Nhắc đến vườn măng cụt, nhiều người nghĩ ngay đến Lái Thiêu (Bình Dương) hay Cái Bè (Tiền Giang). Ít ai biết tại Long An cũng có vườn măng cụt gần 20ha trên 20 năm tuổi ở xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.
Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi về xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ gặp ông Võ Quan Huy (còn gọi Huy Long An hoặc Út Huy) - người được biết đến là "vua chuối" Long An, đã đưa thương hiệu chuối của Việt Nam đến với nhiều nước trên thế giới. Thay vì giới thiệu về việc đưa chuối tiếp cận thị trường Nhật, Hàn Quốc, ông Huy lại hào hứng "khoe" vườn măng cụt gần 20ha đang vào mùa thu hoạch.
Tham quan vườn, chúng tôi đắm chìm trong không gian mát mẻ của vườn măng cụt trĩu quả. Khó có thể hình dung được măng cụt lại "bén rễ" nơi vùng đất phèn này. Được biết, từ đầu mùa đến nay, vườn măng cụt thu hoạch trên 50 tấn, bán với giá dao động từ 35.000-70.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Ông Võ Quan Huy giới thiệu về vườn măng cụt trên 20 năm tuổi
Ông Huy với tay hái trái măng cụt chín, bẻ đôi mời khách rồi kể: “Tôi đặt tên vườn măng cụt này là "Vườn măng cụt của mẹ" bởi nó gắn bó ở mảnh đất Mỹ Bình trên 20 năm, khi tôi mới về đây khai hoang lập nghiệp. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, khó khăn, tôi vẫn quyết tâm giữ vườn. Măng cụt trồng ít nhất 10 năm mới cho trái, trồng càng lâu trái càng nhiều. Đây là loại cây rất nhạy cảm, thế nên có năm thời tiết không thuận lợi, vườn măng cụt cho trái ít, không đủ tiền trả chi phí nhân công. Có lúc, các thành viên trong gia đình bàn bạc với nhau chặt bỏ măng cụt, trồng các loại cây khác giá trị hơn nhưng tôi nhất quyết không đồng ý. Thất bại thì mình tìm nguyên nhân và khắc phục, nhờ đó mà mới có vườn măng cụt này”.
Công nhân thu hoạch măng cụt
Được biết, ông Huy không sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học can thiệp vào quá trình phát triển cây măng cụt mà chỉ dùng phân hữu cơ để giúp tăng tuổi thọ của cây, tạo ra sản phẩm chất lượng, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ông Huy cho biết: “Đặt tên là "Vườn măng cụt của mẹ" nên tôi chú trọng đầu tư về chất lượng sản phẩm. Dự định, thời gian tới, tôi sẽ phối hợp các ngành chức năng mở điểm du lịch trải nghiệm cho người dân vừa đến tham quan, tự tay hái, thưởng thức măng cụt tại vườn”.
Từ lâu, Huy Long An nổi tiếng với việc đưa chuối xuất khẩu sang các thị trường "khó tính" nhất, là người mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Còn giờ đây, nhiều người tiếp tục biết đến Huy Long An qua sự tâm huyết với "Vườn măng cụt của mẹ". Ông mong rằng, cây măng cụt vẫn tiếp tục vươn mình trên vùng rốn phèn và trở thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn với du khách./.
Kim Ngọc