Khám phá vẻ đẹp tuyệt vời miền đất Mũi Cà Mau

Cập nhật: 27/07/2023
Cà Mau - vùng đất thiêng nơi cuối trời Tổ quốc ngày nay đã trở thành điểm đến yêu thích, lý tưởng của nhiều du khách, bởi nơi đây hội tụ vẻ đẹp vừa nên thơ, trữ tình, vừa bao la, hùng vĩ. Quả không ngoa khi nói rằng, tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, giàu tiềm năng phát triển với rừng và biển mà không nơi nào có được. Người dân Cà Mau thì hào sảng, mến khách, thân thiện... Các món ăn ở đây đậm đà văn hóa dân gian Nam Bộ, mộc mạc, bình dị, mà đong đầy tình người Đất Mũi.

Du khách thích thú khi tham quan biểu tượng con thuyền Đất Mũi, thuộc Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh: Thủy Lê

Nhiều thế mạnh ở vùng đất Chín Rồng

Cà Mau là chặng cuối trong hành trình khẩn hoang, mở cõi, xây dựng chủ quyền đất nước của các bậc tiền nhân. Theo thống kê, Cà Mau hiện có 12 di tích quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh; hơn 40 di sản văn hóa phi vật thể được ghi nhận, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới là nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và 2 di sản văn hóa quốc gia là nghề gác kèo ong truyền thống, nghề muối ba khía truyền thống.

Bên cạnh đó là hệ thống đình, chùa, miếu mạo, các địa điểm tâm linh lưu dấu quá trình hình thành, phát triển của Cà Mau qua các thời kỳ lịch sử trải đều khắp các địa phương. Trong đó, nổi bật như Di tích lịch sử bến Vàm Lũng - điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên biển; Di tích lịch sử hòn Đá Bạc - Trung tâm Kế hoạch phản gián CM12; Di tích lịch sử và thắng cảnh đảo Hòn Khoai với cuộc khởi nghĩa của người thầy giáo Phan Ngọc Hiển...

Cà Mau có Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia U Minh Hạ là hai điểm du lịch sinh thái nổi tiếng. Hai vườn quốc gia này đã được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển thế giới. Năm 2013, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận là khu Ramsar của thế giới. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất cả nước, tiếp giáp với Biển Đông và Biển Tây. Nơi đây có số lượng động, thực vật sinh sống rất phong phú, đa dạng với khoảng 27/32 loài cây ngập mặn đã được phát hiện ở Việt Nam, khoảng 26 loài thú, 93 loài chim, 43 loài động vật bò sát, 139 loài cá, 9 loài lưỡng cư và nhiều loài quý hiếm khác... Trong đó, có 2 loài nằm trong Sách đỏ thế giới là khỉ đuôi dài, voọc bạc và 4 loài có trong Sách đỏ Việt Nam.

Cà Mau có nhiều địa danh nổi tiếng, trong đó, không thể không kể đến Mũi Cà Mau, nằm ở xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100km. Đây là mảnh đất nhô ra phía Biển Đông ở cực Nam của Tổ quốc, mang một ý nghĩa linh thiêng. Khi đến nơi này, du khách sẽ bị thu hút bởi vị trí đặc thù, nơi vừa có thể ngắm mặt trời mọc ở Biển Đông, vừa xem mặt trời lặn ở hướng Tây tại cùng một địa điểm trên đất liền. Ngoài ra, khi đến với Đất Mũi, du khách còn được tham quan cột mốc tọa độ quốc gia, biểu tượng tiểu cảnh pa nô hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió, con tàu của đất nước luôn hướng ra biển khơi. Chạm tay vào mốc tọa độ và chụp hình bên biểu tượng Mũi Cà Mau, mỗi người sẽ càng cảm thấy tự hào khi đứng trên địa danh cuối cùng của Tổ quốc. Du khách đến Đất Mũi còn có thể trải nghiệm đi cầu khỉ xuyên rừng để khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn.

“Đặc sản” du lịch

Cà Mau nằm ở cực Nam Tổ quốc, là một trong những tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi vì vừa có rừng, vừa có biển, phong cảnh hoang sơ, trữ tình, cùng với đời sống người dân mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền Tây sông nước, nên Cà Mau là điểm đến hấp dẫn của rất nhiều du khách. Đồng thời, Cà Mau cũng nằm trong Hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình Hợp tác phát triển Tiểu vùng Mekong mở rộng nên có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế du lịch với các nước Đông Nam Á.

Nét sinh hoạt, nếp ăn, nếp ở của người dân vùng sông nước Nam Bộ đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Ảnh: Thủy Lê

Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau có lợi thế lớn khi nằm liền kề với thành phố du lịch biển nổi tiếng Phú Quốc và gần với thành phố Cần Thơ (trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Tại đây, còn có 4 sân bay (Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá), trong đó có 2 sân bay quốc tế nên cũng rất thuận tiện trong việc kết nối các tour du lịch quốc tế từ Phú Quốc, Cần Thơ đến với Cà Mau.

Nhìn lên tấm bản đồ tỉnh Cà Mau, với những tiềm năng dồi dào, sẵn có về du lịch như vậy cũng đủ thấy, nơi đây có lực hút mạnh mẽ đối với các “tín đồ” du lịch như thế nào. Đến với Cà Mau, du khách được trải nghiệm những tài nguyên du lịch văn hóa qua chính cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Du khách có thể đi lại bằng thuyền máy, len lỏi giữa những cánh rừng ngập mặn để ngắm hệ sinh thái tuyệt vời, tham quan mô hình làng rừng thời chiến được gìn giữ một cách cẩn thận để hiểu thêm về đời sống của quân và dân miền Tây Nam Bộ thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hay tham gia hoạt động du lịch homestay để thấy được nét văn hóa đặc sắc của cư dân tại các điểm đến.

Du khách có thể cùng với người dân vá lưới, kéo chài, câu mực, đục hàu, chụp đìa, tát mương, xổ vuông gác kèo và ăn ong..., chế biến những món ăn mang hương vị của địa phương và ngủ lại qua đêm ở những căn nhà lá đơn sơ đậm nét dân dã của người miền Tây. Các làng nghề truyền thống như dệt chiếu Tân Thành, làm tôm khô Rạch Gốc; hầm than đước ở huyện Ngọc Hiển; nghề làm mắm ba khía Rạch Gốc; nghề làm đũa đước ở Năm Căn; dưa bồn bồn ở Cái Nước... đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Cà Mau.

Ấn tượng thật sâu sắc khi đến với Cà Mau mà du khách khó có thể nào quên được, đó là ẩm thực ở nơi đây vô cùng đặc sắc với muôn vàn các loài thủy, hải sản được chế biến thành những món ăn đặc trưng của xứ biển. Vùng đất mặn mòi, con người bình dị, thân thương và mến khách kết hợp hài hòa, tạo thành những sản phẩm du lịch văn hóa vô cùng đặc sắc, hấp dẫn, khiến cho khách du lịch đã đến một lần là không thể nào quên.

Cà Mau vừa ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch nhằm định hướng và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh, đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch, phấn đấu từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tin tưởng rằng, với hướng đi đúng, thời gian tới, Cà Mau sẽ tập trung phát triển kinh tế du lịch một cách bền vững, đồng thời, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên của tài nguyên du lịch, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của tỉnh trong xu thế phát triển chung của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủy Lê

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.vn - Đăng ngày 25/07/2023