“Đập Phà Lài cũng đồng thời nằm trong Vườn Quốc gia Pù Mát, là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của xứ Nghệ trong bối cảnh hiện nay”. Chị Vi Thị Thắm - chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ khai thác du lịch tại đập Phà Lài giới thiệu với chúng tôi như vậy khi người viết muốn khám phá những mô hình du lịch xanh mà Nghệ An đang hướng tới.
Từ điểm nhấn nơi hoa lèn trên đá…
Lâu nay, khu vực đập Phà Lài – nơi được xem như một trong những địa điểm “vùng lõi” của Vườn Quốc gia Pù Mát tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An với phong cảnh sơn thuỷ hữu tình đang được địa phương quy hoạch phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường. Đây cũng nơi có số đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, an cư lạc nghiệp từ bao đời nay.
Theo tiếng của đồng dân tộc Thái, Phà Lài có nghĩa là lèn hoa hay hoa lèn trên đá. Từ bao đời nay, cái tên gọi Phà Lài cũng mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Cái tên này gắn liền với đặc điểm thiên nhiên nơi đây. Bởi bên trong khu du lịch sinh thái Phà Lài có các hệ thống trầm tích tạo nên các núi đá chênh vênh với rất nhiều loài dây leo tạo nên tầng tầng lớp lớp. Sự sắp xếp kỳ diệu của thiên nhiên tạo nên những dải hoa màu rực rỡ cheo leo trên đá, sống bám trụ trên đá.
Khu du lịch sinh thái Phà Lài là địa danh thuộc làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Nơi đây nổi tiếng với phong cảnh sơn thủy hữu tình, nằm giữa đập Phà Lài và dòng sông Giăng thơ mộng.
Thác Khe Kèm ở huyện Con Cuông, một trong những địa điểm "vùng lõi" của Vườn Quốc gia Pù Mát đang gợi mở nhiều tiềm năng cho du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái rừng của tỉnh Nghệ An thời gian tới
Chị Vi Thị Thắm nói tiếp, nơi đây cách thành phố Vinh chỉ 100km, vào mùa hè, du khách thập phương rất thích thú khi đến với điểm du lịch này. Đi ngược về hướng đập nước Phà Lài khoảng 3km, bạn sẽ bắt gặp một bãi tắm hoang sơ, với cảnh quan hai bên bờ được tô điểm bởi màu xanh cây lá rất lãng mạn.
Ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên, đến với Phà Lài, bạn còn có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn như đi xuồng máy, chèo thuyền kayak, trượt zipline đôi, khám phá ẩm thực dân tộc Thái…
Từ thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An chừng 25km là thác Khe Kèm được ví như món quà mà thiên nhiên ban tặng cho Vườn quốc gia Pù Mát. Nơi đây được các nhà khoa học khẳng định là thác nước hoang sơ bậc nhất của Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung.
Được biết, Vườn Quốc gia Pù Mát hội tụ cùng lúc tài nguyên nhân văn, sinh thái, cảnh quan thiên nhiên lẫn tính đa dạng sinh học hiếm nơi nào có được. Đặc biệt hơn, trong vùng đệm Vườn Quốc gia hiện diện hàng loạt di tích độc đáo như thành Trà Lân, bia Ma Nhai, cây đa Côn Chùa (huyện Con Cuông), đền Vạn (huyện Tương Dương), đền Cửa Lũy, đền thờ Lý Nhật Quang, nghĩa Trang Việt - Lào (huyện Anh Sơn)… những địa danh này hoàn toàn có thể kết hợp, xây dựng thành các điểm tham quan, du lịch, các tour tuyến có tính kết nối mang lại nhiều giá trị trên lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ.
Chưa hết, khi ngược theo Quốc lộ 7, khu vực xã Tam Đình, huyện Tương Dương, sẽ chứng kiến một quần thể săng lẻ vô cùng độc đáo, được mệnh danh là cánh rừng đẹp nhất Đông Dương mà bất cứ ai đi qua cũng phải dừng chân để chiêm ngưỡng. Những cây săng lẻ ở đây có thân cao đến 40m, thân cây màu trắng, được bàn tay tạo hóa xếp đặt trên diện tích gần 250ha, hình thành nên một không gian xanh, đẹp đến ngỡ ngàng. Rừng săng lẻ đã là niềm tự hào, biểu tượng, là điểm đến du lịch đáng chú ý ở miền Tây xứ Nghệ trong suốt thời gian qua.
… đến “trái tim” giữ mạch sống cho du lịch xanh
Theo ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, trong vài năm trở lại đây, vào dịp cuối tuần hoặc ngày lễ có rất nhiều nhóm du khách tổ chức dã ngoại hoặc chương trình thực tế tại đây, tạo nên một không khí vô cùng náo nhiệt và sôi động. Nhìn chung, thác Khe Kèm là điểm dừng chân không thể bỏ qua khi bạn tới Nghệ An.
“Trong năm 2023 này, số lượt khách đến với thác Khe Kèm đến thời điểm hiện nay ước tính đã lên đến hàng chục nghìn lượt người” – giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát nói với phóng viên như vậy khi giới thiệu về tiềm năng phát triển du lịch xanh của miền Tây xứ Nghệ.
Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, thực hiện Đề án phát triển du lịch của huyện, Tương Dương đang phối hợp cùng Sở Du lịch Nghệ An, Hiệp hội Du lịch Nghệ An và Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (Quỹ Môi trường Toàn cầu) triển khai Dự án phát triển du lịch sinh thái cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát. Điểm nhấn trọng tâm của dự án là xây dựng trạm nghỉ chân ngắm cảnh cho du khách và đường tham quan, chụp ảnh…kết hợp tuần tra, bảo vệ rừng.
Cùng với rừng Săng Lẻ nguyên sơ ở huyện Tương Dương và ngược lên Kỳ Sơn còn có khu vực cổng trời Mường Lống cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng cho du lịch xanh tỉnh Nghệ An
Là doanh nghiệp lữ hành, chuyên tổ chức các tour trải nghiệm cho du khách, ông Nguyễn Xuân Định – Giám đốc Công ty lữ hành Hoành Sơn cho biết, tiềm năng phát triển du lịch xanh dựa vào “trái tim” giữ mạch sống gắn với gìn giữ, phát triển rừng của Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt của Nghệ An đang hứa hẹn sẽ gợi mở nhiều tiềm năng trong tương lai gần. Bởi mỗi khi thực hiện các tour du lịch miền Tây xứ Nghệ, khi được trải nghiệm thực tế, du khách đều cảm thấy ấn tượng với các địa điểm mình từng đã check in và khẳng định sẽ tiếp tục quay lại nơi đây.
Ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho rằng, phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái theo chiều hướng “du lịch xanh” đang được nhiều địa phương trong đó có huyện Quế Phong chú trọng trong những năm gần đây.
“Cùng với sự kết nối cộng hưởng của các điểm du lịch cộng đồng bản Cọ Muồng, Mường Đán cũng như đền Chín Gian, chúng tôi đã xây dựng khu du lịch sinh thái quần thể thác 7 tầng nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt một cách bài bản, khoa học. Với ý thức chú trọng khai thác giá trị tự nhiên tuân theo quy hoạch, quan tâm đến việc bảo vệ và tôn tạo giá trị văn hóa bản địa, trong tương lai gần, du lịch xanh ở Quế Phong sẽ là thế mạnh để phát triển bền vững” - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết.
Ngọc Thái