Với tiềm năng sẵn có về cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và các di tích lịch sử văn hóa tâm linh nổi tiếng, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái để mang lại giá trị bền vững cho người dân. Thời gian qua, huyện đã chú trọng chuyển đổi sản xuất theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường, đa dạng các dịch vụ tham quan, du lịch sinh thái để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Lụa tơ sen của Công ty TNHH Dâu tằm tơ xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức vừa là một sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp vừa có tiềm năng phát triển du lịch. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Ông Nguyễn Bá Chức, thôn Đức Dương, xã An Phú, huyện Mỹ Đức chia sẻ, tận dụng lợi thế đồng trũng, vài năm trở lại đây, một số hộ dân xã An Phú, huyện Mỹ Đức đã chuyển đổi một số diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng sen, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Trồng sen vừa có thu nhập vừa không lo ngập úng mà còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách tới tham quan. Đầm sen xã An Phú rộng gần 200 ha được bao quanh núi đồi, du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng sắc sen hồng trải dài, bạt ngàn. Bên cạnh đó, các hộ dân còn tự đầu tư cầu tre rải rác trên khắp đồng để du khách trải nghiệm, chụp ảnh với sen.
Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên một diện tích canh tác, xã An Phú cũng đã khuyến khích người dân chuyển đổi một số diện tích đất trũng kém hiệu quả sang trồng sen, mang lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa và đang dần hình thành một địa điểm du lịch hấp dẫn. Ngoài trồng sen lấy hạt, một số hộ dân đã trồng thêm một số giống sen mới để phát triển du lịch và sản xuất chè ướp sen, mang lại thu nhập cao.
Bà Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức cho hay, ngoài phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, huyện Mỹ Đức cũng đang từng bước khai thác thế mạnh làng nghề cho hoạt động du lịch. Đối với xã Phùng Xá, việc phát triển làng nghề tạo điều kiện để huyện có thể khai thác và áp dụng những hướng đi mới trong việc phát triển du lịch kết hợp phát triển làng nghề truyền thống của địa phương một cách bền vững, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân. Đến làng nghề Phùng Xá, ngoài được chiêm ngưỡng những sản phẩm lụa tơ tằm, tơ sen độc đáo, du khách còn được tìm hiểu về quy trình sản xuất, được trải nghiệm dệt lụa từ tơ tằm và làm ra sợi tơ sen đưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân làng nghề. Đây cũng là loại cây trồng mang lại giá trị, thu nhập cao cho người nông dân và từ lâu đã trở thành sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Mỹ Đức.
Ông Lê Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, với tiềm năng và lợi thế thiên nhiên ưu đãi, huyện Mỹ Đức xác định hai lĩnh vực trọng yếu trong phát triển kinh tế của địa phương là nông nghiệp và du lịch, trong đó, nông nghiệp là nền tảng, du lịch là mũi nhọn. Bên cạnh khu di tích quốc gia đặc biệt Hương Sơn có mùa lễ hội kéo dài 3 tháng đầu năm, Mỹ Đức còn sở hữu tiềm năng lớn về du lịch sinh thái và nông nghiệp. Đây chính là thế mạnh của huyện để đẩy mạnh phát triển du lịch "xanh", đa dạng hóa sản phẩm du lịch - dịch vụ, tạo bước đột phát trong phát triển. Lợi thế được thiên nhiên ban tặng nhiều quần thể danh thắng di tích lễ hội và du lịch sinh thái đã mở ra hướng chuyển đổi kinh tế cho huyện Mỹ Đức.
Xác định nhiệm vụ trước mắt và lâu dài là khai thác lợi thế du lịch, UBND huyện đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, phát triển các điểm nông nghiệp du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn. Trên địa bàn huyện đã xây dựng được vùng trồng sen kết hợp du lịch hơn 300 ha tại xã Hương Sơn và An Phú và vùng trồng lúa hữu cơ 20 ha tại xã Mỹ Thành. Các mô hình đã góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023 tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện ước đạt trên 6.800 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh gắn với du lịch tại Mỹ Đức đang là hướng đi phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu về thiên nhiên, văn hóa, nông nghiệp, nông thôn. Với việc xác định đúng hướng đi, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tin rằng trong tương lai không xa, cùng với du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp sinh thái ở huyện Mỹ Đức sẽ phát triển mạnh mẽ, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Thiện Tâm