Ven biển Quảng Trị có những mũi đá nhô ra biển vài trăm mét. Nổi tiếng nhất trong số đó là Mũi Trèo, Mũi Si và Mũi Lay. Đây là điểm đến của rất nhiều “phượt thủ” và người dân địa phương. Khu vực này cần được đầu tư để phát triển du lịch sinh thái kết hợp biển đảo.
Đoàn khảo sát của UBND tỉnh tại Mũi Trèo vào năm 2018 - Ảnh: Nguyễn Phúc
1. “Lẫy lừng” nhất có lẽ là Mũi Trèo (trước thuộc xã Vĩnh Kim, nay thuộc xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh). Mũi Trèo khá cao so với mực nước biển, từ trên mũi nhìn xuống mới cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ của tạo hóa.
Mũi Trèo vốn thân quen với các “phượt thủ” thích du lịch dã ngoại. Vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, khu vực Mũi Trèo luôn trong tình trạng quá tải du khách, chủ yếu là các bạn trẻ. Tháng 5/2018, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính đã dẫn đầu đoàn công tác đi khảo sát điểm du lịch hoang sơ này.
Để đến với mũi Trèo, đoàn khảo sát phải đi bộ xuyên qua Rú Bàu (một khu rừng rậm rạp chủ yếu là cây gõ và chõi lá đỏ…). Toàn bộ diện tích Rú Bàu lên tới hơn 7 ha, với độ đa dạng sinh học rất cao, khi bước vào rú sẽ rất mát mẻ. Đi hết Rú Bàu sẽ ra tới Mũi Trèo, là một mũi đất có hình thù đặc biệt khi vươn ra biển, rất cheo leo, cách mặt biển vài chục mét. Đây là địa điểm mà nhiều người lựa chọn để ghi lại những tấm ảnh để đời… và cảm nhận được sự mênh mông của biển trời.
Ngay phía dưới Mũi Trèo là 1 bờ biển hoang sơ với rất nhiều phiến đá lớn xếp chồng lên nhau như một sự sắp đặt có dụng ý của tạo hóa. Và với những đặc điểm như trên, khu vực Mũi Trèo được “dân phượt” cho là điểm cắm trại cực kỳ lý tưởng…
Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Đức Chính cho rằng khu vực Mũi Trèo và Rú Bàu đang rất hoang sơ nhưng có tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch dã ngoại. Ông đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngồi lại với chính quyền địa phương để tìm hướng phát triển cho điểm du lịch này, trước mắt sẽ cho khảo sát 1 tuyến đường ngắn nhất từ Cửa Tùng ra mũi Trèo để kích cầu khách du lịch, để nhiều người biết đến Mũi Trèo hơn….
2. Không xa Mũi Trèo là Mũi Lay. Đây cũng một mũi đá lấn ra biển khoảng 500 m thuộc thôn Vịnh Mốc (xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh) cách biển Cửa Tùng khoảng 7 km về phía Bắc.
Mũi Lay được người dân trong vùng và người đi biển biết tới vì có ngọn hải đăng Mũi Lay khá cao nằm trên đất liền (cao gần 40 m, được đưa vào hoạt động từ năm 1976). Người đi biển trong vùng lấy hải đăng Mũi Lay để định hướng cho chuyến đi biển của mình, đặc biệt trong những ngày sương mù và giông tố. Hải đăng là một địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng bao quát cả một vùng biển rộng lớn, tận hưởng gió biển, dõi theo những cánh chim hải âu hay ngắm nhìn những con tàu ngoài khơi xa.
Vẻ đẹp thơ mộng của Mũi Lay - Ảnh: IPA Quảng Trị
Trong khi đó, với du khách thập phương và các “phượt thủ”, Mũi Lay trở thành một trong những nơi check-in, cắm trại yêu thích. Nơi đây, biển êm, sóng vỗ nhẹ nhàng, dòng nước trong xanh, bãi cát thoải và trải dài, vô cùng sạch sẽ. Đặc biệt gần bãi tắm này còn có một giếng nước cổ với dòng nước trong vắt mà bạn có thể sử dụng thoải mái sau khi vừa tắm biển lên.
“Du lịch đâu cứ phải vào những nơi sang trọng. Đến với Mũi Lay, chỉ cần 1 chiếc lều và một số đồ dùng dã ngoại, gia đình tôi vẫn có những trải nghiệm khó quên với nắng vàng, biển xanh đó thôi”, bạn Ngô Trường Giang, trú tại TP. Đông Hà, phấn khích khi nói về Mũi Lay.
3. Mũi Si (thuộc xã Kim Thạch) cũng không hề kém cạnh. Bởi nơi đây là dải đất bằng phẳng khá rộng nhô ra biển, tọa lạc đoạn giữa cung đường chạy ven biển từ “nữ hoàng bãi tắm” Cửa Tùng ra địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh). Đặc biệt, ngoài những rặng phi lao cao vút trên dải đất hình tam giác nhô ra cao hơn mặt biển chừng 30 m, dưới chân Mũi Si là bãi biển hoang sơ cùng bãi đá tuyệt đẹp… Mũi Si đang trở thành địa chỉ được nhiều gia đình, du khách chọn là điểm trốn nắng trong những ngày hè như đổ lửa này ở Quảng Trị.
Ngay bên bãi biển hoang sơ, chân núi Mũi Si như được tạo hóa tạc dựng những tác phẩm điêu khắc hiếm có. Những mỏm đá nối đuôi nhau với những hàng rêu xanh ngát sau một mùa đông dài không nhiều người đến đây. Tất cả còn mang chút gì đó vô cùng hoang sơ và đậm màu của biển.
Cũng tại dải đất ba dan nhô ra biển tuyệt đẹp này, du khách còn ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng địa đạo Mũi Si dài khoảng 200 m, gồm 3 cửa ra vào và 1 cửa thông hơi hướng ra biển. Đây cũng là một trong những địa đạo độc đáo nằm trong hệ thống địa đạo Vịnh Mốc và làng hầm Vĩnh Linh.
4.Nhận thấy những tiềm năng du lịch của các mũi đá nhô ra biển, nhiều năm qua, huyện Vĩnh Linh đã tìm cách phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn với những lộ trình từng bước. Tuy nhiên, hiện các “mũi” vẫn chưa được khai thác đúng với tiềm năng, lợi thế do cơ sở hạ tầng ít, dịch vụ du lịch còn nghèo và nhân lực hoạt động còn thiếu. Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện huyện Vĩnh Linh đang tập trung nâng cấp đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy tối đa sự tham gia của người dân, cộng đồng và các thành phần kinh doanh du lịch Đặc biệt là các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng quản lý, khai thác và hưởng lợi dưới sự hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp. Và các “mũi” sẽ được phát triển theo hướng này.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, trong khi quanh khu vực các “mũi” chưa xây dựng được những khu du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ thì vẫn có thể phát triển du lịch cộng đồng. “Với sự tham gia của người dân địa phương, ở những khu vực này hoàn toàn có thể phát triển được du lịch sinh thái kết hợp du lịch biển đảo. Với địa hình một bên là biển, một bên là rừng, dưới chân là vùng đất đỏ bazan, đây sẽ là điểm đến khác lạ để làm những khu cắm trại, ngủ lều… Mặt khác, tỉnh cũng đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư lớn, đánh thức những khu vực này trong tương lai”, ông Tân cho hay.
Thành Lộc