Có sông nước dịu mát, có nghệ nhân hiểu về làng, có nhà cổ vững chắc… người dân xã Cẩm Kim, TP Hội An (Quảng Nam) đang bắt đầu làm quen với du lịch. Nhà nông, đội chèo ghe cùng làm. Tất cả cùng hoàn thiện những mục tiêu nâng cao đời sống kinh tế, tạo ra cộng đồng phát triển lâu dài.
Du khách trải nghiệm chèo ghe trên sông nước Cẩm Kim.
Gợi lại ký ức ngày xưa
Theo các bậc cao niên ở Cẩm Kim, cây dừa nước và cây lác là những loài cây đặc trưng của khu vực này. Từng khóm lác mọc tự nhiên đến khi sợi đủ già được dùng làm nguyên liệu cho nghề dệt chiếu truyền thống của địa phương. Dừa nước mọc sát nhau thành từng cụm vừa tạo cảnh quan, đồng thời chống xói mòn đất chung quanh.
Ông Nguyễn Nhứt, hộ bơi ghe ở Cẩm Kim nhìn nhận: “Nếu làng quê Cẩm Kim làm du lịch lâu dài, chúng ta nên gom những ghe làm nghề lưới ra bên ngoài sông chính để cá tôm nhỏ trong này tiếp tục phát triển. Đồng thời có không gian đủ rộng cho du khách tham quan rặng dừa nước. Sau này bà con khai thác con cá kích thước lớn hơn sẽ có thêm thu nhập ổn định”.
Cẩm Kim nằm trong vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Do đó, tài nguyên nguồn nước ở đây được bảo vệ nhằm duy trì chất lượng đặc trưng của vùng nước lợ. Khi du lịch bắt đầu hoạt động, người dân sống hai bên bờ khai thác tôm đất, chế biến theo nhu cầu ẩm thực của du khách. Với những hướng dẫn cả lý thuyết và thực tế từ các chuyên gia trong Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, hệ rong rêu dưới đáy sông được bà con chung tay bảo vệ, giảm việc gây hại đến rong nhằm tạo môi trường sống cho loài tôm đất.
Anh Phan Công Sanh, chuyên gia BQL cho biết, trong thời gian gần đây, hệ rong rêu ở Cẩm Kim dần chuyển sang mầu vàng do ảnh hưởng từ dòng nước mặn xâm nhập sâu vào bên trong dòng sông. Tuy nhiên, đó là trạng thái thay đổi theo điều kiện tự nhiên. “Ngôi nhà chung” rong rêu của tôm đất vẫn bảo đảm duy trì chất lượng, hương vị đặc trưng cho loài tôm này. Song song đó, cần vận động bà con chuyển đổi phương thức đánh bắt tôm cá, không dùng lưới lồng để tránh việc khai thác tận diệt.
Tuyến di chuyển bằng ghe có cự ly khoảng 1 km khám phá rừng dừa nước, du khách có dịp nhìn ngắm Cẩm Kim từ một góc nhìn khác. Mầu xanh mênh mông, dòng nước mát lạnh hòa với những câu chuyện kể bằng chất giọng đặc sệt Quảng Nam của các chủ ghe tạo nét duyên riêng cho du lịch Cẩm Kim.
Phá cách trong từng sản phẩm
Là địa phương mới tổ chức du lịch học tập trong thời gian gần đây, xã Cẩm Kim đang xây dựng kế hoạch dựa trên những giá trị vốn có của quê hương. Những ngôi đình tiền hiền, các hộ gia đình đang sở hữu nhà cổ hàng trăm năm tuổi là một phần trong kế hoạch phát triển du lịch học tập của xã.
Theo nghệ nhân Huỳnh Kim Sướng (làng mộc Kim Bồng), làng nghề này trải qua nhiều thay đổi, phát triển cho đến ngày nay. Con cháu sinh ra bên mũi đục, cái bào luôn tự hào khi mang câu chuyện nghề của cha ông quảng bá ra bên ngoài. Nét hoa nghề của người Kim Bồng ngoài việc được thể hiện qua sản phẩm thì còn xuất hiện trong từng tour đón khách du lịch. Giữ nghề, hiểu về nghề là quan điểm xuyên suốt của dân làng Kim Bồng.
Thực tế đó được rõ nét hơn ở ngôi nhà cổ của gia đình ông Trương Kim Sen; đây là một điểm dừng chân thú vị khi về Cẩm Kim. Ngôi nhà cổ hơn 150 năm tuổi này vốn là của ông Thủ Mua (ông cố ngoại của ông Sen). Mặt tiền di tích xoay theo hướng đông nam, kiến trúc làm theo kiểu “tam giang nhị hạ” (ba gian hai chái), hệ khung chịu lực bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương. Đặc biệt trên các cấu kiện gỗ chạm khắc nhiều chi tiết trang trí sắc sảo, giàu giá trị nghệ thuật. Câu chuyện về ngôi nhà cổ được ông Sen giới thiệu sinh động, đồng thời tăng tính thú vị khi du khách khám phá tay nghề của người thợ mộc Kim Bồng (Cẩm Kim) trong lịch sử.
Một lợi thế khác của vùng Cẩm Kim chính là đất đai mầu mỡ, thích hợp cho giống cây đu đủ thân thấp phát triển. Vườn nhà ông Sen đang trồng hơn 100 cây đu đủ. Trong tháng 7 vừa qua, vườn đu đủ cho trái trĩu thân. Ngoài việc bán cho thương lái đặt trước, vợ chồng ông Sen còn dựa theo lịch đón tiếp các đoàn khách bố trí dành lại một phần để du khách trải nghiệm hái, thưởng thức đu đủ chín tại vườn.
Ông Sen cho hay: “Khu vực này rất dễ ngập trong mùa mưa lụt. Để tránh thiệt hại do thiên tai gây ra, từ tháng 11 năm trước, các nhà nông bắt đầu ươm giống cây và phải để ở nơi gò cao ráo vài tuần. Khi mùa mưa lụt kết thúc, chúng tôi trồng đu đủ, đến nay thì cây cho trái để phục vụ du khách. Khi tham gia làm du lịch, chúng tôi theo dõi xu hướng du khách thích trải nghiệm những gì, vào thời gian nào để tiện sắp xếp chương trình đón tiếp. Những bài nói chuyện về kinh nghiệm ứng phó với mưa lụt của người dân vùng này ra sao, hầu hết khách rất thích nghe”.
Ông Sướng nói: “Càng về sau, giá trị của văn hóa quê hương càng quan trọng. Nhất là khi truyền tải đến những người đi du lịch. Phải đúng cũng như thật sinh động, dễ hiểu”.
Bài và ảnh: Quế Trung