở huyện Mường Tè; Phàn Liên San, Pờ Ma Lung ở huyện Phong Thổ…
Ðây cũng là lợi thế rất lớn để tỉnh phát triển loại hình du lịch mạo hiểm vốn rất được ưa thích trong những năm gần đây, bên cạnh các hoạt động thể thao như dù lượn hay gần nhất là giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong tại Lai Châu hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu Trần Mạnh Hùng, giai đoạn 2021-2025, một trong bốn chương trình trọng điểm của tỉnh đã được Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh xác định bằng Nghị quyết số 04-NQ/TU, đó là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Cụ thể là bảo tồn, phát huy chợ phiên truyền thống; hỗ trợ một lần xây dựng địa điểm tổ chức các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu văn hóa, thể thao đặc sắc của các dân tộc; hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng; phát triển nguồn nhân lực văn hóa gắn với du lịch; xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, nông sản gắn với các điểm tham quan, ngắm cảnh, chụp ảnh trên cung đường quốc lộ 4D Sa Pa-Lai Châu…
Rõ ràng, định hướng của Nghị quyết số 04-NQ/TU là gắn du lịch Lai Châu với cộng đồng, là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng, lấy tiềm lực, nội lực và tiềm năng địa phương để phát triển du lịch, trọng tâm là các điểm nổi bật của 5 đồng bào dân tộc như dân tộc Thái tại bản Chang, bản Bó; dân tộc Khơ Mú tại bản Thẩm Phé; dân tộc Dao tại bản Sì Thâu Chải; dân tộc H’Mông tại bản Lao Tỷ Phùng, Sin Suối Hồ…
Ở đây, việc duy trì các đội văn nghệ tại những bản này đều được quan tâm phát triển, một mặt nhằm phục vụ khách tham quan muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa địa phương, một mặt để phục dựng, duy trì nhiều lễ hội truyền thống như lễ hội Nàng Han tại bản Tây An, lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu tại bản Vàng Pheo, đều thuộc xã Mường So, huyện Phong Thổ…
Việc phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới tại Lai Châu nhằm tạo việc làm cho người dân địa phương, bảo đảm cuộc sống của chính họ, cũng như giúp họ nhận thức rõ giá trị và tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc. Vì thế, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phổ biến, quán triệt các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch, để cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Ðồng thời, Lai Châu sẽ đẩy mạnh xúc tiến du lịch có chiều sâu, tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển du lịch, gắn kết hơn nữa cơ quan quản lý nhà nước với người làm du lịch, bản du lịch cộng đồng… nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch.
Mạnh Hào và Trần Tuấn