Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được khai thác dựa trên các giá trị văn hóa bản địa. Đối với Thái Nguyên, tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc, văn hóa ẩm thực phong phú là cơ sở để tỉnh phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để loại hình du lịch này phát triển bền vững, thì ngoài giải pháp của các ngành chức năng, còn cần tới sự hưởng ứng tham gia từ chính chủ thể của cộng đồng đó.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh tham gia hoạt động giã bánh dày tại Lễ công bố Quyết định công nhận Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai
Đổi thay từ phát triển du lịch cộng đồng
Nằm ở phía Đông của xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai), cách trung tâm TP. Thái Nguyên khoảng 40 km, xóm Mỏ Gà là một trong những điểm du lịch cộng đồng “đáng đến”. Với trên 170 hộ, 85% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Tày chiếm đa số, xóm Mỏ Gà có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại Mỏ Gà chỉ mới được khơi dậy không lâu. Cuối đông, trong cái rét tê tái nhưng nhuốm màu nắng vàng hanh, vùng quê này hiện lên thật đẹp với những dãy núi đá vôi trải dài dọc theo tuyến Quốc lộ 1B. Con đường bê tông rộng, dài, uốn lượn, nào hoa, cây quả xanh tốt. Đây đó, những nếp nhà sàn thấp thoáng dưới chân núi trông thật sinh động. Vẻ đẹp ấy mang đến những sắc thái riêng, tạo sức hút để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Diện mạo này có được là từ khi Dự án bảo tồn bản truyền thống dân tộc Tày, tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng được triển khai với sự vào cuộc của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bà Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Võ Nhai cho biết: Năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với huyện Võ Nhai triển khai dự án hỗ trợ du lịch cộng đồng tại đây. Hiện điểm du lịch này đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng. Chúng tôi kỳ vọng, thành công bước đầu từ dự án sẽ mang lại cho đồng bào ở Mỏ Gà sinh kế bền vững và du lịch cộng đồng trở thành ngành kinh tế bền vững của địa phương.
Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà được quản lý, vận hành bởi Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp Phú Thượng. Tham gia cung cấp dịch vụ tại Điểm du lịch là các hộ gia đình, cá nhân trong xóm. Từ tháng 8/2022, Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà đã đưa vào khai thác cung cấp dịch vụ du lịch. Trong năm 2022, Điểm du lịch đã đón tiếp trên 1.100 lượt khách, doanh thu khoảng 350 triệu đồng.
Khi du lịch cộng đồng trở thành sinh kế của người dân bản địa
Không chỉ ở Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, với tiềm năng vốn có của mảnh đất “Đệ nhất danh Trà”, khoảng 5 năm trở lại đây, hoạt động du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà tại Thái Nguyên đã từng bước được hình thành, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Các mô hình du lịch cộng đồng được phát triển ở nhiều địa phương như: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Tức Tranh (Phú Lương), Phú Đình (Định Hóa), Phú Thượng (Võ Nhai), Bình Sơn (TP. Sông Công), Minh Lập và Hòa Bình (Đồng Hỷ)...
Tại các địa phương này, người dân đã nâng cao chất lượng sản phẩm chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu chè đạt các tiêu chí OCOP, đầu tư chỉnh trang những nương chè để phục vụ hoạt động du lịch. Nhiều cơ sở sản xuất chè ở những vùng đất giàu tài nguyên tự nhiên và văn hóa đã phát triển thêm các dịch vụ du lịch cộng đồng như: Homestay, dịch vụ lưu trú, ăn uống; nhiều hợp tác xã và cơ sở sản xuất chè đã xây dựng được khu chế biến, khu trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm, không gian thưởng trà rộng rãi, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm và mua sắm của các đoàn khách đông người. Bên cạnh các mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, tại Thái Nguyên còn xuất hiện nhiều mô hình du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc, nông nghiệp khác như: Mô hình trải nghiệm vườn cây ăn trái như vườn nho, vườn dâu tây tại xã Khôi Kỳ (Đại Từ); mô hình du lịch nông nghiệp gắn với cảnh quan sinh thái hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công)… Trong đó, Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (TP. Thái Nguyên) được đánh giá là điểm du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh và cả du khách quốc tế. Mới đây, điểm du lịch này cũng vinh dự góp tên trong danh sách 32 “Làng du lịch tốt nhất năm 2022”, do Tổ chức Du lịch thế giới công bố.
Khu du lịch sinh thái ATK - Một điểm du lịch sinh thái cộng đồng đáp ứng dịch vụ ẩm thực và lưu trú cho du khách
Để du lịch cộng đồng phát triển bền vững
Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, phong tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các địa phương, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là cơ sở để Thái Nguyên phát triển mạnh và bền vững loại hình du lịch cộng đồng. Từ thực tế cho thấy, mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên thời gian qua đã có sức lan tỏa, tạo được sức hút với chính người dân địa phương tham gia làm du lịch.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, cách làm du lịch, quảng bá du lịch còn tự phát, chưa chuyên nghiệp; cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch còn thiếu; nhân lực phục vụ còn hạn chế về trình độ. Các hộ dân chưa thực sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình làm du lịch, vẫn ở tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Bên cạnh đó, việc giữ gìn, tôn trọng những giá trị bản địa, phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng miền, địa phương nhằm tạo sức hút với du khách từ những điểm khác biệt; đảm bảo người dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương…
Với mong muốn phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nghị quyết, quyết định và hướng dẫn cụ thể về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, với lộ trình từ năm 2022 - 2025 sẽ hoàn thành xây dựng 5 mô hình điểm về du lịch cộng đồng. Sau gần 2 năm triển khai, đã xây dựng thành công 2 điểm du lịch cộng đồng là xóm Mỏ Gà và xã Tân Cương. Qua đó, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cũng như tạo sinh kế, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Thành Chung