Về Vân Hồ (Sơn La) hôm nay, không chỉ được chứng kiến sự đổi thay của vùng đất cửa ngõ vùng Tây Bắc, mà còn được nghe nhiều câu chuyện về những nông dân liên kết, thành lập các hợp tác xã (HTX) du lịch, thu hút hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm bản, thăm mường.
Du khách trải nghiệm thác Chiềng Khoa
Chuyện nông dân với nghề du lịch không hiếm, không lạ, nhưng ở Vân Hồ thì mới phát triển được vài năm nay, mang đậm bản sắc dân tộc bởi chính bà con là người dân tộc Mông, Thái, Mường tạo dựng. Hơn nữa phong cảnh, địa hình núi non, sông suối, thác gềnh đã tạo nên một sắc màu vùng Tây Bắc khó nơi nào có được. Điển hình là khu nhà nghỉ cộng đồng A Chu Homestay của anh Tráng A Chu, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm, trong đó có nhiều du khách nước ngoài. Sự thành công của Tráng A Chu đã thức dậy cả vùng đất Hua Tạt làm du lịch. Nhiều hộ gia đình nông dân xây dựng vườn mận, vườn cam thu hút khách du lịch đến thưởng thức, trải nghiệm. Cũng từ đó, kéo theo các nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mông, như: Nghề làm giấy, dệt, nghề rèn được hồi phục.
Một mô hình mới về du lịch đang được xây dựng, là bảo tàng dân tộc Mông trên cao nguyên Mộc Châu của Vàng A Thành, Trưởng bản Chiềng Đi 1, xã Vân Hồ. Anh Thành chia sẻ: Tôi xây dựng bảo tàng để thu thập các hiện vật, đồ dùng của dân tộc mình về đây trưng bày, như cái cày, cái bừa bằng gỗ, bễ lò rèn để làm con dao, cuốc, lu cở đựng đồ khi lên nương, khung dệt vải, guồng se sợi, dụng cụ làm giấy của dân tộc mình... Trước hết là giới thiệu với khách du lịch hiểu thêm về dân tộc Mông và cũng như để con cháu biết cuộc sống của ông, cha ta trước kia. Sau khi hoàn thành, nơi đây cũng là điểm hẹn của du khách, nhất là các nhà nghiên cứu dân tộc học trong và ngoài nước đến đây nghiên cứu, tìm hiểu về dân tộc Mông.
Xuôi quốc lộ 6, chúng tôi đến khu du lịch xã Chiềng Yên để chiêm ngưỡng cảnh đẹp của thác Tạt Nàng, ngọn thác hùng vĩ đổ từ độ cao hơn 100 m xuống tung bọt trắng như tuyết trong vẻ đẹp hoang sơ nơi đại ngàn Chiềng Yên. Đắm mình trong nước khoáng ở bản Phụ Mẫu, nghe câu chuyện huyền thoại về mối tình thủy chung của cô gái xinh đẹp với chàng thợ săn trên đất Chiềng Yên...
Chị Ngần Thị Nga, Giám đốc HTX du lịch và nông nghiệp Tạt Nàng, tâm sự: HTX có 12 thành viên, 100% là nông dân nay chuyển 50% công việc sang làm du lịch. HTX phát triển kinh doanh dịch vụ tắm khoáng, tắm nước thuốc bắc của dân tộc Thái, nghỉ cộng đồng, chế biến các món ăn dân tộc, như gà, cá nướng, măng rừng, cơm lam, các món nộm rau rừng với mắc khén… Tuy cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng các thành viên đều nhiệt tình, bước đầu đã thu hút được du khách. Hy vọng khi tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu được xây dựng, thì đây là điểm đến của du khách từ các tỉnh miền xuôi.
Mô hình du lịch cộng đồng tại bản Nà Bai, xã Chiềng Yên (Vân Hồ, Sơn La). Ảnh: PV
Trở về bản Chiềng Lè, xã Chiềng Khoa, ngắm thác 7 tầng, còn gọi là thác mây, thác được hình thành từ suối Tân và suối bản Khoòng. Vào tháng 5, dòng nước hơi cạn, đứng trên cao chúng tôi nhận thấy mỗi tầng thác có độ cao từ 7 đến 10 m, dưới chân mỗi tầng thác là 1 hồ nước trong xanh như ngọc. Từ cảnh đẹp hùng vĩ, hoang sơ của thác, mấy năm trở lại đây, nông dân Chiềng Khoa đã khai thác và tạo điểm du lịch hấp dẫn. Những chiếc bè tre được tạo, giúp du khách trải nghiệm trên mặt hồ xanh biếc, tận hưởng khí hậu trong lành.
Tham quan thác Nàng Tiên, còn gọi là thác Chiềng Khoa, một trong những thác nước đẹp và nổi tiếng ở huyện Vân Hồ. Thác có 3 tầng, được bao bọc bởi thảm thực vật nguyên sinh, có làn nước xanh ngọc bích, tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Trò chuyện với anh Hà Văn Hiên, thành viên của HTX dịch vụ thác Nàng Tiên, cho biết: HTX mới thành lập, cơ sở vật chất còn hạn chế nhưng khách đến đây khá đông. Thu nhập của các thành viên HTX ổn định hơn.
Nhà nghỉ cộng đồng của anh Tráng A Chu, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ. Ảnh: PV
Về Vân Hồ là trở về với thiên nhiên, được nghe tiếng thác chảy, hòa cùng màu xanh của hoa thơm, trái ngọt, được thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc do chính tay người nông dân làm ra, chế biến, cùng những hướng dẫn viên là những người nông dân vốn quen với cái cuốc, con dao làm nương rẫy, ruộng vườn. Hiện nay, huyện Vân Hồ có gần 30 cơ sở lưu trú và 6 điểm tham quan du lịch; giai đoạn 2020 - 2025, huyện phấn đấu đạt 450.000 lượt khách/năm, trong đó 20.000 lượt khách quốc tế, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 350 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên HTX rất mong các ngành, các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành quan tâm đầu tư, dạy nghề, liên doanh, liên kết, tạo thành chuỗi du lịch liên kết trong và ngoài tỉnh.
Nguyễn Tuấn