Trên thế giới có nhiều công trình văn hóa không chỉ là một điểm đến mà còn trở thành biểu tượng của cả quốc gia. Vậy các công trình văn hóa phải làm sao để phát huy được hiệu quả, nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng?
Các công trình văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng, là nơi để tổ chức hoạt động và sinh hoạt văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân. Năm qua, ngành văn hóa đã cố gắng xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng... từ trung ương đến địa phương, phần nào đáp ứng được nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân. Nhất là mới đây chính phủ đã phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2025, một trong những nội dung được quan tâm đó là nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần.
TS Nguyễn Viết Chức, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho rằng, vì nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, khi đất nước phát triển, xã hội phát triển thì các công trình văn hóa cũng phát triển theo. Mỗi thời đại có một nhu cầu khác nhau, phải căn cứ vào yêu cầu thực của nhân dân, của cộng đồng xã hội để xây dựng các thiết chế văn hóa.
Có thể nói, nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người Việt cũng thay đổi hơn trước rất nhiều. Để đáp ứng nâng cao đời sống tinh thần cho người dân thì ngay từ cấp tỉnh đã có bảo tàng, nhà hát mang biểu tượng văn hóa của địa phương… rồi đến những công trình văn hóa mang thương hiệu của quốc gia. Tuy nhiên, trong số đó cũng có không ít những công trình văn hóa như nhà hát, rạp chiếu phim hay bảo tàng chưa phát huy được hết công năng và không mang lại hiệu quả. Thậm chí có những công trình văn hóa sử dụng cho các mục đích khác. Theo TS Nguyễn Viết Chức, nguyên nhân là do khi xây dựng các công trình văn hóa không có sự khảo sát, tính toán mà xây dựng một cách thúc ép, theo phong trào, thi đua...
“Phát triển văn hóa không thể phát triển theo phong trào như thế được. Tôi tin là những người làm hóa trăn trở nhưng trăn trở chưa tới tầm của nó, chưa hiểu sâu sắc về sự biến đổi nhu cầu của người dân và sự biến đổi về thị hiếu của cộng đồng. Bảo tàng , nhà hát, nhà văn hóa cũng thế, bất cứ một địa chỉ văn hóa nào khi người làm văn hóa muốn xây dựng nó thì phải xây dựng cho mình nội dung hoạt động ở trong thiết chế ấy chứ nếu chỉ xây dựng vỏ thì rất nguy hiểm. Nếu xây dựng vỏ nhiều quá mà bỏ không thì lại khiến dân bức xúc” - TS Nguyễn Viết Chức lưu ý.
Công trình văn hóa chỉ tồn tại và hữu ích khi nó được sử dụng đúng chức năng và hiệu suất công năng với các hình thức hoạt động phong phú, thu hút mọi người tham gia, trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Thế nên khi xây dựng một công trình văn hóa cần phải có sự tính toán cẩn trọng vì nó sẽ đem lại những tác động cụ thể tới đời sống người dân. Đồng thời làm cho cảnh quan từ đô thị cho tới nông thôn đẹp hơn, không gian sống của con người tốt hơn.
Nhà hát Cao Văn Lầu - Công trình kiến trúc độc đáo giữa lòng miền Tây. Ảnh KT
Đầu tư cho văn hoá là phù hợp với lịch sử cũng như lnhu cầu, là động lực để đất nước phát triển. Với những công trình văn hóa quy mô tầm cỡ thì trước khi xây dựng nên lấy ý kiến rộng rãi của người dân và giới khoa học, chuyên gia môi trường… để có được góc nhìn nhiều chiều và xác đáng. Điều quan trọng nhất là khi xây dựng một công trình văn hóa, cần phải có sự tính toán để phát huy được hết hiệu quả, công năng và tránh được sự lãng phí không cần thiết. “Các nhà lãnh đạo, quản lý phải rất thận trọng, phải chuẩn bị cả trí tuệ, tinh thần, vật chất... Càng kỹ lưỡng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đặc biệt phải tranh thủ những chuyên gia giỏi trong xây dựng và những chuyên gia về văn hóa tư vấn chuyên môn” - TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Quy hoạch, thiết kế hợp lý đi kèm khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình văn hóa sẽ tránh sự đầu tư lãng phí về đất đai, tiền của, công sức của Nhà nước và nhân dân. Theo TS Nguyễn Viết Chức, mô hình quản lý, vận hành có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát huy hiệu quả của công trình văn hóa, nhất là trong xã hội hiện đại ngày nay thì quản trị, quản lý là vô cùng quan trọng. Phải quản lý được chuyện xây dựng lẫn vận hành khi công trình hoàn thành. Bởi vì đã có rất nhiều công trình được xây dựng nên nhưng không phát huy được hiệu quả, đó là điều vô cùng đáng tiếc. Thứ hai là phải chuẩn bị nguồn nhân lực xứng tầm thì mới có thể làm được. Bởi vì đã muốn làm văn hóa mà nhất là văn hóa nghệ thuật thì phải có tài năng.
Những công trình văn hoá không chỉ nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, góp phần tạo dựng hình ảnh và vị thế của đất nước mà đó còn là thỏi nam châm hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế. Hơn bao giờ hết, trên con đường hội nhập quốc tế, Việt Nam cần có những công trình mang tính biểu tượng có quy mô lớn, với sức lan tỏa mạnh mẽ. Công trình văn hóa phải góp phần gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa của đất nước, nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và thúc đẩy giao lưu văn hóa./.
Ngọc Hà/VOV2