Phú Yên: Gắn sản phẩm OCOP với làng nghề truyền thống

Cập nhật: 26/07/2023
Thực hiện “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã và đang triển khai có hiệu quả việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Đồng thời, tỉnh xây dựng, hình thành nhiều sản phẩm trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần nâng thu nhập bình quân của người lao động tại các vùng nông thôn…

Sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân tộc Ba Na buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) vừa diễn ra Hội chợ triển lãm Công nghiệp-Thương mại Phú Yên năm 2023. Có 90 doanh nghiệp đăng ký tham gia trưng bày hơn 200 gian hàng tiêu chuẩn, trong đó có 44 doanh nghiệp của Phú Yên với 36 gian hàng.

Điều đáng mừng là ngoài các sản phẩm gia dụng, hàng mộc, thủ công mỹ nghệ, may mặc, giày dép, giống cây trồng, thực phẩm chế biến…, hội chợ có sản phẩm OCOP của các làng nghề trong khu vực (gồm các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận…).

Phát triển mạnh chương trình OCOP

Đây là lần đầu tiên Ban tổ chức hội chợ bố trí, trưng bày nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các hộ sản xuất thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Phú Yên.

Trong 44 doanh nghiệp của tỉnh có bảy doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh và Sơn Hòa. Các cơ sở này đã trưng bày, giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm, hạt mắc-ca, trà dung, gạo đỏ… và 28 đơn vị có sản phẩm OCOP 3, 4 sao khác trong tỉnh như rượu chuối hột, bột ngũ cốc, hạt sen, sản phẩm mây, tre, cói, dầu phộng, mắm thơm…

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, những năm qua, các nghề, làng nghề luôn được tỉnh quan tâm, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh ngành nghề nông thôn phát triển đạt sản phẩm OCOP.

Đến nay, tỉnh đã có 118 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó có chín sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, còn lại là 3 sao… Hầu hết các sản phẩm truyền thống đặc trưng đã khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho các đơn vị, hộ sản xuất, kinh doanh.

Bà Lù Minh Uyển, cán bộ Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), cho biết, năm nay, ngoài vải thổ cẩm, trang phục của người đồng bào dân tộc Ba Na, chị em trong Tổ dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh) còn làm thêm ví, túi thơm, khăn choàng… với nhiều mẫu mã để tham gia hội chợ.

Chúng tôi luôn tìm tòi, học hỏi, nhờ kết nối để giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương miền núi đến với người dân, du khách và tìm nguồn tiêu thụ ổn định; tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em…

Bà Lù Minh Uyển

Còn bà Phạm Thị Bích Thủy, chủ cơ sở chế biến các sản phẩm từ hạt sen ở phường Hòa Xuân Tây, thị xã Đông Hòa, Phú Yên chia sẻ: “Sản phẩm hạt sen của chúng tôi được xếp hạng 3 sao, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hơn hai tấn sản phẩm. Để có được lượng tiêu thụ ổn định, chúng tôi đã tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi tiếp tục học tập kinh nghiệm, cách thiết kế nhãn mác, đóng gói của các cơ sở khác, từ đó hoàn thiện sản phẩm của mình”.

Khôi phục, bảo tồn nghề truyền thống

Theo số liệu của ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh Phú Yên có 16.050 cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn ở 17 làng nghề truyền thống. Một số nghề bị mai một và dần thất truyền; một số nghề, làng nghề có từ lâu đời, gắn với đặc trưng từng địa phương.

Tuy nhiên, hình thức và quy mô sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, các xưởng sản xuất nằm xen kẽ với khu dân cư, sử dụng diện tích đất ở làm nơi sản xuất, mặt bằng chật hẹp, không có khả năng mở rộng. Hệ thống hạ tầng làng nghề còn hạn chế, chưa được đầu tư đồng bộ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, Lê Tấn Hổ cho biết: Để tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP truyền thống đặc trưng của địa phương, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt đề án khôi phục phát triển một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du nhập phát triển một số nghề mới gắn với phát triển du lịch.

Theo đề án, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh nỗ lực khôi phục, bảo tồn 10 làng nghề có nguy cơ mai một; ít nhất 10 sản phẩm làng nghề tham gia chương trình OCOP và được gắn sao, đồng thời xây dựng thương hiệu năm làng nghề.

Các làng nghề cần khôi phục và bảo tồn là Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), Làng dệt thổ cẩm thôn Xây Dựng, xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa), Làng dệt thổ cẩm buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), Làng dệt thổ cẩm buôn Bá, xã Ea Bá (huyện Sông Hinh), Làng nghề làm rượu cần từ men lá rừng của đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê (huyện Sông Hinh), rượu cần Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân)… và các làng nghề từ sản phẩm mây tre, gồm làng nghề đan đát Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), làng nghề đan thúng chai An Dân (huyện Tuy An), làng nghề mây tre đan Phước Nông, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa), làng nghề đan đát Vinh Ba, xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa)...

Tại xã Xuân Phước, huyện miền núi Đồng Xuân, chương trình OCOP đã khôi phục được nghề làm dầu phộng (từ hạt đậu phộng) tưởng như đã mai một. Ông Nguyễn Nhàn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phước cho biết, từ chương trình OCOP của tỉnh, địa phương đã chỉ đạo hợp tác xã đầu tư kinh phí mua thiết bị máy móc, chế biến sản xuất dầu phộng đóng chai; thiết kế mẫu mã, tạo thương hiệu và sản phẩm này được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh và được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Phạm Trung Chánh, sau khi địa phương xây dựng được thương hiệu dầu phộng OCOP, người dân đã chuyển diện tích trồng lúa bấp bênh sang trồng đậu phộng, chế biến dầu ăn thu lãi nhiều hơn trồng lúa. Huyện cũng chỉ đạo mở rộng vùng nguyên liệu đậu phộng đến một số xã khác, như Xuân Quang 3, Xuân Quang 2, Xuân Sơn Bắc để tăng thu nhập cho người dân.

Tại các địa phương khác, sản phẩm sau khi đạt chất lượng OCOP không ngừng được cải tiến mẫu mã, chất lượng nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Điển hình là sản phẩm nước mắm truyền thống ở Gành Đỏ (phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu) - làng nghề có từ hàng trăm năm nay. Tại đây, hơn 70 hộ chuyên làm nghề mắm, mỗi năm đưa ra thị trường hơn hai triệu lít. Trong đó có các sản phẩm nước mắm nhỉ Bà Mười, nước mắm Tân Lập được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Cùng với nước mắm Gành Đỏ, thị xã Sông Cầu còn có rượu Quán Đế (xã Xuân Bình) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Trọng Tùng cho biết, giải pháp nâng tầm sản phẩm OCOP trong làng nghề truyền thống mà ngành nông nghiệp tỉnh đưa ra hiện nay là hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì sản phẩm. Địa phương sẽ tiếp tục thực hiện các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp, nâng tầm chất lượng sản phẩm lên 4 sao, 5 sao.

Thông qua chương trình OCOP, các địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch, đề án, dự án phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống, nâng cao chất lượng sản phẩm; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn và đầu tư xử lý môi trường làng nghề để bảo đảm phát triển bền vững...

Bài và ảnh: Trình Kế

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 26/07/2023