Cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 26 km, Vườn quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích hơn 8.500 ha, nằm trên địa phận huyện U Minh và Trần Văn Thời. Ðây là một trong 34 vườn quốc gia của Việt Nam, được Tổ chức UNESCO công nhận là một trong ba vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.
Trải nghiệm bơi xuồng ba lá len lỏi dưới tán rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau).
Trở lại lần này, gia đình bà Lâm Yến Nhi (du khách tỉnh Phú Yên) quyết định ghé thăm Vườn quốc gia U Minh Hạ; thích nhất là được lên tháp cao ngắm toàn cảnh khu rừng nguyên sinh bạt ngàn, xanh mướt, hít thở không khí trong lành và bơi xuồng len lỏi dưới tán rừng, tự tay thả lưới, giăng câu, đặt lờ, bắt cá… “Tuy rất thích nhưng gia đình tôi chỉ chọn vườn làm điểm dừng chân ngắn, bởi ở đây sản phẩm du lịch quá “nghèo”, lại chưa có nơi để khách lưu trú qua đêm”, bà Nhi chia sẻ.
Vườn quốc gia U Minh Hạ là một trong hai hệ sinh thái rừng đặc thù có tính đại diện cho hình ảnh du lịch của tỉnh Cà Mau. Trong tổng diện tích mà vườn đang quản lý, còn khoảng hơn 1.760 ha rừng nguyên sinh còn sót lại của Cà Mau với khoảng 176 loài cây cỏ, 23 loài thú, 91 loài chim và 47 loài lưỡng cư, bò sát. Nhiều trong số đó thuộc loại quý hiếm, được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Chính hệ sinh thái đặc thù và có tầm quan trọng như vậy mà trong suốt một thời gian dài, các nguồn lực đầu tư cho vườn chủ yếu tập trung cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, công tác phòng cháy, chữa cháy, giúp rừng an toàn trong những tháng cao điểm mùa khô hạn.
Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ Hồ Hoàng Ca cho biết, việc khai thác tiềm năng du lịch ở vườn chưa được chú ý nhiều khiến giá trị từ du lịch tại vườn chưa như kỳ vọng. Trong năm 2022, nơi đây đón gần 15.000 khách du lịch, chiếm chỉ khoảng 1% trong tổng lượng khách du lịch đến Cà Mau. Riêng trong sáu tháng đầu năm 2023, khách đến vườn hơn 13.300 người. Lượng khách tăng một phần nhờ tỉnh chọn vườn quốc gia làm nơi tổ chức một số hoạt động vào dịp 30/4 trong Chương trình sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến 2023” với các hoạt động: Hội thi buồng chuối to nhất, cá lóc đồng to nhất; thi bắt lươn; đi bộ, đạp xe đạp xuyên rừng…
Tuy nhiên, khách đến vườn vào dịp này cảm thấy chưa thích thú và các hoạt động không hấp dẫn, lôi cuốn. Theo nhiều ý kiến, so với các khu vực tương đồng rừng ngập ngọt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Vườn quốc gia U Minh Hạ là nơi có hệ sinh thái tốt nhất. Tuy nhiên, để cạnh tranh và thu hút đông khách, nơi đây còn phải đầu tư nhiều, nhất là hạ tầng cùng đa dạng các sản phẩm du lịch để giữ chân khách. Có tiềm năng, lợi thế lớn về du lịch nhưng do nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên suốt thời gian qua, U Minh Hạ như “viên ngọc thô” chưa mài giũa.
Ðề án phát triển du lịch Vườn quốc gia U Minh Hạ được xây dựng vào năm 2019. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc cho nên mãi đến gần cuối tháng 6/2023, Ðề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cho U Minh Hạ đến năm 2030 mới được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Ngày 09/8 vừa qua, theo công bố, phạm vi thực hiện đề án có tổng diện tích hơn 1.310 ha, nằm trên địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời, gồm hai phân khu được quy hoạch thành sáu khu chính: Phân khu du lịch hành chính (hơn 743 ha) và phân khu phục hồi sinh thái (hơn 574 ha).
Ðồng chí Hồ Hoàng Ca cho biết, nếu mọi việc thuận lợi thì đến cuối năm 2025, Vườn quốc gia U Minh Hạ sẽ có thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới hấp dẫn, đồng thời còn liên kết các điểm du lịch khác tại Cà Mau, như: Khu du lịch Hòn Ðá Bạc, Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, các hộ du lịch cộng đồng và kết nối các khu, điểm du lịch khác ngoài tỉnh.
Mục tiêu dài hơi của đề án phát triển du lịch tại Vườn quốc gia U Minh Hạ là hài hòa với thiên nhiên, đậm đà bản sắc văn hóa xứ tràm gắn liền với vùng căn cứ địa cách mạng “Làng rừng Vồ Dơi”. Thông qua các hoạt động phát triển du lịch còn giúp tạo thêm sinh kế cho cư dân địa phương cải thiện cuộc sống, từ đó nâng cao ý thức để chung tay với chính quyền, ngành chức năng bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng hệ sinh thái rừng tràm, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương - Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau
Tại nhiều nơi có rừng ở Cà Mau, tiềm năng phát triển du lịch là rất lớn nhưng gặp không ít trở ngại vì vướng nhiều quy định liên quan đến đất rừng. Vì vậy, chính quyền và ngành chức năng địa phương cần cẩn trọng để thực hiện đúng quy định nhằm phát triển kinh tế nhưng không xâm hại môi trường rừng, tạo thêm nguồn lực để bảo vệ, phát triển rừng.
Bài và ảnh: Hữu Tùng