Bằng đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, những nghệ nhân tạc tượng ở thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã “biến” khúc gỗ thô sơ thành những tượng gỗ độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Gia Rai.
Trước khoảng sân nhỏ nơi góc vườn, ông A Yuân (69 tuổi, ở làng Kà Đừ) đang say sưa tạc tượng người phụ nữ bồng con từ gỗ mít. Không máy móc hiện đại, không bản vẽ, chỉ bằng những dụng cụ thô sơ là búa, rựa, rìu, ông A Yuân tỉ mỉ sáng tạo ra bức tượng khắc họa hình ảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng người Gia Rai.
Theo ông A Yuân, năm lên 15 tuổi, ông được người cha cho làm quen với tượng gỗ. Ban đầu, ông học cách phân biệt các loại gỗ để tạc tượng, cách cầm rìu, cầm dao và hiểu ý nghĩa các hình tượng. Đến năm 20 tuổi, ông mới thực sự thành thạo nghề và được giao tạc tượng đơn giản trong làng.
Nghệ nhân A Êk đang tạc tượng gỗ. Ảnh: N.S
“Tôi được cha dạy rằng, tạc tượng gỗ không chỉ là tín ngưỡng thiêng liêng mà còn là một nghề thủ công lâu đời và độc đáo của dân tộc Gia Rai. Bởi vậy, những người tạc tượng phải có đôi tay thật cứng cáp, mạnh mẽ để có thể cầm chắc chiếc búa, chiếc rìu; đôi mắt phải thật sáng và tinh tường; còn phải có trí tưởng tượng phong phú để tạo nên hình tượng gỗ sắc sảo, bền đẹp”- ông A Yuân chia sẻ.
Theo ông A Yuân, hồi trước, mỗi khi làng có lễ bỏ mả, ông cùng với các nghệ nhân tập trung lại cùng nhau để tạc những bức tượng với đủ hình thù khác nhau. Từ xa xưa, người Gia Rai ở huyện Sa Thầy quan niệm các bức tượng được đặt quanh nhà mồ để bầu bạn với linh hồn của những người đã mất, cùng họ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.
Còn ở làng Chốt (thị trấn Sa Thầy), ông A Êk (63 tuổi) có tiếng là người tạc tượng giỏi. Hơn 40 năm gắn bó với nghề tạc tượng, ông A Êk không nhớ mình đã tạc được bao nhiêu bức tượng.
“Trước kia, số người biết tạc tượng ở làng rất nhiều nhưng dần những người lớn tuổi mất đi, người trẻ thì không mấy mặn mà với việc theo học nên số người biết tạc tượng giờ đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu dần cạn kiệt, để tìm được một khúc gỗ tốt tạc nên một bức tượng đẹp không phải là việc dễ dàng. Nhưng tôi quyết không để nghề tạc tượng dân gian bị mai một. Nếu thanh niên trong làng tìm đến học, tôi sẽ dạy cho chúng đẽo tượng”- ông A Êk tâm sự.
Những tượng gỗ mang gương mặt buồn, dáng ngồi suy tư. Ảnh: NS
Được ông A Êk truyền nghề, anh A Héc (40 tuổi, ở làng Chốt) đã trở thành một trong những người trẻ có tay nghề tạc tượng gỗ có tiếng ở làng. Anh A Héc nói: “Nghề tạc tượng cũng có nhiều khó khăn. Muốn làm được một tượng gỗ, người thợ lành nghề cũng phải mất khoảng 3-4 ngày. Gỗ dùng tạc tượng là loại gỗ thân mềm, mối mọt không ăn được. Tùy trí tưởng tượng của mỗi người, sự khéo léo của đôi bàn tay mà những bức tượng sẽ có thần thái khác nhau. Hiện nay, để giữ gìn nghề này, tôi và nghệ nhân A Êk đang hướng dẫn và truyền nghề lại cho 2-3 đứa cháu trong làng; các cháu đều thích thú học và mong muốn lưu giữ nghề tạc tượng của dân tộc”.
Ông Nguyễn Hải Dương- Chủ tịch UBND thị trấn Sa Thầy cho biết: Hiện nay, trên địa bàn có 9 người biết tạc tượng gỗ dân gian, tập trung ở làng Chốt và làng Kà Đừ. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy nghề tạc tượng, truyền dạy cho lớp trẻ luôn được nghệ nhân và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Chúng tôi luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các nghệ nhân và người trẻ trong làng tham gia các cuộc thi, ngày hội giao lưu tạc tượng gỗ dân gian để họ thấy tự hào và nỗ lực hơn trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.
Nay Săt