Trong những năm gần đây, loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh và thu hút được sự quan tâm của khách du lịch. Nắm bắt xu hướng này, nhiều hộ gia đình, cá nhân tham gia vào phân đoạn kinh doanh lưu trú với mô hình dịch vụ du lịch homestay (lưu trú tại nhà).
Homestay thường được hiểu là loại hình dịch vụ du lịch phát triển ở khu vực nông thôn, khách du lịch cùng ăn, ở, sinh hoạt tại nhà dân, nhằm trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa truyền thống của địa phương.
Với những lợi thế về thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa truyền thống đồng bào các DTTS đa dạng, độc đáo, những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực khai thác và phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm gắn với homestay. Tuy mới hình thành trong thời gian ngắn, nhưng bước đầu loại hình du lịch này cho thấy sức hấp dẫn đối với du khách và các dịch vụ homestay ngày càng được nhiều cá nhân quan tâm, đầu tư, nhất là ở thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông.
Nắm bắt được nhu cầu của du khách, nhiều hộ dân đã đầu tư xây dựng các homestay. Ảnh: T.H
Thực tế, có nhiều cơ sở homestay hoạt động khá hiệu quả như Homestay A Biu (thôn Plei Kléch, xã Ngọc Bay), Homestay A Kâm, Homestay Y Lệ (làng Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa) tại thành phố Kon Tum…Tại các điểm du lịch này, du khách không chỉ tham quan, tìm hiểu những phong tục tập quán của đồng bào các DTTS mà còn được tham gia vào các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, thưởng thức các món đặc sản, hòa mình vào các sinh hoạt văn hóa cộng đồng như thưởng thức văn hóa cồng chiêng, hòa điệu xoang với đồng bào DTTS tại chỗ...
Việc gia tăng các cơ sở homestay đã góp phần giảm tải cho các khách sạn trong những đợt cao điểm tổ chức các lễ hội, đăng cai tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cấp khu vực và quốc gia... khi có nhiều khách du lịch đến địa phương. Đồng thời, việc phát triển các cơ sở homestay đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khách du lịch có nhu cầu lưu trú tại nhà dân theo phân khúc thị trường.
Đặc biệt, phát triển du lịch cộng đồng gắn với dịch vụ du lịch homestay đã góp phần tạo ra hướng mở về khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng. Đồng thời, giúp người dân địa phương nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS tại chỗ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, dịch vụ lưu trú du lịch homestay vẫn còn những hạn chế nhất định. Đa số các homestay hình thành tự phát, thiếu định hướng dẫn đến nhiều homestay hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng kỳ vọng.
Các homestay cung cấp nhiều dịch vụ để du khách được trải nghiệm, tìm hiểu. Ảnh: TH
Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ quan là do người kinh doanh chưa nắm bắt được nhu cầu của thị trường, xây dựng homestay ở những vị trí không thuận lợi, các dịch vụ du lịch để giữ chân du khách còn nghèo nàn, chưa có sự liên kết với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh, chưa quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho cơ sở của mình, phong cách phục vụ chưa chuyên nghiệp,... nên không thu hút được khách du lịch.
Song về khách quan, những năm qua, ngành du lịch gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho hoạt động kinh doanh của các homestay kém hiệu quả, thậm chí là thua lỗ, nhiều nhà đầu tư phải bán vội để thu hồi vốn. Bên cạnh đó, hiện tại, một số quy định của pháp luật về đất đai, chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất dịch vụ, quy hoạch... vẫn còn những vướng mắc dẫn đến việc nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng và đưa vào khai thác homestay.
Thực tế cho thấy, du lịch cộng đồng gắn với homestay là loại hình phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống. Để quản lý, khai thác có hiệu quả mô hình dịch vụ du lịch homesaty cần nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập.
Tại Kỳ họp thứ 5, HĐND khóa XII được tổ chức từ 5-7/7/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra những định hướng nhằm tạo điệu kiện cho dịch vụ du lịch homestay khắc phục những bất cập, góp phần đưa ngành du lịch của tỉnh tiếp tục phát triển, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đó là, các cá nhân xây dựng homestay cần xác định rõ mục tiêu kinh doanh để đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, đảm bảo về quy mô cũng như năng lực phục vụ; tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật về kinh doanh du lịch, từ khâu xây dựng hạ tầng, đến khi đưa vào khai thác, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền quảng cáo cho các homestay của mình; liên kết với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh, các ban quản lý khu, điểm du lịch để cùng phục vụ khách du lịch trong chuỗi giá trị của hoạt động du lịch và phải thường xuyên làm mới các sản phẩm du lịch để thu hút du lịch.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với các cơ sở đào tạo, địa phương trong tỉnh mở các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, trong đó chú trọng hướng dẫn kỹ năng làm dịch vụ cộng đồng, khai thác dịch vụ homestay.
Phát triển homestay là một trong những hướng đi tiềm năng trong phát triển du lịch cộng đồng để mang lại thu nhập cho người dân và tạo động lực để bảo tồn văn hóa; đóng góp vào phát triển du lịch tỉnh ta. Vì vậy, cùng với sự định hướng của ngành chức năng, các gia đình, cá nhân làm homestay cần tiếp tục đổi mới tư duy, chủ động học hỏi để tự “làm mới mình” để ngày càng thu hút được nhiều du khách.
Thiên Hương