Năm 2023, TP Hạ Long phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 18.700 tỷ đồng. Hiện thành phố chủ động làm mới các sản phẩm du lịch, tiếp tục khai thác tối đa lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người và các tuyến giao thông mới đưa vào sử dụng. Từ đó, mở rộng không gian du lịch phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới, đa dạng, độc đáo, có sức cạnh tranh cao và phù hợp với từng phân khúc của thị trường du khách, hạn chế tính mùa vụ, tăng tính bền vững cho du lịch thành phố.
Du khách tham quan nếp nhà thờ tại xã Bằng Cả (TP Hạ Long.) Ảnh: Trung tâm TTVH Hạ Long cung cấp
Khu bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y xã Bằng Cả là một trong số điểm đến du lịch văn hóa bản địa hấp dẫn tại TP Hạ Long. Nơi đây lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y và là địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng giúp gắn kết tình cảm và lan tỏa nét đẹp văn hóa của người Dao bản địa. Tháng 4 vừa qua, một số công ty lữ hành bắt đầu đón khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm tại khu bảo tồn.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Tân Hồng Chi nhánh Quảng Ninh, cho biết: Chúng tôi đã đưa một số đoàn khách du lịch tàu biển đến tham quan trải nghiệm bản sắc văn hoá dân tộc Dao Thanh Y. Các đoàn khách tham quan mô hình trồng cây trà hoa vàng và thưởng thức trà hoa vàng, mô hình nấu rượu bâu truyền thống và thăm Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y, khám phá kiến trúc 3 nếp nhà truyền thống của người Dao, trải nghiệm ngâm chân lá thuốc, thưởng thức các món ăn dân tộc, hoà mình vào những hoạt động văn hoá văn nghệ và trang phục truyền thống đồng bào Dao Thanh Y. Du khách quốc tế rất hào hứng với các hoạt động này.
Cùng với Bằng Cả, Kỳ Thượng là một trong những điểm đến yêu thích của du khách bởi khung cảnh thiên nhiên đẹp, bầu không khí trong lành, yên tĩnh khác hẳn chốn thị thành. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cũng được khai thác song song cùng với giá trị sinh thái, trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo. Tại đây, một số đơn vị đã đầu tư xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mang đặc trưng phong cách người dân bản địa. Có thể kể đến Khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp farm với thiết kế nhà sàn bằng gỗ cùng khuôn viên rộng gần 2.000m2 phục vụ các dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi. Sau khi trải nghiệm với thiên nhiên, du khách được chào đón bởi nhân viên là chính những người dân trong trang phục Dao truyền thống. Đồng thời, được tham quan nhà cộng đồng là nơi trưng bày trang phục, nông cụ sản xuất, nghe giới thiệu về văn hóa bản địa và xem, học thêu thổ cẩm cùng các bà, các chị là người dân địa phương.
Du khách tham quan rừng trúc tại xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long).
Để thu hút du khách đến với khu vực này, giao thông chính là động lực quan trọng tăng cường kết nối du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Vì vậy, thành phố đã tập trung nguồn lực triển khai các công trình thiết yếu, như: Đường đấu nối QL279 đến TL342; nâng cấp đập Gốc Mương, thôn 1, xã Dân Chủ; nâng cấp tuyến đường Đồng Cao - Đò Bang, xã Thống Nhất; lắp hệ thống điện chiếu sáng QL279 (đoạn từ Km5+400 đến Km13+800)… Riêng năm 2022, thành phố bố trí 723 tỷ đồng để đầu tư cho các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi gắn với chương trình xây dựng NTM.
Được biết, Đề án phát triển du lịch TP Hạ Long đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 xác định lấy bảo tồn và khai thác Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là yếu tố quan trọng cốt lõi để phát triển Hạ Long trở thành thành phố du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, lấy Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, với bản sắc văn hóa đặc sắc, truyền thống lịch sử lâu đời của cư dân bản địa là cơ sở để khai thác hiệu quả môi trường cảnh quan liên thông rừng - núi, sông, vịnh; tiếp tục lấy du lịch nội địa là nội lực duy trì hoạt động của ngành du lịch.
Cùng với các điểm du lịch phía Bắc, thành phố sẽ khai thác tối đa các điểm đến ở khu vực ngoại thành như danh thắng chùa Lôi Âm và hồ Yên Lập. Theo anh Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Hạ Long, địa phương cũng đã lên phương án liên kết với các điểm du lịch, thiết lập tuyến, kết nối các điểm tham quan liên thông giữa Vịnh Hạ Long với khu vực núi, rừng gắn với tăng cường hiệu quả của các chợ du lịch. Đồng thời, đề xuất các tuyến du lịch mới như: Vịnh Hạ Long - Trung tâm thành phố; Vịnh Hạ Long - Cụm di tích lịch sử danh thắng chùa Lôi Âm và hồ Yên Lập - xã Bằng Cả. Qua đó, mang đến cho du khách đa trải nghiệm, từ các khu vui chơi giải trí đẳng cấp, hiện đại, các di tích lịch sử, các công trình biểu tượng văn hoá truyền thống của giai cấp công nhân mỏ; đến hoà mình vào cảnh sắc, mây trời, thiên nhiên, văn hoá, con người độc đáo của đồng bào các dân tộc Hạ Long (Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán). Từ đó, khẳng định và tạo ấn tượng về một Hạ Long văn minh, thân thiện, hiện đại.
Hoàng Quỳnh