Với việc mở rộng địa chính Thủ đô, Hà Nội ôm trọn hai vùng văn hóa lớn: văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài. Ngoài hai dòng chủ lưu ấy, còn có một phần văn hóa Kinh Bắc, văn hóa Sơn Nam Thượng. Đó là một kho tàng văn hóa khổng lồ, từ hệ thống di tích cho tới các loại hình diễn xướng dân gian, lễ hội, phong tục tập quán...
Vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" thể hiện trọn vẹn nét đẹp văn hóa xứ Đoài.
Sự giàu có của văn hóa Thăng Long-Hà Nội hôm nay đang trở thành nguồn tài nguyên quý báu để phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô.
Hà Nội vốn là nơi “tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời” như lời Lý Thái Tổ trong Chiếu dời đô. Hà Nội “cũ” là Thủ đô di sản.
Ngoài những công trình tầm cỡ như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, còn hàng loạt kiến trúc Phật giáo, kiến trúc dân gian, kiến trúc Pháp thể hiện rõ ở các công trình đền, chùa, miếu, phủ và các công trình nằm rải rác tại các quận, huyện trong thành phố, tập trung nhất ở quận Hoàn Kiếm với hơn 100 di tích.
Về di sản phi vật thể, phải kể đến lễ hội “tứ trấn” Thăng Long là đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Trấn Vũ, đền Kim Liên; hội làng Phù Đổng (Gia Lâm), hội đền Sóc (Sóc Sơn) thờ Thánh Gióng, hội Chử Đồng Tử (Gia Lâm), hội Phù làng Tây Hồ thờ bà chúa Liễu với tục hát chầu văn, hội đấu thần-Hội chùa Láng (quận Đống Đa)...
Việc mở rộng Hà Nội 15 năm trước không đơn thuần là sự mở rộng về địa giới hành chính mà còn là sự mở rộng về không gian văn hóa. Trong đó, hai dòng chảy chủ lưu là Thăng Long và xứ Đoài. Xứ Đoài vốn là miền đất cổ.
Sự giàu có về văn hóa khiến dân gian có nhiều cách gọi khác nhau về xứ Đoài. Đó là miền huyền sử với những câu chuyện về Tản Viên Sơn Thánh, người đứng đầu trong Tứ bất tử. Đó là miền di sản với vô vàn di tích, trong đó nhiều di tích trở thành Di tích quốc gia đặc biệt như: Đền Hai Bà Trưng, chùa Thầy, chùa Tây Phương, đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình Đại Phùng... Nơi đây còn là đất trăm nghề, với những làng nghề nối tiếp nhau.
Ngoài ra, xứ Đoài còn là quê hương của nhiều làn điệu dân ca độc đáo như hát dô ở Quốc Oai, trống quân ở Thường Tín, hát chèo Tàu ở Đan Phượng, rối nước Chàng Sơn, Bình Phú,...
Bên cạnh đó, xứ Đoài còn là quê hương của nhiều vị anh hùng dân tộc như: Phùng Hưng, Ngô Quyền, Giang Văn Minh, Phùng Khắc Khoan..., hay những tên tuổi văn chương thời cận hiện đại như Tản Đà, Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi...
Do sự giao thoa mạnh mẽ giữa văn hóa Thăng Long và xứ Đoài cho nên khi mở rộng sáp nhập Hà Tây về Hà Nội, đã không xảy ra sự “xung đột” văn hóa. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội được làm giàu thêm. Không chỉ giữ gìn, bảo vệ bản sắc di sản, mà thành phố còn đang biến di sản trở thành nguồn lực phát triển.
Trong đó, nhiều di sản của xứ Đoài được khai thác phục vụ cho du lịch, nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đang phát huy vai trò như một nguồn lực của công nghiệp văn hóa, là chất liệu để tạo nên thành phố sáng tạo hôm nay.
Vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” với mạch nguồn là văn hóa xứ Đoài, cụ thể hơn, văn hóa vùng núi Thầy (huyện Quốc Oai) có thể coi là một thí dụ điển hình về việc sáng tạo, mang đến cho nghệ thuật dân gian những giá trị mới.
Nền tảng văn hóa truyền thống như múa rối nước, quan họ, chầu văn... được cộng hưởng với quy mô sân khấu hoành tráng, kỹ xảo hiện đại cùng số lượng diễn viên đông đảo đã tạo nên một vở diễn thực cảnh xứng tầm tinh hoa. Điều đặc biệt hơn, diễn viên chính những người nghệ sĩ - nông dân, chủ nhân của vùng văn hóa ấy.
Bên cạnh đó, nhiều loại hình diễn xướng khác, nhiều làng nghề được đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị ở các mức độ khác nhau.
Đối với di sản văn hóa vật thể, hôm nay, những di tích như: đền Và, Văn Miếu Sơn Tây, chùa Thầy, đền thờ Hai Bà Trưng, chùa Tây Phương... đều được khai thác để phát triển du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn.
Trong số đó phải kể đến hoạt động của phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Đưa vào khai thác từ tháng 4/2022, đây thật sự trở thành điểm nhấn trong khai thác, phát huy nguồn lực di sản vào phát triển. Trung bình mỗi dịp cuối tuần, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây thu hút khoảng 10.000 lượt khách du lịch.
Sự hợp lưu của những dòng văn hóa lớn tiếp tục được Hà Nội khai thác, phát huy trong thời gian tới. Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, Hà Nội sẽ ưu tiên nguồn lực di sản văn hóa để phát triển du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, diễn xướng dân gian...; đưa công nghiệp văn hóa dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Và điều này càng khẳng định việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô 15 năm về trước là hướng đi đúng đắn, tạo cơ hội mới cho sự phát triển.
Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, vùng đất này đã được chọn để trở thành một trong bốn phiên trấn bảo vệ kinh đô.
Từ đó, mọi mặt về chính trị, kinh tế và văn hóa đều có quan hệ mật thiết với Thăng Long-Hà Nội. Từng tấc đất, mảnh làng nơi đây đều dày đặc những di sản văn hóa. Trong đó, Sơn Tây được coi là trung tâm tiếp nhận và lan tỏa văn hóa xứ Đoài.
Tiến sĩ Nguyễn Phượng Anh (Học viện An ninh)
|
DÃ LIÊN