Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, như: khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Theo đó, đã có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, trong đó có mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu".
Đồng bào DTTS tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa
Vĩnh Phúc là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống với hơn 30 dân tộc cùng nhiều nét văn hóa đặc sắc. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa truyền thống riêng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ thể hiện qua nhiều dạng thức khác nhau như: trang phục, tiếng nói, kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật như dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống...
Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện các chương trình, đề án như: khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa thể thao cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; triển khai đầu tư xây dựng mô hình làng văn hóa truyền thống.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai mô hình thí điểm Làng văn hóa kiểu mẫu gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp... góp phần bảo tồn, khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Hiện toàn tỉnh có 10/28 Làng văn hóa kiểu mẫu đã khởi công, xây dựng, gồm: huyện Bình Xuyên có 03/03 Làng văn hóa kiểu mẫu; huyện Sông Lô có 03/03 Làng văn hóa kiểu mẫu; huyện Yên Lạc có 03/03 Làng văn hóa kiểu mẫu; thành phố Vĩnh Yên có 01 Làng văn hóa kiểu mẫu đã khởi công xây dựng. Trong đó từ năm 2022 - 2023 các xã vùng DTTS và miền núi được lựa chọn 8 địa điểm để thực hiện mô hình thí điểm “Làng văn hóa kiểu mẫu”.
Nổi bật nhất trong thực hiện mô hình này chính là làng văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và làng văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan tại xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc).
Điển hình như tại xã xã Đạo Trù hiện có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Đồng bào dân tộc Sán Dìu nơi đây có nhiều nét đặc trưng về phong tục, tập quán, văn hóa như: Hát Soọng cô, lễ hội dân gian cùng các sản vật đặc trưng bánh gio chấm mật, bánh trứng kiến, xôi đen, mật ong… lại nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nên được chọn xây dựng thí điểm mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu.
Soọng Cô – Một nét văn hóa đặc sắc của người Sán Dìu
Làng văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu ở xã Đạo Trù có tổng diện tích quy hoạch khoảng 5ha. Tại đây, chính quyền địa phương sẽ khôi phục và tạo dựng các ngôi nhà sàn, nhà gỗ 2 mái của đồng bào dân tộc Sán Dìu xưa; trưng bày các công cụ nông nghiệp của dân tộc Sán Dìu phục vụ du khách tham quan. Hát Soọng cô cùng các loại hình văn nghệ khác được diễn xướng để phục vụ nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu văn hóa bản địa của du khách.
Ông Lý Ngọc Một, Chủ tịch UBND xã Đạo Trù cho biết bên cạnh việc bảo tồn văn hóa, địa phương còn dành nguồn lực hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thế mạnh như: Chăn nuôi lợn, gà, ong, thỏ; xây dựng các sản phẩm OCOP; phát triển các homestay... để du khách có cơ hội trải nghiệm, thưởng thức nét văn hóa, ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Qua đó, góp phần quảng bá và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu...
Được biết, Vĩnh Phúc chủ trương xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hoá dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc. Cùng với đó sớm hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Phục dựng, bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống, nâng cao hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí. Ảnh: Hoàng Anh
Phấn đấu đến hết năm 2030, Vĩnh Phúc sẽ có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu do cấp có thẩm quyền ban hành. Trong đó: đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng và đến năm 2027 hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản về cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống; đời sống văn hoá, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản.
Theo ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, phong trào xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở các địa phương ngày càng sôi nổi, lan tỏa mạnh, luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của các tầng lớp Nhân dân... Đến nay, chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở địa phương bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng. Có thể thấy rằng, tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện, song việc thực hiện thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại Vĩnh Phúc đã, đang và sẽ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, qua đó, cải thiện thu nhập của người dân, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương.
Vĩnh Sơn