Hàng năm, cứ đến tháng sáu âm lịch, bờ biển Bình Thuận lại xuất hiện trứng báng mà các nhà khoa học thường gọi là tảo nở hoa hay thủy triều đỏ. Năm nay, trứng báng xuất hiện sớm và dày đặc bất thường, gây ảnh hưởng đến môi trường và ngành du lịch.
Trứng báng là những trứng nhỏ như viên bi màu nâu đỏ và mọng nước. Khi vô số trứng báng bị sóng đánh dạt vào bờ, vỡ ra bầm như máu, tạo ra thủy triều đỏ.
Gần một tuần qua, bờ biển từ Kê Gà, Thuận Quý (Hàm Thuận Nam) đến Tiến Thành (Phan Thiết) đột ngột xuất hiện trứng báng đặc quánh như cháo đậu. Nhiều nơi trứng báng vào bờ dày đặc, đen ngòm, bốc mùi khiến du khách không dám xuống biển tắm. Các resort từ mũi Kê Gà đến Thuận Quý vắng bóng du khách mặc dù bãi biển hoang sơ, đẹp như tranh vẽ.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận - mỗi năm đến mùa tảo nở hoa, số lượng du khách có giảm nhưng chỉ khoảng một tuần là nước trong xanh trở lại. Bây giờ hiện tượng trứng báng đã kéo dài hơn nửa tháng và chưa biết bao giờ mới chấm dứt.
Trong khi ngành du lịch ế khách thì người dân ven biển đổ xô đi bắt “cá dại” đông như trẩy hội. Đó là các loại cá đuối, cá ghim, cá trích... sau khi ăn trứng báng thì trở nên lờ đờ, bơi chậm chạp nên dễ bắt. Riêng cá mó (một loại cá mình dẹp giống cá lưỡi trâu) do miệng bự, ăn tạp, nuốt luôn trứng báng nên chết rất nhiều.
Đợt thủy triều đỏ năm nay khiến nhiều người nhớ lại đợt thủy triều đỏ tấn công bờ biển phía bắc Bình Thuận hồi tháng 7/2002, làm hàng loạt chủ nuôi cá mú lồng bị phá sản do cá chết.
Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Thuận cho biết sẽ cử chuyên viên nắm tình hình, lấy mẫu trứng báng. Theo lãnh đạo chi cục, nếu mật độ dày đặc như thủy triều đỏ cách đây sáu năm thì thật đáng lo ngại về hậu quả sinh thái.
Theo kinh nghiệm của thợ lặn sò chuyên nghiệp vùng Thuận Quý thì phải đến giữa tháng bảy âm lịch, gió nồm thổi về mới tan sạch trứng báng.
Trong báo cáo về tai biến môi trường do thủy triều đỏ tại Bình Thuận của Viện Hải dương học đã xác định: Thủy triều đỏ tạo ra bởi một loại thực vật nổi có tên Phaeocystis of globosa (haptophyta). Sự bùng nổ của thực vật nổi xảy ra khá thường xuyên tại vực nước ven bờ Bình Thuận. Về nguyên nhân, rất khó chỉ ra một cách chính xác. Thông thường, hiện tượng này thường xảy ra ở các tháng khô nóng.