10 năm trước, vùng rạn san hô Hòn Đỏ ở thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận bị tàn phá, ngư dân ở đây gần như mất đường sinh sống. Nay, họ có thể vừa làm giàu vừa phát triển tài nguyên biển.
Những năm 2000, khi phong trào làm non bộ nổi lên, người dân Mỹ Hiệp cùng… phá rạn san hô. San hô cứng bị đục bán cho những người chuyên làm non bộ, san hô mềm bị bẻ làm hàng mỹ nghệ.
Hải sản ở vùng rạn bị đánh bắt bằng thuốc nổ khiến cả một vùng sinh thái ở đây biến động, hải sản cạn kiệt.
Để cứu san hô, từ năm 2003, Sở Khoa học Công nghệ Ninh Thuận phối hợp với chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) thực hiện dự án "Mạng lưới hành động rạn san hô toàn cầu" mà rạn san hô Hòn Đỏ là một trong hai vùng rạn của tỉnh Ninh Thuận được chọn làm thí điểm.
Anh Trần Văn Nhân, tổ phó tổ bảo vệ vùng rạn san hô Hòn Đỏ cho biết, rạn san hô từ xơ xác nay đã được phục hồi chỉ sau 6 năm triển khai bảo vệ. Người dân Mỹ Hiệp bây giờ không ai đi khai thác san hô nữa mà trở thành những tuyên truyền viên tích cực giữ san hô. Tổ bảo vệ 6 người của anh Nhân hằng ngày thay nhau gác. Mỗi ca hai người, mặc mưa nắng, sóng lớn vẫn trực để báo hiệu không cho ghe tàu lạ neo đậu, khai thác thủy sản trong vùng rạn; ngăn chặn việc đánh bắt bằng chất nổ… Các anh còn phát hiện rùa biển đẻ trứng để khoanh vùng báo cho nhân viên Vườn quốc gia Núi Chúa. Nhờ vậy, hàng chục lượt rùa biển lên bờ đẻ đã được bảo vệ.
Rạn giúp dân làm giàu
Dự án hỗ trợ cho mỗi người 200.000 đồng một tháng, nhưng từng ấy không thấm với nỗi cực nhọc của tổ. Công việc dù hết sức vất vả vì ứng trực liên tục ngoài biển nhưng tổ bảo vệ làm bằng tinh thần tự nguyện, không đòi hỏi thù lao. "Cả 6 anh em đều là dân Mỹ Hiệp, làm nghề biển và cũng từng đi bẻ san hô bán, chỉ vì nghèo và không ý thức hết lợi ích mà rạn san hô mang lại. Giờ thì phải trả bình yên lại cho rạn san hô thôi. Mà bảo vệ san hô cũng là giữ chén cơm của gia đình, của cả thôn Mỹ Hiệp này", anh Nhân cho biết.
Từ khi bình yên được trả lại cho rạn san hô Hòn Đỏ, người dân vùng biển nghèo này cũng không phải tha phương vào Bình Thuận, Vũng Tàu làm nghề lặn thuê nữa.
"Thôn có 160 nóc nhà thì hầu hết đều là nhà xây kiên cố, tất cả đều nhờ rạn nuôi sống", ông Nguyễn Khắc Hòa, chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết. San hô không còn bị tàn phá, hải sản lại rủ nhau tìm về. Nhiều nhất là tôm hùm giống. Chỉ cần một vòng lặn quanh rạn, thợ lặn Mỹ Hiệp có thể bắt vài con tôm hùm con. Giá bán mỗi con tôm hùm là 70.000 - 100.000 đồng. Vùng rạn Hòn Đỏ mỗi mùa tôm mang lại cho Mỹ Hiệp trên 50.000 con tôm hùm giống, bán rất đắt hàng cho các lồng nuôi tôm hùm trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra còn có cá mú, cá hồng, cá chình, tôm, ốc… Mực thì cứ đến mùa, chèo thúng ra vớt không xuể. "Rạn được bảo vệ, thôn nghèo Mỹ Hiệp cũng đổi thay", ngư dân Phạm Hẩy khẳng định.
Theo tiến sĩ Lyon De Vantier, chuyên gia về hải dương học của Australia, các vùng rạn san hô thuộc vùng biển huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) có khoảng 330 loài san hô, trong đó có 307 loài san hô cứng tạo thành một vùng rạn nhiều màu sắc phong phú, độc đáo. Riêng vùng rạn san hô Hòn Đỏ thuộc xã Thanh Hải (Ninh Hải) dù chỉ rộng hơn 15 ha đã có 42 giống san hô thuộc 17 họ, tạo thành một môi trường cư trú cho 92 loài thủy sản quý hiếm.