Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Csaba Korosi, nhấn mạnh tầm quan trọng của du lịch bền vững tại một sự kiện diễn ra bên lề Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Liên hợp quốc (HLPF).
Làng du lịch Mari Mari ở Sabah, một mẫu hình du lịch nông thôn của Malaysia. Ảnh: UNWTO
Chất xúc tác cho sự phát triển
Theo ông Csaba Korosi, là một trong những ngành phát triển nhanh nhất, du lịch tạo ra 10% số việc làm trên toàn thế giới. Ở nhiều quốc gia nhỏ và các quốc đảo nhỏ đang phát triển, du lịch đóng góp gần 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chiếm tới 80% doanh thu từ xuất khẩu. Tuy nhiên, kéo theo đó là áp lực lên các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và gây tổn hại tới đa dạng sinh học. Đáng lưu ý là những hậu quả thảm khốc này thường ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cộng đồng dân cư bản địa, những người đã bảo tồn hầu hết các khu rừng, đồng cỏ và các môi trường khác của Trái đất trong nhiều thế kỷ qua.
Mức tiêu thụ năng lượng, đất đai và nước của ngành du lịch liên tục tăng lên, kéo theo đó là sự gia tăng đáng kể lượng khí thải carbon và chất thải… gây tổn hại tới đa dạng sinh học. Khi đó, du lịch bền vững không chỉ trở thành một xu hướng cần thiết trong ngành du lịch và lữ hành toàn cầu, mà còn là một điều tất yếu. Mới đây, tại cuộc họp với các Bộ trưởng Bộ Du lịch của nhóm 20 nền kinh tế lớn của thế giới (G20), Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã cùng với các nền kinh tế G20 xây dựng lộ trình đưa du lịch trở thành trụ cột chính của Chương trình nghị sự 2030 vì Sự phát triển bền vững.
Thúc đẩy cách tiếp cận tái tạo
Để đảm bảo du lịch bền vững, ông Csaba Korosi kêu gọi các quốc gia thúc đẩy cách tiếp cận tái tạo nhằm cân bằng lại mối quan hệ của du lịch với tự nhiên, hướng tới mục tiêu đảm bảo rằng du lịch tôn trọng truyền thống văn hóa của các quốc gia và cộng đồng sở tại, cũng như đảm bảo rằng các hoạt động của nó mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả các bên liên quan. Một trong những xu hướng nổi bật của du lịch bền vững chính là du lịch nông thôn.
Theo UNWTO, du lịch nông thôn là du lịch dựa vào cộng đồng, là cách để cộng đồng nông thôn trực tiếp sở hữu và quản lý ngành du lịch trong khu vực của họ. Ví dụ làng du lịch ở Puqueldón, Chile, trong đó cộng đồng điều hành 16 nhà nghỉ cho khách du lịch và giúp du khách trải nghiệm những sản vật truyền thống địa phương. Hay như ở Rwanda, nơi đã được quốc tế công nhận về nỗ lực phát triển du lịch bền vững. Quốc gia này không chỉ mở rộng các khu bảo tồn mà còn khuyến khích cộng đồng gần các khu bảo tồn tham gia và coi trọng việc bảo tồn đa dạng sinh học phong phú, trong đó có quần thể khỉ đột nổi tiếng. Du lịch ở các vùng nông thôn cũng có thể hỗ trợ sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng. Các cộng đồng có thể sử dụng tiền do du lịch tạo ra để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Theo các chuyên gia, lấy cộng đồng làm trung tâm, du lịch nông thôn không chỉ là liều thuốc giải độc cho du lịch quá tải sau đại dịch Covid-19 mà đó còn là cách thúc đẩy du lịch bền vững, giúp hòa nhập, dựa vào cộng đồng ở mức tốt nhất.
Hạnh Chi tổng hợp