Vườn quốc gia Côn Đảo nằm trong hệ thống các Khu rừng đặc dụng của Việt Nam, là khu bảo tồn thiên nhiên có "thương hiệu" cả trong nước lẫn quốc tế. Do đó, sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội, trở thành một vấn đề thiết yếu.
Lực lượng kiểm lâm thả hai cá thể rùa về tự nhiên tại khu vực biển vịnh Đầm Tre.
"Thương hiệu" không chỉ của Việt Nam
Vườn quốc gia Côn Đảo có tổng diện tích tự nhiên khoảng 19.883,15ha, bao gồm phần diện tích bảo tồn rừng Hệ sinh thái biển nhiệt đới có giá trị sinh học cao, ít bị con người tác động, với ba dạng chính là rừng ngập mặn, cỏ biển và rạn san hô. Trong đó, rừng ngập mặn rộng khoảng 31ha, có đặc trưng là các cây họ đước, cây bàng, cây đậu với 46 loài thực vật... - môi trường sinh trưởng lý tưởng của các loài cá biển, có cảnh quan vô cùng độc đáo. Vùng cỏ biển có diện tích khoảng 700ha, đóng vai trò tạo môi trường nuôi dưỡng cho nhiều loài cá, các loài động vật giáp xác, bò biển và rùa xanh. Còn lại, rạn san hô với diện tích khoảng 1.800ha, là nơi sinh sống của 1.323 loài động, thực vật biển và 153 loài nhuyễn thể.
Theo kết quả nghiên cứu, Côn Đảo có 1.077 loài thực vật bậc cao có mạch và 179 loài động vật có xương sống trên cạn đã được phát hiện. Trong đó, có 23 loài động, thực vật quý, hiếm, nguy cấp theo Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, có 11 loài thực vật rừng, sáu loài động vật rừng có tên mang địa danh Côn Đảo, có bốn loài chim được xác định chỉ phân bố ở Côn Đảo. Đây là những loài đặc hữu có phạm vi phân bố hẹp, rất có giá trị trong công tác bảo tồn nguồn gene và duy trì môi trường sống của chúng.
Với vùng bảo tồn biển, Côn Đảo có 166 loài trong Danh mục Đỏ IUCN, sáu loài trong Sách đỏ Việt Nam, 133 loài trong Nghị định số 26/NĐ-CP của Chính phủ. Côn Đảo cũng là địa phương có số lượng rùa biển làm tổ nhiều nhất Việt Nam, đạt tỷ lệ 90%. Với 16 bãi cát là nơi hằng năm rùa lên đẻ trứng, đây là nơi duy nhất trong cả nước quản lý rùa một cách toàn diện, có hệ thống.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, tài nguyên đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên được các cán bộ và kiểm lâm ở đây nỗ lực bảo tồn trong suốt 30 năm qua, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học quốc gia. Giờ đây, Vườn quốc gia Côn Đảo là khu bảo tồn không chỉ của Việt Nam mà của chung trong khối ASEAN và cả thế giới, được nhiều tổ chức uy tín đánh giá cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên và giá trị du lịch.
Thách thức ngày càng lớn
Dù nỗ lực bảo tồn, do vấn đề khai thác sản lượng thủy hải sản quá mức của người dân trong nhiều năm trước, đặc biệt ở khu vực đảo nhỏ, nhiều hệ động thực vật biển đã mất dần khả năng tự phục hồi trong tự nhiên. Cùng sự tác động của biến đổi khí hậu, các loài tôm hùm, hải sâm, động vật thân mềm quý hiếm sinh sống ở các rạn san hô đang bị giảm mạnh. Nhiều loài động vật đặc hữu của Côn Đảo đã trở nên hiếm dần, như ốc vú nàng, cua xe tăng, ốc tai tượng, trai tai tượng vẩy...
Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo Nguyễn Khắc Pho chia sẻ: "Số lượng 14 đảo lớn nhỏ gây nhiều khó khăn cho công tác tổ chức quản lý, bảo vệ hay di chuyển giữa các đảo. Ở thời điểm thập niên 90 cuối thế kỷ trước, các trạm-trại kiểm lâm còn thiếu thốn đủ thứ, phải dựng nhà tạm hoặc thậm chí ở trong các hang đá, chứ chưa có cơ ngơi khang trang như bây giờ".
Hiện tại, tổng sản lượng nước ngọt cung cấp của trạm Côn Đảo ước đạt 3.400 m3/ngày đêm (tại 25 giếng), phục vụ nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Với tổng dân số tại Côn Đảo vào khoảng 8.827 nhân khẩu cùng lượng du khách ngày cao điểm đạt 4.000 người/ngày và có xu hướng gia tăng, nhu cầu tiêu thụ nước sạch đang trở thành thách thức càng lúc càng lớn.
Vào mùa gió chướng, lượng rác thải trôi từ đại dương về Côn Đảo rất nhiều, kết hợp sự gia tăng ồ ạt du khách vào các tháng cuối và đầu năm cũng tạo nên những bãi rác tự phát, dọc các bãi biển bờ đông của Côn Đảo. Khu vực bến Đầm tập trung nhiều ghe tàu neo đậu, đồng thời là nơi nuôi trồng hải sản và ngọc trai chính tại đảo luôn phải "vật lộn" với vấn đề quản lý rác thải, nước thải.
Hiện nay, lượng khách du lịch đến các điểm tham quan của Vườn quốc gia ước đạt 30.903 lượt/tháng (chiếm trung bình 7,8% lượng du khách), với 2.298 lượt khách quốc tế. Nếu so sánh với con số 3.036 lượt/ngày vào các tháng 3, 4/2021, tỷ lệ khách quan tâm đến du lịch sinh thái còn rất thấp.
Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố, như thiếu hạ tầng du lịch hay thiếu lực lượng lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp bài bản. Nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ quy mô nhỏ ra đời, cũng khiến công tác quản lý thêm khó khăn. Khoảng 90% số lao động tại các cơ sở du lịch đến từ các tỉnh, thành phố khác, ít qua đào tạo chuyên nghiệp. Do sống xa đất liền, lại gặp những hạn chế về điều kiện sinh hoạt, nên không phải ai cũng muốn gắn bó lâu dài.
"Bảo tồn để phát triển"
Dự báo, lượng khách du lịch đến Côn Đảo trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 2,2 triệu khách/năm. Giai đoạn đến năm 2045 đón khoảng 2,7 triệu khách/năm.
Ngành kinh tế chủ lực của Côn Đảo là du lịch, nên địa phương này vẫn phải nỗ lực phát triển, dưới sự kiểm soát hết sức nghiêm ngặt của các luật liên quan. Các dự án tại đây luôn phải thực hiện các báo cáo đánh giá tác động môi trường đến hệ sinh thái, và phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét phê duyệt hết sức thận trọng mới có thể thông qua.
Việc sử dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế luôn phải gắn với triết lý "bảo tồn để phát triển". Với tốc độ phát triển như hiện nay tại Côn Đảo, "Cần quy định phương thức sử dụng môi trường rừng, cụ thể là đầu tư các công trình dịch vụ du lịch dưới tán rừng như thế nào để trở thành sản phẩm du lịch cao cấp, hấp dẫn, chứa đựng giá trị văn hóa nhưng không gây hại cho hệ sinh thái, môi trường rừng và an toàn cho con người", ông Nguyễn Khắc Pho trăn trở.
Không thể có bóng mát, nếu không giữ được độ che phủ của những tán rừng…
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo, giai đoạn 2021 đến năm 2030, tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, làm nguồn lực cho việc xây dựng phát triển ngành du lịch Côn Đảo theo hướng bền vững. Theo đề án, địa phương sẽ xây dựng 17 tuyến du lịch sinh thái, phê duyệt 20 địa điểm cho thuê môi trường rừng tại Vườn quốc gia Côn Đảo để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn thiên nhiên trên diện tích gần 910ha.
Việt Dũng