Bên cạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang định hướng phát triển nông nghiệp xanh gắn với du lịch cộng đồng.
Du khách tham quan vườn nhãn tại xã Lộc An.
Hấp dẫn du khách
Ngày cuối tuần, vườn nhãn Hòa Thuận (ấp An Điền, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) của gia đình bà Trương Thị Bảy đón khoảng 30-40 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức nhãn tại vườn.
Chị Lê Thị Thùy Linh (du khách đến từ Bến Tre) cho biết, qua tìm thông tin trên Internet, chị biết đến vườn nhãn Hòa Thuận nên tranh thủ dịp hè đưa các con xuống Bà Rịa-Vũng Tàu du lịch kết hợp thăm quan vườn nhãn. “Cây nào cây nấy sai trĩu quả và ngon, ngọt. Các con rất thích vì lần đầu tiên biết đến quy trình chăm sóc cây nhãn, được tự tay hái những trái nhãn chín cây để thưởng thức. Lần sau có dịp, tôi sẽ tiếp tục thăm quan nơi đây và giới thiệu cho bạn bè biết đến mô hình du lịch trải nghiệm này”, chị Linh bày tỏ.
Theo bà Trương Thị Bảy, chủ vườn nhãn Hòa Thuận, vườn nhãn rộng hơn 2ha, trồng các loại nhãn bao công, nhãn tiêu và nhãn bắp cải. Sản lượng bình quân hơn 20 tấn/vụ. Từ năm 2022, vườn nhãn của gia đình bà được huyện chọn là điểm du lịch cộng đồng nên mở cửa đón khách đến tham quan, trải nghiệm. Từ khi mô hình đi vào hoạt động, lượng khách thăm quan tại vườn cũng khá nhiều.
“Đây là hướng đi mới cho nông dân với mô hình kết hợp nông nghiệp với du lịch cộng đồng. Mô hình giúp tăng thu nhập cho người trồng nhãn. Đồng thời, khách du lịch mua sản phẩm về dùng hoặc làm quà sẽ góp phần quảng bá sản phẩm nhãn xuồng của địa phương”, bà Bảy thông tin thêm.
Cách đó chừng 50m là vườn nhãn rộng 1ha với khoảng 300 gốc nhãn tiêu, bao công, bắp cải, xuồng cơm vàng của gia đình bà Bùi Thị Thanh Mỹ cũng mở cửa đón khách du lịch tham quan. Vườn được vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ, bố trí các chậu cây hoa cảnh dọc lối đi.
Bà Mỹ cho hay, đây là năm đầu tiên gia đình mở cửa vườn nhãn đón khách du lịch. Giá vé tham quan vườn 50 ngàn đồng/người, khách sẽ được 1 chai nước, khăn lạnh và thưởng thức trái trực tiếp tại vườn. “Mô hình này tuy mới nhưng cũng đem lại lợi nhuận cho nông dân. Khách đến đây không chỉ tham quan, thưởng thức trái tại vườn mà còn mua về làm quà cho người thân, bạn bè”, bà Thanh Mỹ nói.
Du khách thích thú trải nghiệm tại mô hình du lịch cộng đồng. Trong ảnh: Du khách tham quan và thưởng thức nhãn tại vườn nhãn xã Lộc An.
Nâng cao thu nhập cho nông dân
Ngoài thế mạnh trong phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh, thời gian gần đây, huyện Đất Đỏ đã đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch cộng đồng. Huyện đã hình thành một số mô hình vườn kết hợp du lịch tham quan trải nghiệm thu hút du khách trong và ngoài tỉnh như: vườn măng cụt hơn 20 năm của gia đình ông Sầm Văn Hùng (ấp Tân Hòa, xã Long Tân); vườn dừa Triều Mến (xã Long Mỹ); vườn hoa xã Phước Long Thọ. Sự kết hợp phát triển nông nghiệp và du lịch đã tạo những nét độc đáo riêng, đem lại nguồn thu tăng nhiều lần cho nông dân so với chỉ đơn thuần sản xuất nông nghiệp.
Để phát huy hết tiềm năng phát triển du lịch của địa phương, huyện sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển du lịch theo Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó từng bước xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng khai thác các nguồn tài nguyên du lịch về lịch sử-văn hóa.
Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành du lịch; tiếp tục kêu gọi DN, nhà đầu tư về đầu tư các khu vui chơi, trung tâm mua sắm để phục vụ nhu cầu du khách. Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng ý thức bảo vệ môi trường; bảo đảm môi trường trong sạch, lành mạnh, phục vụ cho việc phát triển du lịch.
Bài, ảnh: Đông Hiếu