Trong chuyến du lịch Côn Đảo cuối tháng 4 vừa qua, tôi có một ngày tham gia cùng Vườn Quốc gia Côn Đảo thu gom rác tại Hòn Bảy Cạnh, hòn đảo lớn thứ 2 trong số 16 hòn đảo của Côn Đảo.
Rác thải gom được đủ loại, nhưng nhiều nhất là chai nhựa sử dụng 1 lần, túi nilon, ngư lưới cụ, thùng xốp… từ đại dương dạt vào. Sau thu gom, những thứ có thể đốt được như cây cành, ngư lưới cụ, nilon, chai nhựa… được tiêu hủy tại chỗ dưới sự kiểm soát của lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo. Chai thủy tinh, kim loại… không tiêu hủy được thì chuyển lên ca nô đưa vào đảo trung tâm tập kết tại bãi rác Bến Đầm.
Đại diện Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, cứ khi đổi mùa gió hoặc biển động là rác thải từ đại dương dạt vào ồ ạt. Năm nào cũng vậy, Vườn Quốc gia Côn Đảo đều tổ chức 4-5 đợt tổng vệ sinh các đảo nhỏ với sự hỗ trợ của các lực lượng quân đội đóng trên địa bàn. Bên cạnh đó, hàng ngày kiểm lâm tại các đảo nhỏ kiêm luôn nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh môi trường nhưng vẫn không thể làm xuể.
Theo báo cáo kết quả chương trình giám sát rác thải biển do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với Vườn Quốc gia Côn Đảo thực hiện, chỉ ra các bãi biển tại Côn Đảo bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng từ rác thải đại dương. Khối lượng rác trung bình trên mỗi mét chiều dài bãi biển là gần 2,5kg rác thải, cao hơn so với mức trung bình của 11 địa điểm khảo sát trên toàn quốc từ 0,67 đến 1,3kg, trong đó rác thải nhựa chiếm 96% về số lượng và 57% khối lượng rác trên các bãi biển.
Các loại rác nhựa có nguồn gốc liên quan đến hoạt động nuôi trồng, khai thác, buôn bán thủy hải sản chiếm tỷ lệ vượt trội, tiếp theo là các sản phẩm sử dụng một lần và các sản phẩm từ sinh hoạt khác.
Côn Đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm ở biển Đông, được đánh giá là một trong những khu vực có đa dạng sinh học biển cao của thế giới. Côn Đảo cũng được định hướng phát triển mũi nhọn kinh tế du lịch từ khai thác hệ sinh thái tự nhiên và di tích lịch sử. Thế nhưng, rác thải đại dương, đặc biệt là rác thải nhựa đang trở thành thách thức không nhỏ cho Côn Đảo.
Nhằm thay đổi hành vi, chung tay bảo vệ bền vững hệ sinh thái biển đảo Côn Đảo, từ tháng 3/2022, dưới sự hỗ trợ của WWF-Việt Nam trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam 2020-2024" do WWF - Đức tài trợ, UBND huyện Côn Đảo đã tham gia mạng lưới đô thị giảm nhựa của WWF trên toàn cầu.
Các mục tiêu Côn Đảo cam kết khi tham gia dự án gồm giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra ngoài môi trường năm 2025, hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030, và trở thành Đô thị thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa của WWF trên toàn cầu.
Thực hiện mục tiêu trên, hàng loạt hoạt động nâng cao ý thức của khách du lịch và hiểu biết của người dân địa phương về rác thải nhựa được triển khai. Đến Côn Đảo hôm nay, đi đâu cũng dễ thấy những tấm poster, khẩu hiệu kêu gọi “Giảm nhựa khi du lịch Côn Đảo” đặt tại sân bay, bến cảng, trên các tuyến đường. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà dân cũng thực hành giảm nhựa như đi chợ bằng giỏ xách, thay thế túi nilon bằng túi vải hoặc túi cói, không uống nước đóng chai nhựa dùng một lần, phân loại rác thải tại nguồn…
Chính quyền, các hội, đoàn thể, trường học thường xuyên tổ chức các sự kiện nhằm tác động thay đổi hành vi sử dụng đồ nhựa như nói chuyện chuyên đề về tác hại của rác thải nhựa đối với sinh vật biển và sự biến đổi khí hậu, mở “Ngày hội Đổi rác lấy quà”, thu gom rác bãi biển…
Đánh giá về hiệu quả chương trình, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm nhựa của WWF, nhận xét, sau hơn một năm triển khai các cam kết giảm rác thải nhựa tại Côn Đảo đang rất thuận lợi, nhận được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân địa phương, cơ sở kinh doanh và khách du lịch, ý thức nâng lên rõ rệt.
Ngày Môi trường thế giới năm nay (5/6) được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution).
Ai cũng biết túi nilon, đồ nhựa tiện lợi, giá thành rẻ, nhưng hậu quả về môi trường thì hoàn toàn không rẻ. Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay trùng hợp với mục tiêu xây dựng điểm đến giảm nhựa của Côn Đảo, thêm một lần nữa nhắc nhớ mỗi người hãy dừng tạo ra rác thải nhựa, cùng chung tay hành động để bảo vệ bền vững hệ sinh thái biển đảo Côn Đảo nói riêng và rộng ra là bảo vệ sự sống cho hành tinh của chúng ta.
Trần Hiền