Tác động hiệu quả và thay đổi cuộc sống nông thôn, những Chương trình Mục tiêu quốc gia ở Sa Pa (Lào Cai) đã đồng hành với từng cá nhân, doanh nghiệp làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm.
Tiếp sức cho bản nghèo
Sau nhiều năm công tác tại Đài phát thanh Sa Pa, nữ phóng viên Đỗ Thị Kim Dung chia tay nghề viết để khởi nghiệp hướng đi mới. Trải nghiệm nghề báo mang đến cho chị nhiều kiến thức về kinh tế du lịch, thổ nhưỡng, và nhất là văn hóa đời sống cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền Tây tỉnh Lào Cai, bên cạnh đó là những chính sách ưu tiên của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới...
Năm 2016, chị Dung đã dốc hết vốn liếng thuê đất ở bản Má Tra (phường Hàm Rồng) để trồng dâu tây, nhiều người nói đó là sự lựa chọn mạo hiểm. Quả thực, với sự lựa chọn này, chị đã trải qua nhiều thách thức. Năm đầu dâu thối bệnh, chẳng thu hoạch được gì, hầu như mất trắng. Năm sau có kinh nghiệm hơn, chị Dung quyết định thuê người để trồng giống mới. Thế nhưng năng suất vẫn thấp, quả thiếu vị đậm ngọt, thua lỗ gần 300 triệu đồng. Quyết tâm thực hiện mục tiêu, chị Dung “cắm” sổ đỏ, đầu tư hơn 2 tỷ đồng, diện tích mở rộng thêm 2ha. Và sau nhiều sóng gió, giờ đây trang trại dâu tây đã mang về những trái ngọt với 20 tấn quả/ năm, doanh thu 3 tỷ đồng. Dâu tây quả to, vị ngọt, thơm ngon bán luôn tại vườn cho khách du lịch.
Vườn nhất chi mai của anh Đinh Văn Bắc ở bản Má Tra.
Thời gian qua, HTX Thắng Lợi của chị Dung đã góp phần làm thay da đổi thịt cho bản nghèo Má Tra với 21 lao động địa phương, chủ yếu là người dân tộc Mông với mức lương trung bình 5,5 triệu đồng/tháng/người.
Chỉ hơn chục phút xe chạy từ Thị xã Sa Pa rẽ về Hàm Rồng, du khách sẽ gặp vườn dâu tây công nghệ hiện đại bên sườn núi xanh Má Tra.
Trang trại của chị Dung đã góp phần kéo 40.000 lượt du khách tới vườn. “Mặc dù có cửa hàng sản phẩm ở trên phố Sa Pa và xuất hàng tới nhiều địa phương, nhưng tôi không phải quá lo khâu tiêu thụ. HTX còn chế biến mứt, thạch, sữa chua từ dâu tây nữa đấy” - chị Dung chia sẻ.
Ngay sát là vườn nhất chi mai của kỹ sư trẻ Đinh Văn Bắc. Chàng trai quê Ninh Bình từng thi công nhiều trường, trạm, thủy điện ở đất núi Lào Cai, đã nhận ra chính sách ưu tiên của Nhà nước cho vùng cao. Phát hiện du khách rất thích mua cây mai trắng xứ núi mà người Mông bán lác đác ở Sa Pa dịp tết, cũng là người đam mê bonsai, Bắc đã lùng mua gom về trồng. Vườn mai cỡ dăm năm tuổi có hơn vạn cây thảm trắng triền đồi ven bản mỗi độ giáp tết. Anh Bắc thu lãi nửa tỷ đồng mỗi năm. Nhiều gia đình được anh Bắc hỗ trợ cây giống về trồng, bắt đầu có thu nhập.
“Khách du lịch tới vườn chụp ảnh rất đông. Thu nhập từ du lịch tăng, người dân hiểu hơn giá trị vùng đất tốt, làm việc có giờ giấc, rất ý thức trong việc tự quản con đường bê tông mà vốn Chương trình mục tiêu quốc gia mới làm...” - anh Bắc cho hay.
Xây nông thôn mới bằng du lịch nông nghiệp
Vùng nông thôn đang dịch chuyển từ làm nông sang phi nông nghiệp và dịch vụ. Sa Pa cũng không ngoại lệ. Đây cũng là hướng đi mới góp phần xây dựng NTM bền vững, đạt được những mục tiêu quốc gia.
Khách miền xuôi lên Sa Pa được giao hòa với thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa độc đáo, lưu trú homestay, còn được hưởng thụ sản vật của dân bản hoặc trang trại. Chị Dung “dâu tây”, anh Bắc “nhất chi mai” cùng nhiều người làm kinh tế du lịch giỏi chính là những yếu tố quan trọng góp phần làm thay đổi đời sống của người dân nơi đây, góp phần tạo diện mạo nông thôn mới, đẹp, no ấm hơn và bền vững. “Họ đang cùng dân bản xây nông thôn mới” - Chánh Văn phòng UBND Thị xã Sa Pa Đặng Việt Dũng khẳng định.
Theo nhận định của giới chuyên gia, du lịch nông thôn không bao giờ khiến du khách nhàm chán. Tây Bắc có đồi chè Long Cốc, trang trại bò sữa Mộc Châu, ruộng bậc thang Mù Căng Chải, và Sa Pa có thôn Tả Van, bản Cát Cát, Tả Phìn, Mường Hoa... đang thu hút hàng nghìn lao động địa phương.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 6/2023 đã có 45/63 tỉnh, thành ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM. Nhiều tỉnh đặt mục tiêu sớm chuẩn hóa sản phẩm du lịch nông thôn và phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái.
Dù vậy, làm du lịch nông thôn vẫn còn không ít khó khăn. “Nếu không có Thị xã trợ giúp thì “du lịch nông thôn Má Tra” vẫn còn là chuyện xa vời, và cách quảng bá cây mai của tôi vẫn chỉ mang tính cá nhân” - Anh Bắc cho biết.
Thiết nghĩ du lịch nông thôn phải đặt cộng đồng là trung tâm, lấy cộng đồng là nền tảng để xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo lan tỏa phát triển kinh tế địa phương. Nó cần gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường, sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ.
Tùng Duy