Có lượng mưa hàng năm thấp, nhất là tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc nên nhiều vùng của Bình Thuận không thể canh tác được. Hàng chục năm qua, đã có nhiều dự án cải tạo môi trường nhằm tăng diện tích canh tác nhưng không thành công. Tuy nhiên, gần đây mô hình xây dựng bể trữ nước mưa tại chỗ đã phát huy hiệu quả.
Vào mùa khô, lượng nước dùng cho sinh hoạt của người dân ở những vùng này cũng thiếu hụt gay gắt. Sau nhiều năm được nhà nước đầu tư, phần lớn nhân dân trong vùng đã có nước sạch để dùng. Nhưng nước cho sản xuất, chăn nuôi chưa có nên diện tích trồng lúa và hoa màu đang bị thu hẹp dần vì tốc độ sa mạc hóa ngày một tăng. Để khắc phục tình trạng này, điều kiện tiên quyết là phải có nước để trồng cây xanh lấn cát nhằm giữ độ ẩm trong lòng đất. Sau nhiều năm thử nghiệm, Dự án Thu trữ nước mưa trên đồi cát đã thành công trên địa bàn xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình.
Dự án này được thực hiện với nhiều nguồn kinh phí khác nhau và do Hội làm vườn tỉnh Bình Thuận tổ chức. Từ thực tế cách thu nước mưa truyền thống bằng chum vại của người dân trong vùng, các chuyên gia nghĩ đến phương thức xây dựng những bể nước lớn trên đồi cát, trữ nước mưa dùng để tưới trong mùa khô. Dự án này đã đáp ứng tốt cả 3 yêu tố cần thiết: một là vật tư làm bể nước sẵn có ở địa phương, hai là người dân tự làm được, ba là giá thành hợp lý.
Phó chủ tịch Hội làm vườn Bình Thuận Trần Hữu Thái - thành viên chủ chốt của Dự án cho biết: trước đây, người dân cũng biết tận dụng mùa mưa để trồng cây trên đồi cát. Cây cũng bén rễ và sống được trong năm đầu, nhưng chỉ sống được đến mùa khô năm sau vì rễ cây chưa kịp ăn xuống dưới lớp cát có độ ẩm để hút nước. Theo tính toán, nếu 2 mùa khô tiếp theo có được một lượng nước cần thiết bù vào, chắc chắn cây sẽ sống. Vì vậy, phải trữ nước mưa ngay trên vùng cát khô hạn này bằng các bể xi măng tự làm. Từ tháng 6/2005, Dự án bắt đầu thí điểm trên 16ha của 4 hộ gia đình ở xã Hồng Phong. Được sự hướng dẫn của các chuyên gia, người dân đã xây 10 bể có lót bạt HDBE và 4 bể bằng trát vữa xi măng đất, mỗi bể dài 7m, rộng 3,5m và sâu 1m, phía trên trải bạt ni lông về một phía để hứng nước mưa chảy xuống. Theo tính toán, chỉ sau một mùa mưa, nước sẽ chảy đầy bể.
Tuy nhiên, quá trình sử dụng, bạt HDPE có nhược điểm là dễ bị thủng lỗ, làm mất nước, phải mua ở xa và cả cuộn lớn, các chuyên gia đã kiểm nghiệm và thấy rằng, cát vùng này có độ mịn đồng đều, không lẫn đất sét, tạp chất hữu cơ, rất thích hợp để làm vữa xi măng. Nếu trộn tỷ lệ 1 xi măng/10 cát tại chỗ, chất lượng tương đương với tỷ lệ 1 xi măng/6 cát của các công trình xây dựng. Vì vậy, dựa vào thành hố có độ chắc cứng, người dân lấy vữa đó trát nhiều lần, khi độ dày thành bể được 5cm thì quét một lớp xi măng đặc, tuyệt đối không có rò rỉ, nứt rạn và thẩm thấu. Đến mùa khô lấy bạt đậy lại, tránh bốc hơi để có đủ nước dùng cho canh tác.
Cách làm hồ trữ nước thích hợp cho mô hình cây trồng nông, lâm kết hợp. Cụ thể, trước khi trồng được rau màu phải có cây lâm nghiệp xen kẽ tạo tán che phủ. Người dân đã trồng cây dầu lai xung quanh 4ha thí điểm đầu tiên, cây xoan và cây trôm đều là những cây chịu hạn giỏi, được trồng thành nhiều hàng để chắn gió. Sau 3 năm, cây lâm nghiệp được tưới nước đã phát triển xanh tốt, người dân được thu hoạch vụ lạc đầu tiên, mở ra hướng phát triển lâu dài cho sản xuất trong vùng. Đó là chưa kể giá trị của mủ cây trôm, vì khi được 5 tuổi trôm sẽ cho mủ, với giá như hiện nay, 4ha sẽ cho thu nhập trên 40 triệu đồng. Sau khi mô hình 4ha này thành công, đã có 24 hộ gia đình trong xã tự nguyện làm theo dự án. Người dân đã trồng được rau xanh, điều mà trước đây chưa từng có.
Chi phí để xây một bể nước xi măng chỉ mất 6 triệu đồng nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Vì vậy, cần thiết nhân rộng mô hình này để phủ xanh những vùng đất khô hạn, giúp người dân phát triển sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo.