Áo dài là loại hình trang phục tiêu biểu, là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Nhìn với tư cách là sản phẩm của công nghiệp văn hóa, áo dài có nhiều khả năng phát triển xa hơn từ truyền thống.
Một bộ thiết kế áo dài từ cảm hứng di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Nguồn vốn văn hóa cho công nghiệp sáng tạo
Không cần có các quy định, phụ nữ Việt Nam đã coi áo dài như một biểu tượng của nữ tính và cái đẹp từ lâu. Từ tuổi con gái đến khi được làng trang trọng tặng áo đỏ mừng thọ, tà áo dài theo cùng người phụ nữ Việt Nam trong các dịp trọng đại của gia đình, ở trường học, cơ quan, công sở, lúc hội ngộ, khi đi chơi… Ở mức cộng đồng và quốc gia, phụ nữ Việt Nam hãnh diện mặc áo dài ở những lễ hội, trong các lễ đón tiếp khách ngoại giao... Trái với ý tưởng trang phục cổ áo ngũ thân và muốn đẩy lên là “quốc phục” của nam giới còn đang nhận nhiều ý kiến tranh cãi và chỉ trích, phụ nữ Việt Nam từ lâu đã trân trọng và trìu mến coi áo dài là lễ phục của mình, thậm chí nhiều người đồng thanh coi là “quốc phục” cũng không thấy ai phản đối.
Áo dài đã từng và sẽ còn là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận của những người làm thơ, làm nhạc, làm tranh, làm tượng, làm ảnh, làm phim, của những người thiết kế và những người trình diễn. Trong cuộc sống đương đại, sản phẩm áo dài cùng lúc mang nhiều tiêu chí thuộc về các ngành công nghiệp văn hóa khác nhau (đã được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, gồm 12 ngành). Áo dài vừa là nguồn cảm hứng, vừa là sản phẩm sáng tạo, liên quan - liên kết với các ngành thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch văn hóa. Thông qua những sáng tạo nghệ thuật, những cách tiếp cận mới, các nhà thiết kế, các nhà sản xuất, các nhà sưu tập sẽ góp phần “định danh”, “định vị” áo dài trên thị trường thời trang, thị trường văn hóa sáng tạo.
Để áo dài lan tỏa và phát triển
Từ các sản phẩm sáng tạo trên “nền” áo dài mà những giá trị văn hóa Việt Nam có thể được giới thiệu và lung linh lan tỏa. Đã có một cuộc hội ngộ thiết kế và trình diễn các bộ áo dài trang trí bằng các họa tiết lấy cảm hứng từ các di sản thế giới của Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2020. Những cuộc sáng tạo như thế với áo dài còn cần nhiều hơn nữa.
Việc kết nối, phát triển các vùng nguyên liệu tự nhiên đặc thù - không chỉ là tơ tằm và lụa mà còn các chất liệu khác được nghiên cứu phục hồi như gai, lanh… cũng sẽ cung cấp nguyên liệu phong phú hơn cho nghề may áo dài, sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế vùng, góp phần làm giàu cho làng nghề, cho địa phương. Nền kinh tế đa dạng với sự tăng trưởng mạnh của ngành du lịch (bao gồm cả du lịch văn hóa), cũng tạo những điều kiện tốt cho sản phẩm áo dài trong ngành công nghiệp văn hóa mới mẻ ở Việt Nam phát triển. Thuận lợi này bảo đảm tiềm năng “đầu ra” của/cho áo dài.
Di sản văn hóa phi vật thể vốn thuộc về và phải thuộc về cộng đồng, phải do cộng đồng chung tay giữ gìn, phát triển và phát huy giá trị. Áo dài là một di sản đặc biệt của phụ nữ Việt Nam và nó vốn thuộc về cộng đồng. Tuy nhiên, vai trò định hướng và hỗ trợ của các cơ quan quản lý văn hóa có vai trò quan trọng. Để từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu áo dài, đưa áo dài trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch đặc sắc Việt Nam cần có sự quan tâm của các cơ quan quản lý văn hóa từ trung ương tới các đô thị lớn, các thành phố du lịch, những nơi có “mật độ” áo dài cao (Huế, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang…) trong việc quảng bá, giới thiệu, tôn vinh và phổ cập áo dài trong đời sống. Mặt khác, cũng cần có những chính sách phù hợp nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa và phát huy sức mạnh của cộng đồng để có nhiều sản phẩm áo dài phong phú mang hơi thở đương đại, để áo dài không chỉ là hình ảnh, là bản sắc văn hóa mà còn là một sản phẩm du lịch dịch vụ đặc trưng.
Huế đang là địa phương đi đầu trong việc đưa Áo dài “lên ngôi”. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” (3/2023) và Huế đang hoàn thiện hồ sơ “Nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế” để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa di sản này vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau đó tiếp tục đề nghị Bộ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Hồ sơ “Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài Huế” đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
TS Lê Thị Minh Lý, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia, người đã dự 12 cuộc (trong số 15 di sản, cho đến nay) UNESCO công bố ghi danh những di sản Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, đánh giá: “Áo dài và phong tục của phụ nữ Việt Nam mặc áo dài hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và chúng ta hy vọng với việc hồ sơ được xây dựng cẩn thận, “Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài Huế” cũng sẽ sớm được UNESCO công bố ghi danh”.
Trong hướng nhìn đó, Huế đang và còn cần làm tiếp những công việc để hồ sơ này hoàn thiện như: tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, hội thảo khoa học, số hóa các tư liệu liên quan, xây dựng hồ sơ về áo dài với tư cách là một di sản v.v. Đây cũng là sự kết nối di sản với bảo tồn khoa học. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng: Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài Huế được UNESCO sớm ghi danh sẽ góp phần quan trọng để Huế phát triển, giàu có, sang trọng bằng chính sở trường, thế mạnh văn hóa của mình.
Ngữ Thiên