Trải nghiệm thú vị trên bãi biển “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam

Cập nhật: 17/08/2023
Hẹn hò đã lâu, vào một ngày cuối tháng 7/2023, tôi và nhóm bạn mới có dịp “mục sở thị” mảnh đất trong câu ca nổi tiếng “Anh yêu em Diêm Điền, hàng phi lao gió hát” và chiêm ngưỡng biển Vô cực. Đây là địa danh độc nhất trên suốt chiều dài 3.200km bờ biển ở nước ta với vẻ đẹp tự nhiên, lãng mạn, huyền ảo và đầy kỳ bí, khiến ai đặt chân đến nơi đây cũng không khỏi ngạc nhiên ngay lần đầu trông thấy.

Bãi biển lung linh nhất khi triều cường xuống, mặt nước cùng cát pha lẫn phù sa dưới ánh nắng mặt trời tạo nên khung cảnh ấn tượng. Ảnh: Lê Thanh Hà

Thị trấn vùng biển dường như sôi động hơn các nơi khác, mới 4 giờ sáng mà trên các con đường ở thị trấn Diêm Điền đã nhộn nhịp người qua lại.

Mặc dù lần đầu đến đây, nhưng chúng tôi hỏi đường ra biển Vô cực cũng không khó lắm bởi sự nhiệt tình chỉ dẫn của những người dân bản địa. Con đường đê biển được đổ bê tông phẳng lỳ, một bên là làng mạc đông đúc, bên kia là những cánh đồng nuôi tôm sú san sát, xa tít. Đi khoảng 5km, chúng tôi đã đến điểm dừng chân trước tấm biển: “Biển Vô cực” thuộc xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Tờ mờ sáng, tiếng cười nói râm ran, vang vọng trong thấp thoáng những dáng người trên con đê biển. Đang ngơ ngác chưa biết đi thế nào, một chị “thổ dân” tên Loan trên đường ra biển bắt hải sản, nhanh nhảu: “Các anh cứ đi theo tui sẽ đến Vô cực”. Cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc với người dân nơi đây là sự nhiệt tình, hiếu khách. Vừa đi, chị “thổ dân” vừa thao thao như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ.

Theo chị Loan, theo lịch thủy triều, thời gian biển đẹp nhất trong năm là từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch hàng năm. Giai đoạn này thời tiết trong lành, mây vần vũ trước ánh bình minh, rất phù hợp cho việc ngắm nhìn biển và cho những tấm ảnh sống ảo đẹp nhất. Cũng theo chị Loan, nên tránh đến tham quan vùng biển này vào thời gian mùa Đông và mùa Xuân vì sương mù nhiều, không có ánh nắng mặt trời, nên không thích hợp cho việc tham quan, trải nghiệm.

Điểm đầu đi ra biển Vô cực là lối mòn dài khoảng 700m lổn nhổn sỏi, nhầy nhụa bùn, không may bước vào hố nước bùn vọt lên tận đầu gối. Hai bên, rừng tràm bạt ngàn và xanh tốt, được người dân trồng để ngăn nước xâm lấn và che chở cho xóm làng. Vừa đi, chị Loan vừa ngoảnh lại chờ như sợ chúng tôi bị lạc lối. Nhìn chúng tôi dò dẫm từng bước, chỉ xuống đôi bàn chân đi tất của mình, chị căn dặn: “Lần sau đi, các anh chị nhớ mang theo ủng, hoặc đi tất chân như này sẽ dễ dàng hơn khi vượt qua đoạn đường trơn trượt. Từ đê ra “biển Vô cực” dài 3 đến 4 cây số, nên cũng nên mang theo những ghế ngồi gọn nhẹ để có thể ngồi nghỉ ngay trên mặt biển”.

Càng đi, làng mạc xa dần, xung quanh biển càng mênh mông rộng lớn. Biển Vô cực là thảm cát dài màu nâu sẫm, nước chỉ xâm xấp bàn chân nên nhìn dòng người di chuyển huyền ảo như đi trên mặt biển. Trên đầu là nền trời xanh ngắt. Trời sáng dần bởi từ nơi xa tít, phát ra những vệt nắng đầu tiên sau đám mây cuộn vần vũ. Mặt biển từ nâu thẫm chuyển sang ửng hồng, nền trời rực rỡ, tạo thành tấm gương phản chiếu xuống mặt biển như dát bạc, tạo nên một không gian rộng lớn nối liền giữa biển và trời.

Là người ở tận “cực Tây” của Tổ quốc, khi được tin biển Vô cực độc đáo, bà Nguyễn Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên không ngại vượt qua hơn 800km đường, bà chia sẻ: “Lần đầu tiên được đến nơi này, được nhìn phóng tầm mắt, tôi thật sự choáng ngợp trước cảnh sắc thiên nhiên”.

Vì mới được phát hiện nên bãi biển vẫn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, giản dị do chưa được khai thác về lĩnh vực du lịch, thay vào đó, được người dân sử dụng để đánh bắt hải sản. Trong những năm gần đây, biển Vô cực đã gây được sức hút với nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ bởi vẻ đẹp kết hợp giữa bãi cát mênh mông, bằng phẳng và trải dài.

Xa xa, loang loáng ánh nước trong những bước chân huyền ảo, đất trời như nối liền, hòa quyện. Không ngại bay qua cả nghìn cây số để được đắm chìm trong không gian biển Vô cực, bà Nguyễn Kim Huyền, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang thảng thốt: “Đẹp quá, là người dân vùng biển, từng đón bình mình biển ngay tại quê nhà, cũng đã đi nhiều, nhưng tôi chưa thấy bãi biển nào thực sự đẹp và độc đáo như ở đây!”.

Lẫn trong dòng người đến ngắm biển là hình ảnh nét mộc mạc và rất đỗi bình dị của những ngư dân đẩy te bắt hải sản, cũng là một trong những điểm nhấn đẹp cho vùng biển này. Theo những người dân bản địa, việc đẩy te tưởng như nhẹ nhàng nhưng kỳ thực rất nặng vì gọng te dài và được căng lưới, người yếu sức không thể thao tác nổi, có tận mắt chứng kiến mới quý trọng hơn công sức lao động của người dân vùng biển. Tuy rộng trên 2 nghìn héc ta, nhưng biển Vô cực nhộn nhịp đến lạ.

Xa xa, tiếng cười nói của nhiều bạn trẻ tranh thủ ngày hè đi check-in tại biển, gần đó, từng đôi trai gái trong những bộ váy cưới trắng muốt tung lên giữa biển trời tạo tư thế cho bộ ảnh cưới độc đáo. Những góc ảnh cưới có hậu cảnh là những cánh lưới te, lúc giơ gọng lên cao, lúc hạ xuống thấp giống như một cánh buồm căng gió trên nền trời rực rỡ ánh bình minh. Tất cả hòa vào không gian, tạo nên một bức tranh của nhịp sống trên biển vô cùng sinh động.

Nhìn các đôi trẻ chụp ảnh cưới trong không gian lãng mạn, anh Trịnh Văn Hùng, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam tếu táo: “Tuổi xuân đi qua rồi, có lẽ ngày gần nhất, gia đình tôi sẽ trở lại nơi này để thực hiện thêm bộ ảnh kỷ niệm ngày cưới của mình”.

Mặt trời lên cao cũng là lúc những chiếc xe xích lội nước hối hả đưa du khách quay trở lại con đê biển. Điểm đặc biệt không kém phần hấp dẫn, giá các dịch vụ ở đây không hề bị “chặt, chém” như ở nhiều nơi khác, giá rửa tay chân bằng nước ngọt, hay vé gửi xe chỉ có 5.000 đồng. Đặc biệt, sau khi tham quan biển Vô cực, du khách còn được mua hải sản biển tươi sống trực tiếp từ những ngư dân với giá rẻ đến bất ngờ.

Những ngư dân miền biển đi te đánh bắt hải sản từ sáng sớm. Ảnh: Lê Thanh Hà

Theo thống kê của UBND xã Thụy Xuân, thời gian gần đây, lượng du khách về trải nghiệm tăng đột biến, có ngày lên đến trên 2.000 du khách. Du khách trải nghiệm biển Vô cực lựa chọn phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy, xe ô tô loại nhỏ. Do chủ động dự báo, nắm bắt lượng du khách về tham quan, trải nghiệm nên chính quyền địa phương đã chỉ đạo, bố trí lực lượng Công an địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng BĐBP, Quân sự bảo đảm công tác an ninh trật tự, an toàn cho du khách; tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của ban, ngành, đoàn thể và người dân trong việc tiếp đón, phục vụ khách du lịch bảo đảm thân thiện, hiếu khách, có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường; không nâng giá các mặt hàng phục vụ như: nước giải khát, khu vực vệ sinh, vé gửi xe...

Tuy nhiên, do đây là vùng biển còn khá hoang sơ, chưa có dịch vụ du lịch, trong khi lượng khách đông nên đã xuất hiện không ít bất tiện. Anh Trần Đình Đức (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam) chia sẻ: “Tuy đã có xe xích chở du khách ra biển, nhưng xe còn thô sơ và lượng xe chưa đáp ứng được nhu cầu của khách. Cung đường biển dài, du khách cũng cần nghỉ chân và để check-in nhưng chưa hề có dịch vụ".

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình: “Để phát triển bãi biển trở thành điểm du lịch, cần có sự khảo sát, đánh giá cụ thể về tiềm năng phát triển du lịch, thực hiện quy hoạch và đầu tư về hạ tầng giao thông như nâng cấp đường đê PAM, tuyến đường kết nối 6 xã ven biển; đầu tư cơ sở vật chất, phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm như nhà chòi, nhà hàng tại khu vực bãi cát biển Vô cực”.

Cũng theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, để đa dạng trải nghiệm cho du khách khi về với biển Vô cực, có thể xây dựng các mô hình nuôi trồng, khai thác thủy hải sản trong rừng ngập mặn tạo nên sự đa dạng phong phú, thu hút sự quan tâm khám phá, trải nghiệm của du khách; đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập, bảo đảm kinh tế cho nhân dân địa phương.

Chia tay biển Vô cực và ngư dân xứ biển Diêm Điền, hai bên đường phi lao trải dài vi vu trước gió như những bản nhạc níu kéo người ở lại. Tôi sẽ trở lại nơi này bởi tin rằng, với tiềm năng, vẻ đẹp độc đáo của một vùng biển còn khá hoang sơ, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự nhiệt tình, hiếu khách của người dân bản địa, “biển Vô cực” sẽ sớm trở thành điểm du lịch hấp dẫn trên quê lúa Thái Bình.

Thanh Hội

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 10/8/2023