Để du lịch Hà Nội bứt phá

Cập nhật: 24/07/2023
Từ năm 2017 đến nay, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội được triển khai tích cực. Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, nhưng sau quá trình khắc phục, du lịch Hà Nội có sự phục hồi nhanh; thị trường được mở rộng, lượng du khách không ngừng tăng.

Du khách tham quan phố cổ Hà Nội bằng xe điện. Ảnh: Quang Thái

Giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội mới đây cho thấy, bên cạnh những điểm sáng trên, ngành Du lịch thành phố cần có thêm các giải pháp để tiếp tục phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.

Còn hạn chế nhất định

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển du lịch Thủ đô. 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch tăng 42%; trong đó, khách quốc tế tăng 7 lần so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách vận chuyển tăng 25,1%.

Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Quang Thắng cho biết, thông qua đợt giám sát của Ban (tháng 6-2023) cho thấy, lĩnh vực du lịch vẫn có một số hạn chế nhất định. Chúng ta chưa có chính sách đặc thù trong lĩnh vực du lịch để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn xã hội, nhà đầu tư lớn. Tiến độ một số nội dung quy hoạch, đề án, dự án phát triển du lịch còn chậm, như: Dự án Công viên Hoàng thành Thăng Long; Dự án quy hoạch làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc...

Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch còn hạn chế, một số dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai như: Khu vui chơi giải trí cuối tuần đền Sóc, Khu du lịch hồ Đồng Quan, Khu sinh thái Thung Lũng Xanh (huyện Sóc Sơn); Dự án xây dựng sân golf, resort và khu vui chơi giải trí cao cấp hồ Cẩm Quỳ, Khu du lịch núi Ba Vì - hồ Suối Hai (Ba Vì)…

Bên cạnh đó, thực tế ở các địa phương chưa có sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo, có sức hấp dẫn, cạnh tranh cao. Các sản phẩm du lịch vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác thứ có sẵn, chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô. Đáng lưu ý, hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch chưa chuyên nghiệp, thiếu sự phối hợp chặt chẽ để tạo thành chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh giữa các vùng, các địa phương, chưa kết nối được với các làng nghề...

Trong các nguyên nhân, thì thực trạng cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn lực cho phát triển du lịch còn thấp; chưa xây dựng được cơ chế, chính sách để thu hút, khuyến khích mạnh mẽ nguồn vốn xã hội hóa và các nhà đầu tư có tiềm lực vào phát triển du lịch đã được Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố quan tâm, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp cần thực hiện thời gian tới.

Du khách tham quan “Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt” tại làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Phương Ngân

Rà soát, đề xuất chính sách đặc thù

Thực tế, Hà Nội đang rất nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/06/2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 12/2012/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Dù vậy, theo thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố, để thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô, bên cạnh rà soát tổng thể quy hoạch phát triển du lịch để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; thành phố cần rà soát, tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn xã hội, các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực du lịch. Trong đó, cần tập trung kêu gọi đầu tư các khu du lịch, khu vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm thương mại hiện đại, hệ thống khách sạn có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Đại biểu chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Hương cho rằng, nguồn lực để đầu tư, nâng cấp chất lượng hệ thống hạ tầng du lịch, hạ tầng đô thị, hệ thống bãi đỗ xe, hỗ trợ hoạt động du lịch, bảo đảm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch là rất cần thiết hiện nay. Do đó, nếu Hà Nội có cơ chế, chính sách đặc thù sẽ có thêm nguồn lực bố trí vốn đầu tư cho chương trình đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và chương trình tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các di sản, di tích lịch sử văn hóa; đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa... Đặc biệt, khi có chính sách đặc thù, sẽ tạo điều kiện xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch; chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; đồng thời tiếp tục số hóa các điểm đến du lịch, tiến tới phát triển nền tảng số “Quản trị và kinh doanh du lịch” trên địa bàn Thủ đô.

Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình, sau đợt giám sát, Ban đã đề nghị với UBND thành phố 7 giải pháp. Trong đó, ngoài đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù đối với lĩnh vực này, Ban còn đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án: Bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây).

Đối với Sở Du lịch, Ban đề nghị ngành rà soát các nhiệm vụ, giải pháp trên cơ sở cập nhật những xu hướng mới, quá trình chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển khu, điểm du lịch có chất lượng cao; đẩy mạnh các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, gắn với các di tích, di sản của Thăng Long - Hà Nội, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.

Việt Tuấn

Nguồn: Báo Hà Nội Mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 24/07/2023