Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, các khu du lịch miền núi Quảng Ngãi tổ chức nhiều hoạt động, chương trình thu hút du khách tham quan, trải nghiệm. Sau thời gian chững lại, du lịch miền núi tái đầu tư, phục hồi khởi sắc hơn.
Múa "Vui làng Hrê được mùa" tại Khu du lịch sinh thái Suối Chí thu hút đông du khách thưởng lãm
Để thu hút khách du lịch đến với Khu du lịch sinh thái Suối Chí ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, đơn vị điều hành phối hợp với đoàn ca múa nhạc dân tộc, Hợp tác xã Nông-lâm-du lịch văn hóa Làng Teng và các nghệ nhân Chiêng ba huyện Ba Tơ biểu diễn cồng chiêng, múa hát làn điệu dân ca của đồng bào Hrê.
Nhiều du khách đã tỏ ra vô cùng thích thú khi được tham quan vui chơi, xem biểu diễn các làn điệu KaLêu, Ka Choi vui mừng vụ mùa, về nhà mới... của bà con miền núi. Du khách còn được các nghệ nhân hướng dẫn, trải nghiệm kỹ thuật đánh Chiêng ba, cùng tham gia vui chơi múa hát dân ca của đồng bào Hrê Quảng Ngãi...
Trong những ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4, mỗi ngày Khu du lịch sinh thái Suối Chí ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành đón khoảng 1.000 khách tham quan, trải nghiệm. Các chương trình, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng hơn thu hút nhiều lượt khách du lịch từ trong và ngoài tỉnh đến vui chơi.
Chị Đặng Thị May ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đi cùng đoàn gần 20 thành viên lần đầu tiên tham quan du lịch vùng núi Quảng Ngãi. Du lịch sinh thái giữa rừng xanh, suối mát, xem biểu diễn cồng chiêng đặc sắc giúp chị cùng bạn bè có ngày nghỉ lễ khó quên.
"Lần đầu tiên được xem trực tiếp đánh cồng chiêng, làn điệu dân ca của bà con Hrê nên chị em đoàn mình rất thích. Vui như thế này cũng không uổng công đi xa đến đây" - chị hào hứng nói.
Du khách trải nghiệm đánh cồng chiêng cùng nghệ nhân Chiêng Ba.
Sau thời gian chững lại vì ảnh hưởng hậu Covid-19, hơn một năm qua, ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi đang dần khởi sắc trở lại. Cùng với các loại hình, sản phẩm du lịch biển đảo, các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi dần phục hồi tuyến du lịch sinh thái vùng cao. Tỉnh Quảng Ngãi hiện có ba khu du lịch sinh thái lớn là khu du lịch Dak Drinh Lodge (huyện Sơn Tây), khu du lịch sinh thái Suối Chí (huyện Nghĩa Hành), khu du lịch sinh thái Thác Trắng (huyện Minh Long) cùng nhiều điểm du lịch sinh thái vùng cao các huyện miền núi.
Để đón đầu cơ hội thu hút dòng khách du lịch lên miền núi từ các kỳ nghỉ lễ lớn, cùng với việc tái đầu tư, chỉnh trang mới khu du lịch sau thời gian dài ngừng hoạt động, các đơn vị khai thác đã chủ động đầu tư đa dạng các dịch vụ, sản phẩm du lịch vùng cao. Điển hình như việc mở rộng các dịch vụ khám phá suối, hồ thủy điện, tạo không gian vui chơi cho đội nhóm du khách, mở mới các dịch vụ phòng lưu trú, bungalow qua đêm, tổ chức đa dạng hoạt động nghệ thuật, ẩm thực đặc trưng vùng núi cao Quảng Ngãi giới thiệu đến khách tham quan...
"Điểm mới của du lịch sinh thái miền núi chúng tôi là mở dịch vụ lưu trú qua đêm với các hoạt động văn hóa, ẩm thực. Trước đây chưa có dịch vụ này, nay chúng tôi liên kết với các công ty lữ hành để đa dạng sản phẩm du lịch", ông Lê Tấn Thanh Phương, Giám đốc điều hành Khu du lịch sinh thái Thác Trắng cho biết.
Du lịch sinh thái vùng cao được nhiều khách du lịch lựa chọn trong dịp lễ đầu năm và những ngày hè.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài, các khu du lịch vùng núi Quảng Ngãi thu hút khoảng 15 nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm. Phục hồi dần sau dịch Covid-19, du lịch vùng núi Quảng Ngãi có tín hiệu khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, lượng khách tham quan phần lớn vẫn từ trong tỉnh, chưa thu hút lượng khách tiềm năng từ các tỉnh thành khác.
"Khoảng 80% khách tham quan đến từ các địa phương trong tỉnh, chưa có nhiều tuyến, tour du lịch liên kết lữ hành nên khách ở các tỉnh thành khác chưa nhiều. Chúng tôi mong có nhà đầu tư du lịch chiến lược làm nền tảng, liên kết du lịch liên tỉnh trong nước thì du lịch miền núi Quảng Ngãi sẽ phát triển mạnh hơn nữa", đại diện Khu du lịch sinh thái Suối Chí chia sẻ.
Đông Huyền