Thành lập Khu bảo tồn Voọc mũi hếch Hà Giang

Cập nhật: 17/09/2009
Khu bảo tồn với diện tích 2.000 ha đã chính thức được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt thành lập tại rừng Khau Ca, tỉnh Hà Giang cho một trong những loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới - Voọc mũi hếch.

Khu bảo tồn được đặt tên là Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh

Voọc mũi hếch Hà Giang, bao gồm toàn bộ khu vực rừng là nơi sống của khoảng 90 cá thể Voọc mũi hếch được biết đến là quần thể lớn nhất hiện nay.

Voọc mũi hếch là loài linh trưởng quý hiếm duy nhất đối với Việt Nam và chỉ được biết đến từ tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Có ít hơn 250 cá thể được biết đến còn tồn tại trên thế giới và được xếp vào mức độ Cực kỳ nguy cấp trong cả Danh lục đỏ về các loài bị đe dọa của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và cả trong Sách đỏ Việt Nam.
Loài này trước đây được cho rằng đã bị tuyệt chủng. Mãi đến đầu những năm 90 mới được phát hiện trở lại tại tỉnh Tuyên Quang. Sau đó vào năm 2002, với sự hỗ trợ từ tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), đã phát hiện một quần thể tại khu vực rừng Khau Ca, tỉnh Hà Giang nằm giữa huyện Vị Xuyên và Bắc Mê. Từ đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Giang với sự hợp tác của FFI đã tiến hành các họat động bảo tồn nhằm bảo đảm sự tồn tại lâu dài của quần thể này.
Khu vực Khau Ca tạo thành một dãy rừng nhỏ trên núi đá vôi. Khu vực rừng nằm ở độ cao 600-700m bị tác động mạnh và hiện tại bao gồm cây bụi và cây gỗ nhỏ, hy vọng rằng sẽ có sự thay đổi sau khi thành lập khu bảo tồn. Khu vực rừng nằm ở độ cao từ 700 – 1400m ít bị tác động hơn với nhiều cây lâu năm, cây cao tại các thung lũng và cây thấp rải quanh khu vực đỉnh núi.
Một điểm chú ý khác nữa đó là khu vực có Voọc mũi hếch sát bên cạnh khu bảo tồn thiên nhiên Du Già và có các đặc tính sinh thái là một phần của hệ sinh thái giống nhau, điều đó có nghĩa một khu vục sống rộng hơn cho loài Voọc mũi hếch nếu một hành lang sinh cảnh rừng liên tục được tạo ra giữa hai khu bảo tồn trong tương lai.
Ông Hoàng Văn Tuệ, trưởng ban Ban quản lý khu bảo tồn cho biết ông thấy rất vui mừng và phấn khởi sau nhiều năm cố gắng bảo vệ, loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này đang phát triển tốt và khu bảo tồn đã chính thức được thành lập. Ông tin tưởng vào việc sẽ bảo tồn thành công loài linh trưởng này.
Thách thức trong tương lai là việc phục hồi các khu vực đất rừng đã cạn kiệt trong khu bảo tồn nhằm mở rộng vùng sinh cảnh sống cho quần thể Voọc phát triển. Điều này đòi hỏi một sự cố gắng hợp tác giữa Chi cục Kiểm lâm thông qua Ban quản lý khu bảo tồn, cộng đồng các dân tộc Dao, Tày và H’Mông tại địa phương và sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia quốc tế.

 

Nguồn: NDĐT