Bạc Liêu: Đua nhau đốn nhãn cổ

Cập nhật: 16/09/2009
Nhắc đến Bạc Liêu là nhiều người nghĩ ngay đến giai thoại về tay công tử nổi tiếng phong lưu khắp Lục tỉnh Nam kỳ, nhớ đến soạn giả Cao Văn Lầu - người sáng tác ra bản nhạc “Dạ cổ hoài lang” độc đáo cùng vườn chim và vườn nhãn cổ trên trăm năm tuổi với những cây nhãn cổ thụ người ôm không xuể…

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là xứ sở của vườn cây ăn trái, trong đó nhãn là loại cây được nhiều tỉnh trồng nhất. Tại Bạc Liêu có khu vườn nhãn cổ đến nay đã trên trăm tuổi. Đây là vườn nhãn đặc biệt nhất ở ĐBSCL, là niềm tự hào của người dân địa phương và còn là điểm du lịch sinh thái thu hút khách phương xa đến tham quan. Vườn nhãn cổ Bạc Liêu rộng khoảng 230ha, chạy dài trên 11km đi qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Thế nhưng mấy ngày qua, nhiều cây nhãn cổ tại khu du lịch vườn nhãn của các xã: Hiệp Thành, Nhà Mát, Vĩnh Trạch Đông, TX Bạc Liêu liên tục bị nhiều người dân chặt phá, đốn hạ.

Ông Trần Văn Mạnh, ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông, TX Bạc Liêu có 5 công nhãn cổ vừa đốn hạ để bán cho các hộ sử dụng làm củi, làm đồ mỹ nghệ. Một gốc nhãn cổ, có tuổi thọ trên trăm năm tuổi, tùy theo hình dáng được người dân bán cho các cơ sở mộc từ 1.000.000-1.500.000 đồng.

Theo UBND TX Bạc Liêu, để bảo tồn, giữ gìn vườn nhãn cổ Bạc Liêu không bị xóa sổ đang là vấn đề cấp bách, địa phương khẩn trương triển khai nhiều hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu du lịch vườn nhãn này. Chính quyền TX Bạc Liêu đang phối hợp cùng ngành du lịch thành lập dự án chuyển khu vườn nhãn cổ sang làm du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Đây được xem giải pháp khả thi nhằm bảo vệ diện tích nhãn cổ còn lại. Trên thực tế mấy năm gần đây, một số hộ dân ở Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông đã đầu tư vườn nhãn cổ thành điểm tham quan du lịch. Những vườn nhãn rộng, thoáng mát thích hợp làm nơi cắm trại, dã ngoại, nghỉ ngơi... Du khách ở các tỉnh xa thường đến vào mùa hè để thưởng thức nhãn cổ Bạc Liêu chín rộ.

Nguồn: Báo NNVN