Khánh Hòa: Chủ nhân khu nghỉ Jungle Beach với thành tích bảo vệ rừng và động vật hoang dã

Cập nhật: 27/08/2009
Nhiều lần ra tay cứu vớt động vậy hoang dã, tự nguyện xin làm nhân viên kiểm lâm, phát hiện và bảo vệ đàn voọc chà vá chân đen, “ông Tây” đầu tiên được cơ quan kiểm lâm trao bằng khen về thành tích quản lý - bảo vệ rừng và động vật hoang dã… đã làm nên cái tên nghe ngộ ngộ “ông kiểm lâm Tây” cho Sylvio Lamarche. Một người Canada yêu biển Việt, thức ăn Việt và cả một cô gái Việt để gắn bó trọn đời…

Vừa ăn vừa... trồng cây

Tích cực, năng động, hăng hái và say mê công việc đến lạ là những gì  thấy ở Sylvio Lamache khi ông dẫn chúng tôi đi thăm khắp lượt công trình khu nghỉ Jungle Beach nằm ngay chân núi Hòn Hèo, xã Ninh Phước (Ninh Hòa, Khánh Hòa). Đứng trên bãi cát trắng mịn, tại một bờ biển hoang dã, trong một buổi trưa chính hè chói chang nắng, ông thốt lên: “Bờ biển này đẹp nhất thế giới, không thua gì bờ biển nổi tiếng thế giới tại Úc”. Bằng chất giọng trầm, đục kèm thứ tiếng Việt kiểu Anh, tiếng Việt không dấu rất khó hiểu, ông kể cho chúng tôi nghe về quá trình khám phá và gây dựng nên khu nghỉ độc đáo này.

Từng kinh doanh cây cảnh và đất trồng cây cảnh ở Canada và đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, nhưng cuộc du ngoạn trên vịnh Vân Phong, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa năm 2001 đã thành một cơ duyên để ông quyết định gắn bó. Mua lại hơn 1 ha đất ven biển, ông lập nên một khu nghỉ mát rất độc, nơi mà du khách đến đây sẽ được tắm biển, leo núi, tắm suối, thưởng thức các món ăn Âu – Việt và cùng… trồng cây, đóng bàn ghế, giường tủ bằng tre với chủ. Chỉ cho chúng tôi xem những phòng nghỉ bằng tre nứa, lợp mái tranh, ông tự tấm tắc khen những căn chòi nhìn ra biển của mình là tuyệt đẹp và rất tiện nghi, rất linh hoạt. Ai thích hòa mình với thiên nhiên thì cứ việc mở rộng cửa sổ, cửa chính, đẩy ghế, chõng tre ra ngoài phòng mà hưởng gió biển, hưởng nắng hè. Ai thích tiện nghi thì mời đóng cửa lại, thả liếp tre xuống mà bật máy lạnh…

Ông còn tự hào kể, rằng tất cả những phòng nghỉ, chuỗi phòng nghỉ cùng đồ dùng toàn làm bằng tre của khu nghỉ mát này đều do tự tay ông thiết kế và làm nên, rằng chúng là những thứ độc nhất vô nhị, thuần đậm chất Việt… Hơn 9 năm nay, mải mê với bãi biển đẹp, khu nghỉ độc đáo, cô vợ người Việt cùng cô con gái xinh đẹp, ông chưa hề rời khỏi Việt Nam. Và ông đang làm mọi thủ tục để được nhập quốc tịch Việt Nam. “Người thân muốn gặp tôi à? Xin mời đến Việt Nam” – ông nói.

"Chặt hết cây rồi, con đi đâu"

Tôi ngớ cả người khi nghe ông thốt lên câu này. Suy luận mãi cùng với mớ từ tiếng Việt, tiếng Anh lẫn lộn của Sylvio tôi mới hiểu được ý ông. Rằng, những năm đầu đến đây làm khu du lịch, ở ngay sát bìa rừng, ông sốt ruột với sự chặt phá rừng diễn ra hàng ngày nơi đây. Biết vốn từ Việt của mình không nhiều, phát âm khó hiểu, nhưng lại thích nói tiếng Việt nên ông phải dùng cả hai tay, cả những biểu cảm của mắt, mũi, môi để cho chúng tôi hiểu: Rằng nhiều năm trước đây mỗi ngày có tới vài chục người vào rừng chặt cây, cây rừng to, nhỏ gì chặt hết nên ông rất bất bình. Chặt hết cây rồi, động vật (ông coi như những người con) đi đâu mà sống? Biết Trạm kiểm lâm ở đây chỉ có vẻn vẹn 3 người, không ngăn nổi đoàn người ngày ngày vào rừng chặt cây, đốt than ông bèn xin được tình nguyện làm kiểm lâm viên không hưởng lương để chung sức bảo vệ rừng Hòn Hèo.

Nhưng ý nguyện “bất thường” này của ông không thành vì chưa có tiền lệ, chưa có quy định nhận một ông Tây làm kiểm lâm viên. Thấy thú hoang bị săn bắt, ông sốt ruột lắm. Ban đầu ông mua lại gà rừng móng đỏ, thú rừng quý hiếm với giá cao hơn các đầu nậu rồi đem vào rừng, đem lên núi thả. Nhưng việc mua lại thú rừng của ông không mấy hiệu quả vì người ta vẫn cứ bắt nhiều thú hơn để đem bán cho ông kiếm tiền. Một số người lại còn cho là ông mua lại thú rừng để làm các món đặc sản bán khách du khách và rằng đây là chiêu độc đáo để ông thu hút du khách đến với khu du lịch sinh thái của mình.

Nghĩ lại, ông sợ việc mua thú của ông chẳng những giúp được gì cho lũ thú rừng mà còn kích thích người dân tiếp tục săn thú để kiếm lợi. Như vậy là việc làm tưởng có lợi lại đâm ra có hại cho lũ thú rừng mà ông đang muốn dốc công sức bảo vệ, nên thôi. Một lần, biết chắc trong căn nhà nọ nhốt một con culi nhỏ rất quý hiếm, trả giá mãi mà chủ nhà nhất quyết không bán. Ông bèn chạy đến báo cho kiểm lâm. Trong khi các kiểm lâm viên đang làm các thủ tục với chủ nhà, ông lẻn ra sau, bắt con culi rồi chạy một mạch lên núi để phóng thích cho nó về rừng.

 

"Voọc chà vá là con tôi"

Câu chuyện phát hiện, bảo vệ và sự gắn bó giữa ông với loài voọc chà vá chân đen ở Hòn Hèo cũng là một cơ duyên. Năm 2003, một du khách người Canada đang nghỉ tại khu du lịch của ông trong lúc chụp hình phong cảnh trên rừng tình cờ thấy lũ voọc đang chơi đùa trên những tảng đá. Sáng sớm hôm sau, ông đã cùng vị khách này trở lại khu vực đó để mục kích lũ voọc. Dù vốn không thích loài khỉ nhưng những chú voọc ngũ sắc này quá đẹp nên ông đã say mê chúng ngay từ đầu.

Tìm hiểu, biết đây là loài thú quý hiếm và biết ở Việt Nam có ông Tilo Nadler, chuyên gia người Đức, giám đốc Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng (Hội động vật Frankfurt) – Vườn Quốc gia Cúc Phương, ông liền gọi điện và email hình ảnh và thông tin cho ông Tilo. Các chuyên gia Vườn Quốc gia Cúc Phương liền bay ngay vào Khánh Hòa gặp Sylvio. Quan sát những bức ảnh, thu thập và phân tích AND các mẫu phân, các chuyên gia Vườn Quốc gia Cúc Phương khẳng định loài linh trưởng này chính là voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), nằm trong danh mục 1 – động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Sự kiện này đã gây chấn động giới khoa học và bảo tồn linh trưởng trong nước và quốc tế.

Tháng 11/2007, các chuyên gia đã ghi nhận có ít nhất 110 cá thể voọc chà vá chân đen ở Hòn Hèo và kiến nghị tỉnh Khánh Hòa và Bộ NN& PTNT lập khu bảo tồn loài tại Hòn Hèo. Bên cạnh việc nhiệt tình phối hợp, ủng hộ nơi ăn chốn ở cho các đoàn chuyên gia, kể từ khi phát hiện ra lũ voọc năm 2003, đều đặn ngày nào ông cũng ra nơi đặt chiếc kính viễn vọng quan sát lũ voọc. Rồi tỉ mẩn và kiên trì, ông ghi chép cẩn thận số lượng, hoạt động của từng con voọc vào những cuốn sổ. Ông thậm chí còn đặt tên, biệt hiệu cho một số con ông thường thấy.

Hàng ngày, ông đưa hình ảnh, thông tin lên mạng để tranh thủ vận động bạn bè ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế tài trợ cho dự án lập khu bảo tồn linh trưởng ở Hòn Hèo. Cho đến ngày gặp chúng tôi, ông đã có tới một chồng cao những cuốn sổ ghi chép và hàng loạt hình ảnh, video, tài liệu về voọc chà vá chân đen. Và câu “tuyên ngôn”: Voọc chà lá là con của tôi, không chỉ được thể hiện qua việc quan sát lũ voọc, mà ông còn quan sát luôn những hoạt động của con người ra vào khu rừng và làm hại đến lũ voọc nếu có rồi báo ngay cho kiểm lâm.

Ghi nhận nững nỗ lực của “ông Tây kiểm lâm” có một không hai này, UBND huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã tặng bằng khen cho Sylvio Lamarche về thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng và động vật hoang dã.

 

Nguồn: Báo NNVN