Điều kỳ diệu từ Cồn Cỏ - Quảng Trị

Cập nhật: 22/08/2023
Cồn Cỏ, những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, là trái tim của đất Quảng Trị, là nơi tiền tiêu gánh chịu những trận đánh phá dữ dội của không quân Mỹ, đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh cục bộ. Bình quân mỗi héc-ta đất trên đảo hứng chịu 22,6 tấn bom. Giờ đây, Cồn Cỏ đã thành một hòn đảo xanh giữa trùng khơi. Với những người đi qua và chứng kiến sự đổi thay ở Cồn Cỏ, đó là điều kỳ diệu.

Âu tàu đảo Cồn Cỏ.

Trái tim đón bão

Chị Nguyễn Thị Hạnh Nhân, cô gái thanh niên xung phong (TNXP) ra đảo nói rằng 20 năm trước, chị nằm mơ cũng không nghĩ tới ngày Cồn Cỏ đường sá đẹp đẽ, nhà cửa khang trang như thế này. Cồn Cỏ những năm tháng vừa mới vươn mình khỏi cuộc chiến, chi chít hố bom, những cánh rừng nham nhở, những bãi đá đen lạnh và quanh năm gió bão. Ký ức những TNXP 20 năm trước về đảo là những hố bom to ngang miệng giếng. “Để lấp một hố bom có khi phải cả năm trời”, chị Nhân chia sẻ. Phạm Viết Huy, Trạm trưởng Trạm Khí tượng hải văn Cồn Cỏ kể, cách đây vài năm, trạm làm lại nhà mà vẫn còn phát hiện những mảnh bom sót lại.

Năm 2012, Cồn Cỏ bắt đầu lập lại làng thanh niên. Những nếp nhà dựng lại giữa đá và lau sậy. Người Cồn Cỏ cứ cần mẫn từng hòn đá, xẻng cát để tạo dựng lại làng trên đảo. Năm 2017, điện mới về tới đảo, mới thôi cảnh chờ máy nổ chạy theo giờ. Có điện, nhiều thứ vì thế mà thuận tiện hơn, thế nhưng, mưa bão thì qua thời gian chỉ thấy khắc nghiệt hơn, chứ chẳng bớt đi là bao. Từ tháng 8 trở đi, Cồn Cỏ thành một túi đón bão cả nước. “Đất liền còn có cây, có núi chắn, chứ ở đây bão là hứng hết”, Đại úy Lê Đình Hướng, Trạm radar 540 (Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân) đóng trên đảo, mô tả. Từ trạm radar nhìn ra bờ kè, thẳng hướng cột cờ Cồn Cỏ, Đại úy Lê Đình Hướng nói, ở đây chỉ cần sóng cấp 5-6 là sóng đã đánh tung lên tới sát chân cột cờ rồi.

Phạm Viết Huy cũng nói, so với các đảo mà có trạm khí tượng, thì Cồn Cỏ vẫn là nơi gian nan nhất, nhất là vào mùa bão: “Tàu bè không có, đến thức ăn gửi ra cũng khổ”. “Nói đảo bình thường cũng đúng, nhưng cứ ra đây ở một tháng mùa đông, là biết thế nào là bình thường ngay”, Huy bảo. Cơn bão kinh khủng nhất người dân đảo nhớ trong chục năm qua là năm 2013. Anh Hướng kể: “Khi bão xong nhìn ra đảo như bãi đất trống, bao nhiêu cây cối gãy hết. Bão đi vào xong còn giật ngược lên, quét từ phía nam lên”. Năm đó bão dài. Còn mới năm 2021, khi cơn bão số 10 quét qua, cả đảo phải xuống hầm trú ẩn, trừ những người làm nhiệm vụ. “Hết bão, bước ra khỏi cửa nhìn chung quanh trống hoác”, vẫn anh đại úy đã kinh qua chục mùa bão đảo nhớ lại. Cây cối đổ rạp, sóng quét một lượt, phủ muối trắng lên tận nóc nhà. Năm 2020, Cồn Cỏ cũng ngấm bão với một cơn cấp 9-10.

Nguyễn Kim Oanh, người dân khu Làng Mới kể, mới hồi 2022, một đợt gió mùa thôi, hơn chục ngày không có tàu bè, nhưng “Bữa đó cháy gà, vịt, cả đảo không còn gà mà ăn”. Vợ chồng cô nuôi 50 con gà để bán cho bà con trên đảo, cho ngư dân qua lại, mà đợt ấy, 50 con hết sạch, mà chờ bóng tàu tiếp tế vẫn mù mịt.

Đảo tiền tiêu xanh

Trong fanpage Cồn Cỏ, con tàu chở khách ra đảo hằng ngày có tên là “Chiến hạm xanh”. Tới Cồn Cỏ vào mấy ngày biển lặng, tức là khi con tàu du lịch được chạy hằng ngày đưa người dân từ bờ ra đảo và ngược lại, khó hình dung hết gian khó của hòn đảo sát vĩ tuyến 17 này.

Đứng từ trên hải đăng, cả đảo được phủ một mầu xanh ngắt. Đường mòn xuyên rừng của đảo Cồn Cỏ đã hình thành từ lâu, nhưng vài năm trở lại đây, người dân, bộ đội trên đảo đã lấy san hô làm thành một con đường độc đáo. Đi bộ trong rừng, thi thoảng lại có thể đạp chân lên những vỏ ốc, vỏ sò - những thứ đặc trưng mà chỉ vùng biển mới có. Con đường san hô trở thành một điếm nhấn của hòn đảo. Rừng ở Cồn Cỏ xanh mát và yên bình kỳ lạ, nghe rõ cả tiếng sóng ì oạp ngoài khơi. Ở đó vẫn còn nhiều cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, mà vì một lý do kỳ diệu nào đó, bom đạn đã bỏ qua nó. Có những cây bàng, cây đa hình thế đa dạng, tạo nên một vòm xanh mướt ngay giữa lòng hòn đảo miền trung, giữa cái nóng như nung những ngày hè. Cách đó không xa là rừng cây phong ba chắn gió dọc bờ kè.

Nguyễn Kim Oanh, sau 5 năm trụ lại đảo nói rằng, trừ mùa mưa bão thì sống ở đảo dễ chịu. Con đường rừng này cũng là đường Oanh thường đi để chặt chuối về nuôi gia súc. “Đảo này dễ ba phần tư là chuối”, cô gái 9X cười giòn. Cũng vì thế mà cô cứ đòi gọi cậu con trai út là Chuối, dù chồng cô lắc đầu nhăn nhó. Cuối cùng, cậu bé được gọi là “Cá Rô”, một cái tên cũng đậm chất sông nước. Trước kia, hai vợ chồng ở Vĩnh Mốc, làm ruộng và đi cá cơm. Lâu lâu mới trúng được một vụ cá, còn thì bữa đói, bữa no. Ra đây biển hào phóng, cũng đi biển làm ốc, làm hàu nhưng mà dễ sống. Mấy nhà từ đất liền ra đảo cùng dịp hai vợ chồng, cũng có hai nhà không trụ lại được với gió bão, “Lúc mới ra cực lắm, điện đài chưa có, nước nôi chưa có. Một ngày vài giờ có điện, tới giờ trưa tầm 1 giờ là cắt tới 5 giờ, tối 1 giờ đêm lại cắt tới 5 giờ sáng. Công việc thì chưa định hình, lúc mới ra chồng em chỉ đi biển, em làm chân giữ trẻ. Mãi sau mình rảnh bắt đầu buôn bán”.

Bây giờ, Oanh bảo vợ chồng cô đã bớt phải nghĩ cái ăn như những ngày cũ. Oanh đang nhận phần chăm sóc vườn hoa duy nhất của đảo. Cồn Cỏ lắm nắng gió, đất cát, đào lên toàn đá đen, tưởng chừng hoa không nở được. Chị em phụ nữ đảo đã từng thử trồng đủ loại hoa, nhưng đều thất bại. Có năm đảo trồng được một vạt hướng dương, nhưng qua một mùa gió, cây chưa kịp ra hoa đã đổ rạp. Thứ hoa hiếm hoi sống được là những bông muống biển tím lan trên bờ cát, hay những bông phong ba nhỏ xíu lấp lánh như nước mắt. Vậy mà 30/4 năm rồi, Hội Phụ nữ của đảo trồng được một vạt hoa bướm. Giống hoa ngắn ngày, chừng một tháng là đổ mầu rực rỡ cả khu Làng Mới. Nhà Oanh ở sát vạt hoa, độ vài ngày cô lại tưới nước. Mọi người bảo nếu những bông hoa này sống, Cồn Cỏ sẽ thêm kinh nghiệm để tiếp tục trồng thêm nhiều vạt hoa, để người ở xa tới đây có thêm điểm dừng chân.

Nguyễn Thị Bé, cô giáo trên Trường mầm non Hoa Phong Ba trên đảo, cũng ở lại đảo với tình yêu của cả cuộc đời. Năm 2015, cô viết đơn tình nguyện ra đảo, rồi gặp và yêu chồng, anh lính hải quân đen nhẻm, vui tính. Một người Quảng Trị, một người Quảng Nam, rồi cứ thế mà gắn bó với nhau. Nghe Bé kể chuyện cả hai, thấy đến cả ánh mắt cũng lấp lánh niềm vui, dù câu chuyện đầy đủ nhọc nhằn của một người vợ lính, cả những ngày xa xôi cách trở ôm bụng bầu chờ tàu đi đẻ.

***

Từ năm 2017, Quảng Trị triển khai đề án mở tuyến du lịch ra đảo. Bí thư huyện đảo Cồn Cỏ Võ Quang Cường nói rằng, mục tiêu của Cồn Cỏ là du lịch xanh. Đứng từ bờ kè, ông say sưa kể về tương lai cho hòn đảo tiền tiêu, rằng ở đây, kỳ vọng sẽ là một điểm đến mới: “Bây giờ trước mắt là bảo tồn môi trường biển, bảo tồn rặng san hô, thu hút người dân đến đây làm kinh tế nhiều hơn, khách du lịch sẽ nhiều hơn”. Biển Cồn Cỏ có hơn 100 loài san hô, nhiều loài quý hiếm, rong biển, rong nho Cồn Cỏ cũng có giá trị cao.

Ở Cồn Cỏ, vừa bước chân lên đảo người ta đã thấy hai thùng rác được phân loại cẩn thận. Cũng ít có hòn đảo nào ở Việt Nam cho cái ấn tượng đầu tiên như vậy.

“Hiện nay huyện đang phát động sử dụng túi vật liệu thân thiện thay thế túi nylon, động viên bà con xử lý rác thải, chúng tôi đã có lò đốt rác sau đảo”, ông Cường chia sẻ thêm. Bãi biển Cồn Cỏ được phân công cho các hộ dân tự quản, mỗi tháng một lần sẽ tổng vệ sinh môi trường toàn đảo. “Đến khổ vì rác biển, chả hiểu rác từ đâu tấp về”, ông Cường nhặt một chai nhựa đang trôi lập lờ chân bờ kè.

Bảy năm kể từ khi Cồn Cỏ đón khách du lịch, đảo vẫn chưa thật sự phát triển du lịch như đúng tiềm năng. “Cơ sở hạ tầng thì đã tạm ổn rồi, nhưng giao thông tuyến Cửa Việt - Cồn Cỏ vẫn chưa cố định. Tàu ra Cồn Cỏ chưa có bến chính, phải đi mượn cầu cảng, khách du lịch đến vẫn khó”, ông Cường chia sẻ. Nói khách quan, Cồn Cỏ vẫn còn nhiều việc phải chuẩn bị, từ thiết kế tour tuyến, tăng cường, đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Nhưng trước mắt, từ những cánh rừng, những con đường xanh quanh đảo, từ những người như Oanh, như Bé, như chị Nhân, đảo đã cho thấy một sức sống đáng tin cậy. Bỏ lại quá khứ bom đạn, bỏ qua những bão gió đời thường, Cồn Cỏ vẫn xanh đầy kỳ diệu, với một sức mạnh tiềm ẩn không gì ngăn được.

Cồn Cỏ nằm ở vĩ tuyến 17’10, là vị trí tiền tiêu những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1964 đến 1968, máy bay Mỹ ném xuống Cồn Cỏ hơn 13.000 quả bom các loại, hàng vạn quả rốc-két, 172 lần tàu chiến pháo kích hơn 4.000 quả đạn pháo lên đảo.

Cồn Cỏ có điểm tọa độ A11, điểm cơ sở thứ 11 trong số 11 điểm cơ sở của đường cơ sở biển Việt Nam.

Lượng du khách đến đảo (giai đoạn 2017-2021) trung bình hằng năm chiếm 103,95%, doanh thu từ du lịch, dịch vụ ước đạt khoảng 21,6 tỷ đồng. Năm 2022, lượng khách du lịch đến với Cồn Cỏ vẫn đạt hơn 80% kế hoạch cả năm của huyện.

Bài và ảnh: Phương Mai, Hải Vân

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 18/8/2023