Những năm gần đây, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục quan tâm khai thác tiềm năng du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân.
Ba Bể gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Ba Bể đã có hơn 100 nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm. Thông qua đó, huyện giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương, chợ đêm Pác Ngòi, đưa thêm các tiết mục dân ca, dân vũ đặc sắc của các xã, thị trấn vào biểu diễn. Hiện nay, tại các xã Nam Mẫu, Quảng Khê, Địa Linh có hơn 20 tổ, đội văn nghệ phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hát Then, đàn Tính của khách du lịch. Khi biểu diễn, các tổ, đội đều lựa chọn trang phục truyền thống của dân tộc.
Ngoài sở hữu Vườn Quốc gia Ba Bể với cảnh quan đẹp, hệ động, thực vật phong phú, huyện Ba Bể còn là nơi tụ hội, sinh sống của 7 dân tộc anh em, lưu giữ và bảo tồn được nhiều nét bản sắc văn hoá đặc sắc.
Bà Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương (xã Yến Dương) chia sẻ: Từ chủ trương và định hướng của huyện, hiện nay HTX đã và đang thực hiện sản xuất các sản phẩm là đồ lưu niệm để bán cho khách đến du lịch. Đó là sản phẩm thủ công của đồng bào các dân tộc nơi đây như nong, nia, giỏ, nơm, cốc… làm bằng tre, nứa, vầu có sẵn tại địa phương. Thành viên của hợp tác xã còn tự thêu thùa, làm những bộ quần áo, gối, chăn, màn, mũ… mang nét bản sắc văn hóa của người dân tộc Dao thôn Phiêng Phàng nói riêng và các dân tộc khác ở huyện Ba Bể. Sản phẩm của bà con làm ra đã bán đi nhiều nơi, được du khách ưa chuộng.
Khách du lịch đến thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương trải nghiệm mặc trang phục truyền thống của người dân tộc Dao và hòa mình cùng với các hoạt động lao động, sản xuất, sinh hoạt cùng đồng bào.
Theo ông Lưu Quốc Trung, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể: Thời gian qua, huyện định hướng, chỉ đạo phòng, ban chuyên môn phối hợp với các địa phương thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống; có biện pháp giữ gìn cảnh quan và lưu giữ các sản vật đặc sắc của từng địa phương, nhất là những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của ba dân tộc Tày, Dao, Mông. Thời gian tới, Ba Bể sẽ xây dựng thêm mô hình bản làng văn hóa truyền thống theo hướng du lịch cộng đồng tại các xã Nam Mẫu, Quảng Khê, Khang Ninh, Yến Dương… tạo thành điểm nhấn hấp dẫn để thu hút du khách đến với địa phương.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Ba Bể còn một số hạn chế như: Đời sống của một bộ phận Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; chưa có chính sách đủ mạnh để phát huy, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống như tiếng nói, chữ viết, trang phục, phong tục... nên đã có một số nét truyền thống dần bị mai một; việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng chưa có nhiều đổi mới về hình thức; nhiều giá trị văn hóa ở địa phương còn ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác thành các nghề truyền thống phục vụ du lịch cộng đồng...
Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện gắn với khai thác du lịch ở địa phương, huyện Ba Bể tiếp tục tăng cường công tác quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch; xây dựng hình ảnh du lịch Ba Bể thân thiện, phát huy bản sắc văn hoá riêng của từng khu vực. Xây dựng các bản làng khu vực mẫu để phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng làng nghề nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm. Lập Quy hoạch chi tiết di tích Quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể tích hợp các quy hoạch liên quan như vườn quốc gia, xây dựng, nông nghiệp, giao thông…/.
Đình Văn