Long Bình: Khu công nghiệp xanh vì môi trường

Cập nhật: 28/08/2009
Long Bình là khu công nghiệp liên doanh giữa Công ty Thái Sơn (thuộc Bộ Quốc phòng) và Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) tại TP Biên Hòa - Đồng Nai.

Với sự có mặt của gần 50 doanh nghiệp, hoạt động đa dạng các ngành nghề sản xuất công nghiệp trên tổng diện tích 100 ha, nhưng nơi đây đã đoạt “Giải thưởng Khu công nghiệp xanh” quốc gia.

Sắc xanh bao trùm

Ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng giám đốc thứ I Công ty phát triển KCN Long Bình (Loteco) cho biết: “Ngay từ khi thành lập, Loteco đã xác định vấn đề môi trường là một trong những điểm nhấn quan trọng để thu hút các nhà đầu tư”.

Theo đó, việc qui hoạch và xây dựng để có một hệ thống cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường đã được triển khai xuyên suốt. Hệ thống cây xanh, hệ thống cung cấp nước, hệ thống xử lý nước thải... được đầu tư bài bản với số vốn không nhỏ.

Theo ông Bình, để đảm bảo nguồn cung cấp nước ổn định cho các khách hàng, KCN đã tự đầu tư xây dựng một tháp nước với sức chứa 300 m3 và bể chứa nước 1.500 m3 có nguồn cung cấp nước đến từ Trạm cấp nước Long Bình (với công suất 30.000 m3/ngày) và nhà máy nước Thiện Tân (với công suất 100.000 m3/ngày).

Bên cạnh đó, hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc... cũng đã được xây dựng đảm bảo nhu cầu sử dụng cho khách hàng.

Đặc biệt, Loteco đang sở hữu một hệ thống xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn hiện đại, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Từ một nhà máy xử lý nước thải tập trung ban đầu với công suất 1.500 m3/ngày, đến nay đã được nâng cấp lên 2.500 m3/ngày.

Ngoài ra, Loteco đã cho xây dựng thêm nhà máy xử lý nước thải thứ hai với công nghệ Unitank khử Nitơ bậc hiếu khí của Seghers Kêppl - Bỉ, thiết bị nhập từ Mỹ và châu Âu.

Nhà máy có công suất 4.000 m3/ngày và sẽ được đầu tư tăng năng lực xử lý nước thải lên tới 8.000 m3/ngày trong năm 2009, nâng tổng công suất xử lý nước thải toàn khu lên 10.500 m3/ngày.

Cùng với hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị xử lý nước thải tập trung, Loteco cũng ban hành hệ thống tiêu chuẩn xử lý nước thải áp dụng đối với các đơn vị hoạt động trong KCN và có một bộ phận chuyên trách, kiểm tra theo dõi, hỗ trợ công tác xử lý nước thải cho từng đơn vị sản xuất.

Tại địa điểm sản xuất của Công ty Ulhwa Việt Nam - một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài của Hàn Quốc hoạt đông chuyên về dệt - nhuộm đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng trước khi đưa vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN.

Theo ông Park Dong Chul - Quản lý Hành chính Nhân sự của Công ty Ulhwa cho biết: “Hệ thống xử lý chất thải của Công ty đã được đầu tư khá tốn kém và luôn có sự giám sát của Sở Tài Nguyên - Môi trường Đồng Nai, cũng như sự giám sát, hỗ trợ thường xuyên của Loteco, do vậy chất thải từ sản xuất của Ulhwa cũng đã đáp ứng tiêu chuẩn theo qui định…”

Sức hút từ chính sách thân thiện

Tuy tổng diện tích của KCN Loteco không lớn, nhưng với chính sách giá cho thuê hợp lý, cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đạt chất lượng cao,… đặc biệt là việc tạo dựng một môi trường thân thiện, nên KCN Loteco đã được lấp kín với số lượng 49 doanh nghiệp đến từ các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore… có tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 215 triệu USD.

Hàng năm, doanh thu của KCN Long Bình đạt hơn 12 triệu USD, lợi nhuận trung bình hàng năm đạt khoảng 2,5 triệu USD, nộp ngân sách cho Nhà nước khoảng 800 ngàn USD/ năm.

Hiện nay, KCN Long Bình đang tiếp tục triển khai các bước để có thể đầu tư mở rộng thêm diện tích thêm khoảng 200 ha.

Theo ông Bình, một trong những điểm nhấn thu hút được sự quan tâm chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài của KCN Loteco chính là việc xây dựng được một cơ sở hạ tầng xanh thân thiện với môi trường.

Hiện nay, Loteco là KCN duy nhất tại tỉnh Đồng Nai và là 1 trong 4 KCN trên cả nước được cấp chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001 và là KCN đã được nhận Giải thưởng KCN xanh ở tầm quốc gia.

Có thể thấy rằng, hiệu quả trong việc thu hút các nhà đầu tư ở KCN Long Bình đã làm cho tư tưởng “mì ăn liền” chỉ coi trọng tới sự phát triển kinh tế, mà không coi trọng tới môi trường, không coi trọng trách nhiệm với cộng đồng trở thành lạc hậu.

 

Nguồn: VNN