Tính đến hết tháng 7/2023, Lào Cai đón trên 4,3 triệu lượt khách, tăng gần gấp hai so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt gần 14 nghìn tỷ đồng, tăng 82%. Doanh thu từ du lịch cộng đồng đóng góp không nhỏ trong tổng doanh thu chung của du lịch toàn tỉnh. Lào Cai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận là địa phương đứng đầu cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng homestay. Để giữ vững sức hút, thương hiệu du lịch cộng đồng, Lào Cai xác định cần có chiến lược phát triển phù hợp, trong đó tăng cường chuẩn hóa du lịch cộng đồng.
Sức hút của những di sản
Du lịch Lào Cai luôn dẫn đầu các tỉnh trung du miền núi phía Bắc về số lượng khách quốc tế và là một trong 5 trung tâm du lịch đón khách quốc tế lớn nhất miền Bắc. Lào Cai là địa phương tiên phong trong cả nước về du lịch cộng đồng với 457 cơ sở homestay. Giám đốc Sở Du lịch Hà Văn Thắng cho biết, sức hút của du lịch cộng đồng Lào Cai xuất phát từ việc người dân địa phương biết tận dụng các thế mạnh của mình và vùng đất mình sinh sống tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có nhằm "biến di sản thành tài sản".
Xã Tả Van, huyện Lào Cai phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng sinh thái homestay. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Sa Pa đang bước vào mùa đẹp nhất trong năm - tháng 8 mùa Thu. Lúc này, cả thung lũng Mường Hoa với những triền ruộng bậc thang xanh ngút tầm mắt của lúa đang kỳ ngậm sữa. Lần đầu tiên đến Sa Pa, anh Gastaaf, du khách Hà Lan cùng vợ và hai con nhỏ lựa chọn một cơ sở lưu trú homestay tại xã Liên Minh. Anh cho biết, gia đình sẽ ở đây một tuần vừa để trải nghiệm vẻ đẹp văn hóa đồng bào các dân tộc địa phương vừa trekking (đi bộ đường dài) thung lũng Mường Hoa, ngắm ruộng bậc thang. "Đây là lần đầu tiên, tôi được ngắm ruộng lúa tại Sa Pa. Khung cảnh ở đây thực sự rất tuyệt vời. Trải nghiệm này khiến tôi cảm thấy rất phấn khích", anh Gastaaf bày tỏ.
Khung cảnh thơ mộng tuyệt đẹp, khí hậu ôn đới mát mẻ, trong lành, nhịp sống êm đềm miền sơn cước... chính là những điểm níu chân du khách lưu trú và đưa họ quay trở lại đây nhiều lần nữa. Ngôi nhà du lịch cộng đồng mang tên "Lúa" của gia đình chị Vàng Thị Nguyên, dân tộc Giáy ở thôn Tả Van Giáy là một địa chỉ gần gũi, quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế bởi sự gần gũi, mộc mạc, giản dị, chân tình, cởi mở của gia chủ và bà con người dân tộc thiểu số nơi đây.
Mỗi mùa, du khách đến với "Lúa" được hướng dẫn những hoạt động khám phá, từ trekking ngắm ruộng bậc thang đến cắm trại giữa nương lúa chín vàng, câu cá bên dòng suối nhỏ, trải nghiệm hái lá thuốc tắm, tự tay làm và thưởng thức các món ăn truyền thống dân tộc bản địa… "Đây là những hoạt động phù hợp với những người yêu thiên nhiên, thích những hoạt động ngoài trời", chị Nguyên cho biết.
Với trên 20 tuyến điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn tại Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã xây dựng và đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng như: “Một ngày làm cô dâu người H’mông”, “Một ngày làm nông dân người Dao”, thi nấu rượu, thi dệt thổ cẩm với du khách... Các sản phẩm ẩm thực và thủ công truyền thống cùng các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội đã được công nhận là các Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như: Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy, Nghề chạm khắc bạc của người Mông, Nghệ thuật múa khèn của người Mông, Nghệ thuật the (múa) của người Tày ở Tà Chải..., thu hút sự tham gia của du khách và các đơn vị lữ hành, góp phần quảng bá trực tiếp cho các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai thông qua mô hình du lịch này.
Bằng sức hút riêng của mình, tính trung bình, các điểm du lịch cộng đồng đón trên 1 triệu lượt khách/năm, chiếm khoảng 35% tổng lượng khách du lịch của tỉnh Lào Cai. Thu nhập trung bình của các hộ làm du lịch cộng đồng từ 50 - 70 triệu đồng/năm, có nhiều hộ đạt 150 - 200 triệu đồng/năm.
Nhân rộng cơ sở theo chuẩn ASEAN
Với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch cộng đồng, Lào Cai là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Hiệp hội Du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN đối với nhóm cơ sở lưu trú tại gia của đồng bào Giáy xã Tả Van (thị xã Sa Pa) và đồng bào Tày xã Tà Chải (huyện Bắc Hà). Đầu năm 2023, trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch Đông Nam Á - ATF 2023 tại Indonesia, cụm homestay xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) được trao giải thưởng Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) ASEAN lần thứ 4. Đây là những giải thưởng cao quý của ASEAN góp phần tôn vinh và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng cao trong khu vực.
Vinh dự là một trong hai cụm homestay của Việt Nam đạt Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023, điểm du lịch xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) đã và đang khẳng định thương hiệu du lịch, trở thành điểm đến lý tưởng của du khách. Được hướng dẫn về nghiệp vụ du lịch cộng đồng, đồng bào ở các bản làng đã nhanh chóng bắt tay vào thiết kế và phát triển dịch vụ homestay ngay tại ngôi nhà sàn của gia đình.
Xã Tả Van, huyện Sa Pa phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng sinh thái homestay. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Để tạo nên sức hấp dẫn cho du khách khi tiếp cận và sử dụng dịch vụ homestay, nhiều mô hình do người dân tham gia thực hiện đã được hình thành như Hợp tác xã bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, Câu lạc bộ hát Then đàn tính, phong trào “Nghĩa Đô suối sạch, đồng xanh”, những con đường hoa, cổng chào, biểu tượng cây đàn tính, con đường trồng cọ, những điểm tham quan tại cánh đồng lúa, chợ đêm... Cùng với đó là việc khôi phục, duy trì và phát huy những nghề truyền, lễ hội truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, đan lát, lễ hội cốm, trò chơi đánh yến, nghi lễ lấy nước thiêng đầu năm mới..., góp phần tạo nên sự hòa kết linh hoạt và độc đáo của các loại hình văn hoá với phát triển du lịch cộng đồng.
Xã Tà Chải hiện có 17 homestay, tập trung chủ yếu ở thôn Na Lo và thôn Na Kim. Các homestay đều là nhà sàn truyền thống của người Tày. Ông Đặng Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Chải, huyện Bắc Hà cho biết: Để xây dựng và vận hành thương hiệu đạt giải thưởng cụm homestay ASEAN, xã Tà Chải đã huy động hệ thống chính trị vào cuộc, vận động người dân gìn giữ nếp nhà sàn truyền thống.
Bên cạnh đó, xã Tà Chải còn lưu giữ và phát triển nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc Tày trong đó có Nghệ thuật the (múa). Các thôn đều có đội múa xòe truyền thống. Hằng năm, các đội múa xòe tham gia biểu diễn phục vụ lễ hội do xã và huyện tổ chức. Các đội múa xòe còn biểu diễn phục vụ khách du lịch tại các homestay. Nhờ đó, điệu múa truyền thống của dân tộc được lưu giữ và người dân có thêm thu nhập.
Từ kinh nghiệm xây dựng và vận hành của các cơ sở đã đoạt giải, Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Sơn Bình cho biết: Thời gian tới, Lào Cai tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và các dịch vụ hỗ trợ phát triển du lịch theo tiêu chuẩn Du lịch ASEAN, đồng thời nhân rộng tới các cơ sở khác.
Sở Du lịch Lào Cai đã tổ chức "Hội thảo phổ biến và áp dụng bộ tiêu chuẩn năng lực chung trong ASEAN về ngành du lịch". Bộ tiêu chuẩn xác định khung tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu, hướng dẫn đánh giá giúp các cơ sở rà soát, chuẩn hóa chất lượng dịch vụ và hiệu quả quản lý ngang tầm với khu vực; có thể được áp dụng như một chuẩn mực cần thiết, đảm bảo khách sẽ được trải qua chuyến du lịch thú vị, có ý nghĩa và đáp ứng mong đợi. Việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn này giúp các cơ sở du lịch tại Lào Cai nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời có cơ hội tiếp cận những giải thưởng du lịch uy tín quốc tế.
Hương Thu